SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Bảo hộ thương hiệu làng nghề truyền thống

[21/06/2024 15:58]

Trong bối cảnh làng nghề truyền thống phải cạnh tranh mạnh mẽ với các sản phẩm công nghệ, việc bảo hộ thương hiệu, đẩy mạnh nâng cao nhận thức của khách hàng về thương hiệu là điều vô cùng quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh các làng nghề đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Tính đến năm 2023, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước có khoảng 5000 làng nghề, trong đó hơn 1300 làng nghề truyền thống được công nhận, tập trung chủ yếu ở khu vực miền Bắc. Các sản phẩm làng nghề truyền thống, nhất là các làng nghề thủ công mỹ nghệ vừa mang giá trị văn hóa vừa thể hiện trình độ kỹ thuật của người nghệ nhân. Đây chính minh chứng cho sự tài hoa được tích lũy qua nhiều thế hệ. Tuy nhiên, trước sự phát triển mạnh mẽ của các sản phẩm công nghiệp, các làng nghề đang gặp rất nhiều khó khăn để duy trì và phát triển. Đặc biệt là vấn đề bảo hộ thương hiệu sản phẩm làng nghề khi có quá nhiều hàng công nghiệp “mang mác” thủ công truyền thống.

Làng nghề cạnh tranh với chính danh hiệu của mình

Nước ta có nhiều làng nghề truyền thống đã tồn tại từ hàng trăm, nghìn năm trước, trở thành những làng nghề tiêu biểu, được cả nước và thế giới biết đến, như lụa Vạn Phúc, tranh Đông Hồ, gốm sứ Bát Tràng,…Với lịch sử lâu đời, các làng nghề đã cho ra những sản phẩm chất lượng được tạo nên bởi những người nghệ nhân tỉ mỉ và tạo ra hàng trăm nghìn công ăn việc làm cho người dân. Nhưng trong thời buổi công nghệ hóa hiện đại hóa thì các làng nghề đang dần “đuối sức” và có dấu hiệu mai một. Năng suất sản xuất hàng hóa của làng nghề còn thấp, chưa có tính cạnh tranh cao; thị trường mở rộng chậm; mẫu mã chưa đa dạng; nhân lực còn hạn chế vì lợi ích của ngành nghề truyền thống mang lại chưa đủ sức hút đối với thế hệ trẻ….

Ngày nay, để có thể tiếp cận gần hơn với khách hàng, các làng nghề đang dần thương mại hóa. Thế nhưng bên cạnh những lợi ích mà thương mại hóa mang lại thì các làng nghề cũng phải đối mặt với vấn đề hàng giả, hàng nhái, một trong những vấn đề chính ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu làng nghề.

Hiện nay, tại các làng nghề, hàng nhái được bày bán tràn lan trong các cửa hiệu, quầy lưu niệm và cạnh tranh mạnh mẽ với chính các sản phẩm truyền thống khiến nhiều người không khỏi bức xúc. Điển hình như Lụa Vạn Phúc, các cửa hàng bán lụa thì nhiều khắp cả làng nhưng du khách lại rất khó để có thể tìm thấy được lụa Vạn Phúc chính tông.

Chị Nguyễn T. Khánh Ly (La Khê – Hà Đông), khách mua hàng tại làng lụa Vạn Phúc cho biết: “Tôi cũng không thể biết rõ lụa mình mua có thực sự là lụa tơ tằm Vạn Phúc không, giá cả hợp lý và có tiếng làng lụa thì mua thôi. Tôi nghĩ muốn mua được lụa Vạn Phúc chính hiệu chắc phải đến tận xưởng, nhưng điều này khá là khó”.

Không chỉ khách hàng gặp khó khăn trong việc tìm mua sản phẩm truyền thống chính hiệu mà những hộ kinh doanh sản phẩm truyền thống chính hãng cũng gặp nhiều trở ngại.

Anh Triệu Thanh Lâm, một chủ tiệm bán dao kéo tại làng nghề rèn Đa Sỹ (Kiến Hưng, Hà Đông) chia sẻ: “Nhiều khi khách đến hỏi mua xong nói rằng giá đắt hơn so với dao có mác Đa Sỹ ở chỗ khác. Tôi cũng chỉ có thể giải thích rằng giá của những con dao tại làng nghề truyền thống của chúng tôi đều có giá thành như vậy và không thể có giá thành thấp như khách thấy ở những nơi khác. Bởi mỗi phẩm của chúng tôi đều được làm thủ công và có chất lượng tốt”.

Trong khi người thợ cặm cụi hàng ngày bên lò rèn để cải thiện sản phẩm để có thể tăng giá từ 500 – 1000 VND/sản phẩm thì những sản phẩm nhái ngoài kia lại bán với cái giá rất rẻ nhưng vẫn mang mác làng nghề. Điều này không những làm giảm uy tín của “Dao Đa Sỹ” mà còn gây ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người thợ, anh Lâm cho biết thêm.

Vấn đề này xảy ra ở hầu hết các làng nghề truyền thống, việc phân biệt thật giả gặp rất nhiều khó khăn, các sản phẩm hàng giả cũng bắt mắt, thu hút khách mua không kém so với hàng truyền thống. Nhiều thương hiệu gắn mác làng nghề truyền thống như lụa tơ tằm lụa Vạn Phúc, gốm sứ Bát Tràng nhưng thực tế lại là các sản phẩm nhập từ Trung Quốc.

Nâng cao nhận thức về bảo hộ thương hiệu là điều tiên quyết để bảo vệ và phát triển làng nghề

Trước thực trạng khó khăn của việc duy trì và bảo hộ thương hiệu làng nghề truyền thống, các nghệ nhân cũng đã luôn cải tiến sản phẩm để có thể bắt kịp với xu hướng tiêu dùng của thời đại và có cho mình những cách riêng để bảo vệ thương hiệu.

Nghệ nhân làng rèn Lê Xuân Đức cũng tâm sự rằng: “Làng nghề cũng kém phát triển một phần là do việc bảo vệ thương hiệu kém, ở đâu họ cũng đóng mác Đa Sỹ vào. Điều này như một vết nhơ và sẽ dần làm giảm uy tín của làng nghề xuống, trong khi vẫn còn những người như chúng tôi đau đáu muốn giữ nghề. Mỗi sản phẩm sau khi làm xong tôi đều đóng một dấu rèn để khắc lên đó thương hiệu, dấu ấn riêng của mình. Thế nhưng lớp bảo hộ này vẫn còn quá mong manh trước những “gian thương” muốn dùng thương hiệu “Dao Đa Sỹ” để kiếm lời”.

Đồng thời, các nghệ nhân cũng mong muốn có sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng để có thể bảo hộ thương hiệu một cách tốt hơn nữa.

Tại hội nghĩ Sở hữu trí tuệ 2024 vừa qua, ông Lê Huy Anh, Phó Cục trưởng Cục sở hữu trí tuệ cũng khẳng định, Cục sở hữu trí tuệ đã rất nỗ lực đẩy nhanh tiến độ xử lý các đơn đề nghị bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

https://investip.vn (ltnhuong)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài