SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Startup Singapore nuôi trồng thủy sản không dùng kháng sinh

[11/04/2024 08:11]

Công ty khởi nghiệp Peptobiotics của Singapore vừa huy động được 6,2 triệu USD trong vòng gọi vốn Series A để thương mại hóa công nghệ peptide kháng khuẩn, thay thế việc sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản.

Đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành Jonathan Bester cho biết số tiền này sẽ cung cấp vốn lưu động cho công ty để sản xuất thương mại.

Sản phẩm đầu tiên của công ty đặc biệt nhắm vào nuôi trồng thủy sản, nơi người nuôi tôm thiệt hại hàng tỷ USD mỗi năm vì nhiễm khuẩn

Peptobiotics được thành lập vào năm 2020 với mục tiêu giải quyết tình trạng lạm dụng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản, dẫn đến sự xuất hiện vi khuẩn kháng kháng sinh ngày càng nhiều.

"Trọng tâm của chúng tôi là sử dụng công nghệ sinh học để tạo ra một giải pháp thực sự hiệu quả, thay thế kháng sinh nông nghiệp, sạch cho môi trường, nhân đạo với động vật và an toàn cho người tiêu dùng", Bester nói.

Các peptide kháng khuẩn tái tổ hợp là các protein có khả năng ức chế sự phát triển của vi khuẩn. Đây là tuyến phòng thủ đầu tiên trong hệ thống miễn dịch của nhiều sinh vật. Chúng có thể tiêu diệt vi khuẩn hiệu quả như kháng sinh, nhưng phương thức hoạt động của chúng khác với kháng sinh nên không dẫn đến kháng kháng sinh. Vì peptide được sản xuất tự nhiên bởi cơ thể, chúng được cho là an toàn hơn và ít bị tác dụng phụ có hại hơn so với kháng sinh truyền thống.

Jhee Hong Koh (trái), nhà sinh học phân tử của công ty và Jonathan Bester, đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành. Ảnh: Peptobiotics.

Trao đổi với AgTech Navigator, đồng sáng lập kiêm giám đốc công nghệ Koh Jhee Hong, người lấy bằng tiến sĩ sinh học phân tử từ Đại học Công nghệ Nanyang, cho biết: "Bước đột phá của chúng tôi là sàng lọc qua 1.000 peptide để tìm ra những peptide hiệu quả thực sự trong nông nghiệp, sau đó tìm ra những đổi mới công nghệ sinh học cần thiết để sản xuất chúng ở quy mô công nghiệp với mức giá chấp nhận được đối với khách hàng."

Công ty sẽ đảm nhận các giai đoạn sản xuất cuối cùng tại Singapore và hợp đồng với các đối tác khác cho các bước trước đó. Hiện tại, họ không có kế hoạch sản xuất ở bất kỳ địa điểm nào ngoài Singapore.

Theo một số nhà đầu tư, các chủng vi khuẩn kháng kháng sinh trong cá và hải sản đã tăng hơn tám lần trong 30 năm qua.

Bên cạnh những thiệt hại về phúc lợi của cá, việc sử dụng kháng sinh, ngay cả trong phạm vi tiêu chuẩn, vẫn có thể thâm nhập vào nguồn cung ứng thực phẩm của con người, tạo điều kiện cho sự xuất hiện của vi khuẩn kháng kháng sinh trên người.

Các giải pháp giảm sử dụng kháng sinh như của Peptobiotics thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư.

Vòng gọi vốn Series A vừa kết thúc của Peptobiotics có sự tham gia của Hatch Blue (tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp có trụ sở ở Ireland, tập trung vào các công ty nuôi trồng thủy sản, y tế, di truyền và sản xuất); Farmabase (nhà sản xuất thuốc cho gia cầm và lợn lớn nhất Mỹ Latinh, trụ sở tại Brazil); GrainCorp (doanh nghiệp nông nghiệp đa ngành của Úc); quỹ đầu tư Seventure Partners của Pháp; quỹ mạo hiểm Ponderosa Ventures của Anh; và các quỹ Seeds Capital, Trendlines Agrifood Fund, The Yield Lab Asia Pacific của Singapore.

https://khoahocphattrien.vn (tnxmai)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ