Thừa Thiên Huế: Xây dựng mô hình sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ nấm linh chi và một số loại nấm ăn tại huyện Phú Vang
Đó là tên dự án Nông thôn - Miền núi của Bộ KH&CN do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN chủ trì vừa được nghiệm thu.
Dự án được thực hiện từ tháng 4.2010 đến
tháng 3.2012 với mục tiêu chung là tiếp nhận và xây dựng thành công cơ sở sản
xuất giống và các mô hình sản xuất, chế biến nấm linh chi (Ganoderma Lucidum)
và một số loại nấm ăn (rơm, sò, mộc nhĩ) tại tỉnh Thừa Thiên Huế, qua đó làm cơ
sở cho việc chuyển đổi ngành nghề, tăng thu nhập cho người dân. Mục tiêu cụ thể
của dự án là tiếp nhận và chuyển giao 12 quy trình công nghệ về sản xuất giống,
nuôi trồng, chế biến nấm linh chi và một số loại nấm ăn của Trung tâm Công nghệ
sinh học thực vật, Viện Di truyền nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn). Xây dựng mô hình sản xuất nấm ở quy mô công nghiệp có công suất tối
thiểu đạt 25 tấn giống/năm, bảo đảm cung ứng đủ nhu cầu về giống cho các tổ
chức, cá nhân nuôi trồng nấm trong tỉnh và khu vực lân cận. Xây dựng mô hình
sản xuất nấm linh chi và một số loại nấm ăn theo hình thức tập trung tại chỗ và
phân tán trong dân. Qua đó, đào tạo đội ngũ chuyên gia, kỹ thuật viên nắm vững
các quy trình công nghệ sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ các
sản phẩm nấm ăn và nấm dược liệu.
Theo ThS. Trần Tuấn, chủ nhiệm dự án, dự án
đã tiếp nhận và hoàn thiện các công nghệ chuyển giao như công nghệ sản xuất các
loại giống nấm, công nghệ sản xuất nuôi trồng các loại nấm, công nghệ chế biến
các loại nấm, công nghệ xử lý chất thải sau thu hoạch... Trong quá trình thực hiện,
đơn vị chủ trì dự án đã phối hợp với Phòng Công thương huyện Phú Vang, UBND,
HTX nông nghiệp của thị trấn Phú Đa, các xã Phú Lương, Phú Xuân, Phú Hồ, Vinh
Thái tiến hành điều tra, khảo sát bổ sung trên 103 hộ và chọn 40 hộ tham gia
thực hiện mô hình, mỗi xã/thị trấn chọn 8 hộ. Các hộ này được hỗ trợ về giống
nấm và kỹ thuật trồng, chế biến các loại nấm.
Sau 2 năm triển khai và thực hiện, đến nay
dự án đã kết thúc thành công, qua đó mở ra một ngành nghề mới có khả năng cho
việc hình thành các làng nghề trồng nấm, góp phần tăng thu nhập cho người dân,
phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh trật tự và bảo vệ môi trường cho
vùng nông thôn, miền núi trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Thông qua việc xây dựng
mô hình sản xuất các giống nấm đã hình thành được một cơ sở sản xuất giống cấp
I, II , III có chất lượng cao, có năng lực sản xuất trên 25 tấn giống nấm/năm
với trang thiết bị hiện đại, đội ngũ cán bộ khoa học được đào tạo bài bản và
trực tiếp sản xuất với quy mô công nghiệp. Thông qua việc xây dựng mô hình sản
xuất 4 loại nấm ăn và nấm dược liệu theo hình thức tập trung đạt kết quả tốt,
dự án đã xây dựng 6 lán trại với tổng diện tích 400 m2 để sản xuất
các loại nấm, vượt yêu cầu về số lượng và chất lượng so với thuyết minh dự án
đã được phê duyệt.
Ngoài ra, thông qua việc xây dựng mô hình
sản xuất 4 loại nấm ăn và nấm dược liệu theo hình thức phân tán trong dân đã
triển khai trên địa bàn 5 xã với 40 nông hộ trực tiếp tham gia, kết quả dự án
đã trở thành một giải pháp hữu hiệu trong tận dụng các nguồn nguyên liệu sẵn có
tại địa phương để sản xuất các loại sản phẩm nấm có giá trị hàng hóa, góp phần chuyển
đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp tại địa phương và hình thành được một ngành
nghề mới phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, góp phần vào việc từng
bước nâng cao đời sống của nông dân trên địa bàn.