SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu sản xuất vàng 14k, 18k (vàng trắng, vàng đỏ) phục vụ ngành công nghiệp trang sức Việt Nam

[15/06/2012 15:30]

Với sự phát triển ngày càng nhanh của nền kinh tế, thu nhập đầu người ngày càng cao thì nhu cầu sử dụng trang sức của người dân Việt nam ngày càng tăng lên.

Tính trung bình mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 50-70 tấn vàng, cùng với lượng vàng khai thác được trong nước và lượng vàng dự trữ trong dân thì lượng vàng tham gia vào giao dịch, chuyển đổi trên thị trường lên đến hơn 100 tấn mỗi năm. Theo tính toán của các chuyên gia Hội đồng vàng thế giới, Hội Mỹ nghệ Kim hoàn và đá quý Việt Nam thì lượng vàng được đưa vào sản xuất hàng trang sức các loại trong khoảng từ 20-25 tấn/năm.

Tại Việt Nam, các doanh nghiệp, các Công ty tư nhân hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực hàng trang sức thường tổ chức các xưởng chế tác hàng trang sức với quy mô nhỏ và theo công nghệ cổ điển (thủ công). Kết quả là các sản phẩm làm ra thường có chất lượng thấp (tuổi vàng không ổn định và không đồng đều trên một sản phẩm, độ bóng kém, độ xốp lớn và thường bị mất màu theo thời gian…). Bên cạnh đó, một số tư nhân, Công ty còn cố tình hạ thấp tuổi vàng, từ đó làm tổn hại đến lợi ích của khách hàng sử dụng.

Xuất phát từ những nhu cầu thực tế nêu trên, Trung tâm Nghiên cứu Kiểm định Đá quý và Vàng đã đề xuất Đề tài nghiên cứu khoa học “Nghiên cứu sản xuất vàng 14k, 18k (vàng trắng, vàng đỏ) phục vụ ngành công nghiệp trang sức Việt Nam” và được Bộ Công Thương đồng ý cho thực hiện trong năm 2010 tại Quyết định số 6228/QĐ-BTC, ngày 10/12/2009.

Với mục đích xây dựng được một quy trình có tính thống nhất, làm cơ sở áp dụng cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng trang sức và tiến tới xây dựng được một bộ TCVN cho lĩnh vực này trong tương lai.

Như chúng ta đã biết chỉ có 2 kim loại có mầu ở trạng thái tinh khiết là: vàng có mầu vàng và đồng có mầu đỏ. Tất cả các kim loại khác đều có màu trắng hoặc xám. Cho thêm mầu đỏ vào mầu vàng, như chúng ta vẫn biết, sẽ làm cho mầu vàng trở nên hồng hơn và dần trở thành mầu đỏ. Thêm màu trắng vào mầu vàng sẽ làm cho mầu vàng nhạt hơn và dần trở thành mầu trắng. Nguyên lý trộn mầu này cũng giải thích việc tạo ra các mầu khác nhau của vàng kara. Thêm đồng vào vàng sẽ làm cho nó đỏ hơn, và thêm bạc, kẽm hoặc bất kỳ kim loại nào khác sẽ làm cho vàng nhạt hơn. Như vậy ta có thể hiểu là vàng kara thấp tuổi (có nhiều thành phần kim loại hợp kim khác) sẽ có dải mầu sắc rộng hơn vàng cao tuổi.

Đối với hợp kim vàng 18k thì việc tăng hàm lượng bạc chủ yếu ảnh hưởng đến nhiệt độ hoá lỏng (cũng tăng lên) hơn là ảnh hưởng đến nhiệt độ cứng hoá. Đối với hợp kim vàng 14k thì nhiệt độ hoá lỏng sẽ tăng ở một mức giới hạn nào đó cùng với việc tăng hàm lượng bạc, nhưng nhiệt độ cứng hoá thì lại giảm đáng kể. Vì vậy, khoảng cứng hoá tự nó đã tăng lên khi hàm lượng bạc cao hơn đối với cả hợp kim 14k và 18k. Hậu quả của việc mở rộng dải cứng hoá này là mức độ phân tách vi mô tăng lên và cấu trúc dạng cành cây rõ rệt hơn.

Trên cơ sở các kết quả nghiên cứu của đề tài, nhóm tác giả gồm TS Phạm Văn long - Chủ nhiệm đề tài, KS Phạm Thị Hải Yến, KS Phạm Đức Anh đã tìm ra được một số kết luận sau:

Việc nấu hợp kim vàng trang sức bằng phương pháp cổ điển (đèn khò) là không còn phù hợp. Các sản phẩm nếu được làm ra từ những hợp kim vàng này thường có nhiều các khuyết tật không mong muốn như độ xốp lớn, độ bóng kém, dễ dàng bị xỉn trên bề mặt trong quá trình sử dụng hoặc nhiều khi bị rạn nứt dễ gẫy. Nguyên nhân của các hiện tượng trên là do sản phẩm được làm ra trong điều kiện không được khống chế về nhiệt độ và môi trường.

Để đảm bảo chất lượng của hợp kim vàng và hàng trang sức nên sử dụng các hệ thống máy đúc bằng cảm ứng với nhiều chức năng và các chế độ được cài đặt tự động.

Việc sử dụng (cho thêm) một số kim loại thích hợp có thể làm giảm thiểu một số lỗi không mong muốn ảnh hưởng đến chất lượng của hợp kim vàng và hàng trang sức. Cho thêm một lượng iridi hoặc ruteni phù hợp sẽ làm tăng độ mịn của sản phẩm và làm tăng độ bóng của sản phẩm trang sức.

Cho thêm một lượng kẽm hoặc silic phù hợp sẽ giảm thiểu sự xuất hiện các đám oxy hoá màu  xám đen trên bề mặt của hợp kim và của sản phẩm trang sức.

Để tránh hiện tượng nứt, gẫy của sản phẩm do hiện tượng co ngót của kim loại trong quá trình đúc cần phải giảm tốc độ rót và mở rộng phần phía trên của khuôn đúc.

Có thể tìm đọc toàn bộ Báo cáo KQNC Đề tài (số lưu trữ: 8254/2010) tại Cục Thông tin KH&CN Quốc gia (http://db.vista.gov.vn).

Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ