Vừa qua tại TPHCM, Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Friday Business Forum” đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Thương hiệu Việt đang dần biến mất?”, với sự tham gia của gần 500 đại biểu đến từ các doanh nghiệp (DN) và cơ quan báo chí.
Thực tế xót xa
Vài năm gần đây có rất nhiều thương hiệu Việt bị các đại gia nước ngoài thâu
tóm. Có những thương hiệu quen thuộc và gắn bó với người tiêu dùng trong nước
từ rất lâu, giờ đây phải chấp nhận thay tên đổi chủ.
Thương hiệu Phở 24 đã bán cho nước ngoài. Ảnh: Kim Ngân
Điển hình
mới đây nhất là thương vụ Highlands Coffee mua 100% cổ phần của Phở 24 rồi bán
lại 50% tổng cổ phần đó cho Jollibee (Philippines) - Tập đoàn kinh doanh chuỗi
thực phẩm, thức ăn nhanh, đã có mặt tại Việt Nam (VN) nhiều năm nay. Hay như
“cuộc chiến” giành quyền kiểm soát giữa Công ty CP Bánh kẹo Bibica và Tập đoàn
Lotte (Hàn Quốc). Hiện tại Bibica đã có sự thay đổi đó là Tập đoàn Lotte đã trở
thành cổ đông lớn với số cổ phần nắm giữ lên tới hơn 38%. Cùng hoàn cảnh với
Bibica, một thương hiệu lớn khác trong ngành bia rượu, nước giải khát ở TPHCM
cũng đang đứng trước nguy cơ để mất quyền kiểm soát vào tay đối tác ngoại.
Rất nhiều
thương hiệu Việt một thời là biểu trưng cho khát vọng xây dựng thương hiệu Việt
nay đã bị mua bán, sáp nhập. Tận dụng thời kỳ suy sụp kéo dài của thị trường
chứng khoán VN, đặc biệt là từ giai đoạn 2009 - 2011, nhiều ông chủ nước ngoài
đã thầm lặng gom cổ phiếu các công ty VN với mức giá rẻ mạt (nhiều công ty có
chỉ số PE chỉ ở mức 3 - 4), hòng nắm quyền chi phối, kiểm soát các hoạt động
của các DN Việt.
Ngoài việc
một số thương hiệu lớn ở VN bị nước ngoài đang thôn tính dần, nhiều thương hiệu
Việt khác cũng thua lỗ nhiều năm liên tiếp cũng được các công ty nước ngoài
ngắm nghía. Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ trong vòng 2 năm qua, cả nước đã có
trên 50.000 DN dừng hoạt động, dừng nộp thuế, hoặc đã giải thể, phá sản, đóng
cửa. Trong đó, số DN phá sản, giải thể không phải ít (khoảng 6.000 đến 7.000
DN). Khó khăn này khiến nhiều thương hiệu Việt đã “chết” ngay trên sân nhà hoặc
bị thao túng bởi các DN nước ngoài.
Qua các
trường hợp thương hiệu Việt bị nước ngoài mua, người ta đều thấy nổi lên sự
khập khiễng. Đó là DN nước ngoài có vốn lớn, kinh nghiệm nhiều, khả năng truyền
thông mạnh hơn, trình độ khoa học kỹ thuật cao hơn nên họ rất dễ đánh bại
thương hiệu Việt. Ngay cả những thương hiệu VN đạt thứ hạng cao (Vinamilk,
Trung Nguyên, Kinh Đô, Việt Tiến, Bia Hà Nội, Bia Sài Gòn, Vissan,…) cũng đang
đứng trước cuộc cạnh tranh khốc liệt và gay gắt với các thương hiệu nước ngoài.
Thương hiệu bánh Bibica đã từng bị đề nghị đổi tên thành Lotte - Bibica.
Ảnh: Kim Ngân
Giữ thương hiệu Việt
bằng cách nào?
Để thương hiệu Việt không dần biến mất, đòi hỏi các DN phải thực hiện tốt việc
kết hợp giữa chiến lược kinh doanh và thương hiệu. Ông Đào Ngọc Linh, Phó Tổng
giám đốc Công ty Tư vấn B&Company, cho biết: Khảo sát tại thị trường VN cho
thấy số DN VN đánh giá đúng tầm quan trọng của việc nghiên cứu thị trường, lắng
nghe phản hồi của người tiêu dùng trước khi đưa ra các quyết định về chiến lược
kinh doanh nói chung và chiến lược về marketing và thương hiệu nói riêng còn
khá hạn chế. Trong khi đó, việc nghiên cứu và khảo sát thị trường được thực
hiện rất bài bản và thường xuyên tại hầu hết các DN nước ngoài, đặc biệt là các
DN Nhật Bản. Khắc phục được yếu kém này DN VN mới có thể đứng vững trong cuộc
chiến giành thị phần ở thị trường nội địa.
Một vấn đề nữa các DN VN cần đặc biệt quan tâm, đó là người tiêu dùng VN vẫn
hoài nghi, thậm chí dị ứng với sản phẩm của các nhãn hiệu, DN trong nước. Điều
này có lẽ một phần do người VN có tâm lý vọng ngoại, nhưng một phần do sản phẩm
của DN Việt chưa thực sự tạo được niềm tin đối với người tiêu dùng trong nước.
Theo TS Phạm Trí Hùng (Tổ chức VNR Research Division), để thương hiệu Việt
không biến mất, các DN cần nâng cao năng lực cạnh tranh, đầu tư nâng cấp đổi
mới công nghệ, tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, giá rẻ phù
hợp với thị hiếu từng phân khúc thị trường nhằm tạo ra hình ảnh đẹp về thương
hiệu sản phẩm. Khi đã tạo được thương hiệu, tiến hành ngay công tác đăng ký
thương hiệu ở thị trường trong nước, thị trường nước ngoài và cả ở thị trường
tiềm năng để tránh trường hợp thương hiệu bị đánh cắp. Mô hình bốn chữ P trong
marketing hỗn hợp - Product (sản phẩm), Place (phân phối), Price (giá) và
Promotion (hỗ trợ bán hàng) như các công cụ DN dùng để theo đuổi các mục tiêu
của mình trong những thị trường họ nhắm đến sẽ phát huy tác dụng trong cả kinh
doanh trong nước lẫn kinh doanh ở ngoài nước.
Theo Tổng cục Thống kê, kết
quả cuộc điều tra mới đây (tính đến hết tháng 4-2012) cho thấy: Trong tổng số
706 DN phá sản, giải thể thuộc diện điều tra có đến 69,4% DN phản ánh nguyên
nhân phá sản, giải thể do sản xuất kinh doanh thua lỗ; 28,4% DN thiếu vốn sản
xuất kinh doanh; 15,1% DN không tiêu thụ được sản phẩm,...