Theo cảm nhận của nhạc sĩ Phó Đức Phương, bản quyền nhạc Trịnh một năm có thể lên tới hàng tỷ đồng, đạt mức thu bản quyền tác giả âm nhạc cao nhất Việt Nam hiện nay.
Trong khi đó, đến giờ, gia
đình cố nhạc sĩ vẫn chủ yếu trông chờ vào ý thức của người sử dụng và tiếp tục
“kêu cứu” tới các cơ quan chức năng.
Trước
dịp kỷ niệm 10 năm nhạc sĩ họ Trịnh trở về cát bụi, bà Trịnh Vĩnh Trinh - người
được gia đình ủy quyền quản lý bản quyền tác phẩm âm nhạc của Trịnh Công Sơn -
đã ký vào đơn kiến nghị gửi tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc giúp đỡ
ngăn chặn tình trạng một số chương trình biểu diễn nghệ thuật ở Hà Nội sử dụng
tác phẩm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà không thông báo.
Giá
1,5 triệu đồng/vé, vẫn không trả tiền bản quyền?
Theo
bà Trinh, vào dịp kỷ niệm ngày mất Trịnh Công Sơn, nhiều chương trình nhạc
Trịnh diễn ra tại HN, song ngoài chương trình do chính gia đình tham gia tổ
chức, mới chỉ có duy nhất nhà sản xuất Ru tình nghiêm túc thực hiện
trách nhiệm về bản quyền tác phẩm. Đây cũng là chương trình duy nhất được gia
đình cố nhạc sĩ đồng ý cho tổ chức từ 10 năm nay.
Trong
khi đó, theo khảo sát của PV TT&VH, trên các đường phố Hà Nội, băng
- rôn quảng cáo cho một số đêm nhạc kỷ niệm 10 năm ngày mất nhạc sĩ Trịnh Công
Sơn đã xuất hiện. Được biết, mức vé cao nhất của chương trình này lên tới 1,5
triệu đồng,...
Đây
không phải lần đầu tiên, vấn đề bản quyền nhạc Trịnh được đề cập tới. Còn nhớ,
năm 2008 đã xảy ra một cuộc tranh luận về mức giá 300.000 đồng/1 lần hát ca
khúc của Trịnh Công Sơn. Tất nhiên, cuộc tranh luận đã đến hồi kết, vì mục đích
của gia đình cố nhạc sĩ không phải là tận thu tiền tác quyền mà chỉ muốn được
tôn trọng. Số tiền bản quyền thu được cũng nhằm thành lập Quỹ Trịnh Công Sơn và
thực hiện di nguyện của nhạc sĩ lúc sinh thời.
Trong
khi đó, theo nhận định của nhạc sĩ Phó Đức Phương - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ
quyền tác giả âm nhạc Việt Nam - nếu được thực thi nghiêm túc và bài bản, số
tiền tác quyền nhạc Trịnh sẽ lên tới hàng tỉ đồng mỗi năm.
“Là
nhạc sĩ sáng tác, tôi cảm nhận được điều đó chứ. Một nhạc sĩ “ăn khách” hiện
nay, có mức thu tác quyền là hàng trăm triệu đồng. Theo tổng kết của trung tâm,
năm qua, 3 nhạc sĩ nhận số tiền hơn 200 triệu đồng, hơn 30 nhạc sĩ nhận hơn 100
triệu đồng,... Với sự việc về bản quyền nhạc Trịnh, tôi không áy náy gì vì đã
rất chu đáo và hết lòng. Tôi từng gửi “huyết tâm thư” tới gia đình và vào tận
Sài Gòn gặp gỡ Trịnh Vĩnh Trinh, nhưng họ vẫn không hiểu những phân tích của
tôi. Tôi biết, gia đình cố nhạc sĩ không chấp nhận chuyện “cào bằng” tiền tác
quyền. Vì thực tế, hiện tại, có bài thu 300.000 đồng, có bài chỉ có giá 5.000 -
7.000 đồng. Nhưng nếu chúng tôi phải đặt đơn giá cho từng tác giả thì,... chết
mất. Thật đau lòng, đến giờ, tác quyền nhạc Trịnh vẫn bị vi phạm tràn lan” -
nhạc sĩ Phó Đức Phương chia sẻ.
Gia
đình hoàn toàn có thể khởi kiện
Ông
Phạm Đình Thắng - Cục phó Cục Nghệ thuật Biểu diễn, một trong hai đơn vị được
đề gửi trong đơn “kêu cứu” của gia đình cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - cho biết,
hiện tại, Cục vẫn chưa nhận được đơn kiến nghị nói trên, nên chưa thể trả lời
chính thức.
Tuy nhiên,
theo phân tích của ông Phạm Đình Thắng, việc cấp phép biểu diễn nghệ thuật
(thuộc thẩm quyền quản lý của Cục Nghệ thuật Biểu diễn - PV) và giao dịch bản quyền (thuộc thẩm quyền quản lý của Cục Bản quyền tác
giả - PV) là hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau. Ông Thắng nhấn mạnh thêm, bản
quyền là giao dịch dân sự, được quy định bằng Luật Sở hữu Trí tuệ, theo đó khi
dùng tác phẩm phải trả tiền tác quyền. Nếu tổ chức/cá nhân vi phạm luật, gia
đình cố nhạc sĩ hoàn toàn có thể khởi kiện ra tòa.
Có lẽ,
đúng như lời ông Phạm Đình Thắng, chỉ con đường tới tòa mới khiến những lùm xum
xung quanh tác quyền của một nhạc sĩ lớn đi đến hồi kết?
Bà
Trịnh Vĩnh Trinh cho biết, từ trước đến nay, gia đình cố nhạc sĩ chưa bao giờ
đi đòi tác quyền, hầu hết đều do các nơi tự nguyện đóng. Song, hiện tượng vi
phạm quá tràn lan nên buộc gia đình nhiều lần phải lên tiếng.