Vụ xâm phạm quyền SHTT bánh Custard cake: Lập lờ đánh lận con đen
Quá bức xúc trước hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) một cách trắng trợn của Công ty P., Công ty TNHH dịch vụ thương mại Lương Chiến (Công ty Lương Chiến) buộc phải kiến nghị các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp xử lý thích đáng.
Bánh Custard Cake do Công ty P nhập từ Trung Quốc
(bên trái) gần như giống hệt bánh Custard Cake đã được bảo hộ của European Food
Public Company Limited.
Với sự vào cuộc của
các cơ quan chức năng gồm: Hải quan, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ
(KH&CN), lô hàng nhập khẩu (NK) có dấu hiệu vi phạm của Công ty P. đã bị
tạm dừng làm thủ tục hải quan và niêm phong chờ cơ quan chức năng xác định hành
vi vi phạm để đưa ra biện pháp xử lý cuối cùng.
Bỗng dưng… có “em
song sinh ngoài ý muốn”!
Ngày 7-6, tiếp xúc
với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Vượng - Giám đốc Công ty Lương Chiến vẫn chưa hết
bức xúc khi đề cập đến vụ xâm phạm quyền SHTT một cách trắng trợn của Công ty
P. Theo ông Vượng, ngày 11-9-2008, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) có Quyết
định 18233/QĐ-SHTT cấp Giấy đăng ký nhãn hiệu (tại Việt Nam) số 108900 cho Công
ty European Food Public Company Limited (Thái Lan) với nhãn hiệu được bảo hộ là
bánh ngọt “Euro Custard cake”, thời gian bảo hộ 10 năm (đến năm 2018 - PV) và
có thể gia hạn.
Tiếp đó, Công ty
European Food Public Company Limited đã có giấy ủy quyền cho Công ty Lương
Chiến là đại diện độc quyền duy nhất tại Việt Nam có thể hợp pháp nhập khẩu,
phân phối và bán trên thị trường, quảng cáo và quảng bá các sản phẩm mang
thương hiệu Euro (trong đó có bánh “Euro Custard cake” - PV) của European Food
Public Company Limited, được đại diện và thay mặt cho European Food Public
Company Limited tại Việt Nam. Sau khi có ủy quyền này, Công ty Lương Chiến đã
tiến hành nhập khẩu và phân phối các sản phẩm của European Food Public Company
Limited một cách bình thường tại Việt Nam.
Trong quá trình kinh
doanh, Công ty Lương Chiến bất ngờ nhận được thông tin bánh “Euro Custard cake”
bị xâm phạm về quyền SHTT. Cụ thể, ngày 10-5-2012, trong quá trình làm thủ tục
NK cho lô hàng của Công ty P. (theo tờ khai 8648/NKD01, Công ty P. nhập sản
phẩm bánh cũng có nhãn hiệu “Euro Custard cake” nhưng có xuất xứ từ Trung
Quốc), Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 1 phát hiện lô hàng này
có dấu hiệu nhái bao bì, mẫu mã vỏ bìa và bao bì từng chiếc bánh đối với sản
phẩm bánh trứng “Euro Custard cake” do Công ty Lương Chiến độc quyền nhập khẩu
và phân phối tại Việt Nam như nêu trên (có dấu hiệu vi phạm quyền SHTT). Sự
việc đã được cơ quan Hải quan kịp thời thông báo cho doanh nghiệp được ủy quyền
độc quyền nhập khẩu.
Sau khi tiếp nhận
thông tin, Công ty Lương Chiến đã có văn bản đề nghị cơ quan Hải quan tạm dừng
làm thủ tục hải quan đối với lô hàng của Công ty P. để lấy mẫu gửi cơ quan chức
năng xác định hành vi vi phạm.
Ngày 14-5-2012, đại
diện cơ quan Hải quan, Công ty Lương Chiến, Công ty P. đã tiến hành lập biên
bản để niêm phong lô hàng và lấy mẫu sản phẩm gửi một số cơ quan chức năng xác
định hành vi vi phạm (đồng thời có thêm mẫu lưu giữ ở cả 2 công ty và cơ quan
Hải quan).
“Lập lờ đánh lận con
đen”
Theo Thanh tra Bộ
KH&CN, so sánh bánh “Euro Custard cake” của Công ty European Food Public
Company Limited và bánh “Euro Custard cake” do Công ty P. nhập khẩu, về cơ bản
được trình bày (nhãn hiệu) tương tự nhau. Theo Thanh tra Bộ KH&CN, với kiểu
dáng và cách trình bày như vậy, việc cho 2 sản phẩm này cùng lưu thông trên thị
trường sẽ tạo nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
“Do Công ty European
Food Public Company Limited đã sử dụng rộng rãi mẫu bánh để kinh doanh trên thị
trường trước khi Công ty P. nhập khẩu về Việt Nam, nên hành vi nhập khẩu (nhập
bánh “Euro Custard cake”) của Công ty P. đủ yếu tố cấu thành hành vi cạnh tranh
không lành mạnh được quy định tại Điều 130, Luật Sở hữu trí tuệ” - Thanh tra Bộ
KH&CN khẳng định. Đồng thời, Thanh tra của Bộ KH&CN cho rằng, với hành
vi trên của Công ty P. (cạnh tranh không lành mạnh) cơ quan, người có thẩm
quyền cần “áp dụng Điều 14, Nghị định 97/2010/NĐ-CP năm 2010 của Chính phủ quy
định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp để xử phạt”.
Ông Nguyễn Đức Vượng
cho biết thêm, hành vi cạnh tranh không lành mạnh bằng cách nhập khẩu hàng hóa
gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng đã được Công ty P. thực hiện không ít lần.
Bằng chứng là nhân viên của ông đã mua được bánh “Euro Custard cake” (thực chất
là hàng nhái) có chất lượng thấp hơn rất nhiều so với bánh “Euro Custard cake”
được Công ty nhập khẩu từ Thái Lan. Điều này không chỉ vi phạm Luật Sở hữu trí
tuệ mà còn gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng, uy tín của sản phẩm và bản
thân nhập khẩu. Chính vì vậy, Công ty quyết tâm phối hợp với lực lượng chức
năng “bắt tận tay day tận trán” hành vi vi phạm của Công ty P., đồng thời để
ngăn chặn ý đồ tiếp tục đưa về thị trường trong nước những sản phẩm có dấu hiệu
vi phạm quyền SHTT của Công ty này.
Theo chúng tôi được
biết, không chỉ có Công ty P., mà trước đây một số nhập khẩu ở Hải Phòng, Nam
Định cũng từng sản xuất sản phẩm có nhãn hiệu gần như giống hệt bánh “Euro
Custard cake”. Chỉ đến khi bị Công ty Lương Chiến phối hợp với cơ quan chức
năng các địa phương trên phát hiện, xử lý các doanh nghiệp này mới chấm dứt
hành vi vi phạm. Nhưng trường hợp nhập khẩu sản phẩm có dấu hiệu vi phạm từ
nước ngoài về của Công ty P. là trường hợp đầu tiên bị phát hiện.
Chi cục Hải quan cửa
khẩu cảng Hải Phòng khu vực 1 đã tiếp tục gia hạn thời hạn tạm dừng làm thủ tục
hải quan đối với lô hàng có dấu hiệu nghi vấn vi phạm quyền SHTT của Công ty P.
để chờ kết luận giám định từ cơ quan chức năng để ra quyết định xử lý cuối
cùng.
http://www.baohaiquan.vn (dtphong)