Triển vọng thu hoạch nước mưa tại TP.HCM
Đề tài do các tác giả Hoàng Khánh Hòa (Viện Kỹ thuật nhiệt đới và bảo vệ môi trường), Nguyễn Thúy Lan Chi (ĐH Tôn Đức Thắng) thực hiện.
Theo đó, tài nguyên nước ngọt của thành phố
chịu áp lực lớn do đô thị hóa và công nghiệp hóa. Việc đảm bảo nước sạch cho
tất cả các khu vực của TP.HCM là rất khó khăn và tốn kém, đặc biệt là đối với
những nơi thiếu các nguồn nước sạch tại chỗ như Cần Giờ, Bình Chánh, Nhà Bè.
Nhu cầu sử dụng nước tại thành phố đang ngày một gia tăng để đáp ứng yêu cầu
phát triển kinh tế - xã hội nên áp lực về cấp nước là rất lớn. Tập quán sử dụng
nước mưa vẫn còn phổ biến trong cộng đồng người dân thành phố. Hệ thống thu
hứng nước mưa đơn giản, các vật liệu được sử dụng rẻ tiền và có sẵn tại địa
phương. Tuy nhiên hiện nay một số bộ phận dân cư đang có xu hướng ít quan tâm
đến nguồn nước này và có biểu hiện trông chờ vào nguồn nước cấp của thành phố.
Tiềm năng thu hứng nước mưa cho mục đích sinh hoạt là rất khả quan.
Nếu hệ thống thu nước mưa thiết kế tốt thì
có thể giải quyết được đáng kể nhu cầu nước ngọt, đặc biệt là trong các tháng
mùa mưa ở nhiều khu vực của thành phố. Việc sử dụng nước mưa tại chỗ đem lại
nhiều lợi ích to lớn bao gồm cả khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường, góp
phần bảo vệ tiết kiệm tài nguyên nước cho TP.HCM. Hệ thống thu trữ nước mưa đơn
giản, rẻ tiền, dễ lắp đặt và sử dụng nên có thể áp dụng rộng khắp trong cộng
đồng dân cư. Việc phát triển giải pháp này có nhiều thuận lợi do người dân đã
có tập quán và kinh nghiệm lâu năm. Đề nghị thành phố nên có chủ trương về khai
thác nước mưa, tuyên truyền vận động mọi người tham gia tận dụng nước mưa, sử
dụng tiết kiệm nước. Cần xây dựng cơ chế hỗ trợ cho các hộ dân nghèo dụng cụ
thu gom và trữ nước mưa. Ngoài mạng lưới thu trữ nước mưa quy mô gia đình,
trong quy hoạch cấp nước lâu dài cho thành phố cần quan tâm nghiên cứu phương
án khai thác nước mưa ở quy mô lớn.