SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Khởi nghiệp từ đũa tre

[26/06/2024 13:34]

Xuất thân từ gia đình làm đũa tre truyền thống, chàng trai Ðinh Văn Tài (21 tuổi, ngụ khóm Bình Phú Quới, thị trấn Lấp Vò, huyện Lấp Vò, tỉnh Ðồng Tháp) đã làm ra những sản phẩm đũa tre, cốc, ly uống nước với mẫu mã, bao bì bắt mắt, đem lại thu nhập ổn định cho gia đình.

Tài (bìa trái) cùng sản phẩm đũa tre cách tân của mình.

Gia đình Tài gắn bó với nghề làm đũa tre truyền thống suốt 30 năm qua. Tuy nhiên, do sản phẩm không được cải tiến, bao bì không bắt mắt, phải cạnh tranh với nhiều loại đũa chất liệu mới trên thị trường nên việc buôn bán ngày càng gặp khó. Sau khi tốt nghiệp lớp 12, Tài xin đi làm công ty. Ðến năm 2022, anh nghỉ việc trở về quê khởi nghiệp từ nghề làm đũa tre truyền thống, nhưng sáng tạo ra sản phẩm đũa có mẫu mã đẹp, bao bì bắt mắt để có thể cạnh tranh trên thị trường cũng như mong muốn “giữ lửa” nghề làm đũa tre của gia đình.

Theo Tài, đũa tre truyền thống chủ yếu được thợ vót sao cho đều tay, đầu nhỏ dần về cuối và không bị cong hoặc lồi lõm là đạt, nhưng không thể đều nhau như sản xuất làm bằng máy. Từ đó, Tài quyết định mạnh dạn đầu tư trang thiết bị hiện đại đưa vào sản xuất nên sản phẩm làm ra có thiết kế mới, đẹp từ hình thức đến mẫu mã rất đồng đều. Ðũa tre được anh đưa vào máy vót tạo hình xoắn, uốn lượn ở phần đầu đũa để tạo thẩm mỹ và cầm chắc tay hơn, chiều dài chỉ 24cm thay vì 28cm so với đũa tre truyền thống. Phần bao bì cũng được Tài chăm chút, sản phẩm được đóng hộp giấy màu xanh (có túi hút ẩm), logo thiết kế nổi bật là hình ảnh về cây tre Việt Nam trông đẹp mắt…

Ðể làm đũa tre, Tài chọn loại tre mạnh tông, sau khi vệ sinh tre xong sẽ đưa vào máy cắt chẻ ống tre để tạo phôi, đưa phôi vào máy vót 2 đầu tạo hình (1 đầu lớn, 1 đầu nhỏ), cho sản phẩm vào máy đánh bóng, kiểm tra lại rồi đóng gói sản phẩm. Nguồn nguyên liệu tre chủ yếu được lấy từ vườn nhà và thu mua từ những nhà vườn lân cận. Hiện mỗi tháng Tài sản xuất ra 300-600 hộp đũa tre (mỗi hộp 10 đôi), bán với giá 49.000 đồng/hộp. Sau khi trừ chi phí đem lại thu nhập gần 20 triệu đồng mỗi tháng.

Hiện sản phẩm đũa tre của anh Tài chưa được nhiều người biết đến. Ngoài người địa phương, gần đây một số tỉnh lân cận như An Giang cũng có khách hàng đặt mua đũa của anh. “Qua quá trình sử dụng các loại đũa công nghiệp, người tiêu dùng thấy khuyết điểm của những loại đũa này như trơn khó gắp đồ ăn, gặp nóng dễ bị cong quẹo... Hiện nay, nhiều người tiêu dùng quay về với đôi đũa tre. Với sản phẩm đũa tre thiên nhiên được cách tân với diện mạo, bao bì mới tin rằng sẽ ngày càng được người dùng ủng hộ”, Tài chia sẻ. Ngoài ra, Tài còn khi tận dụng mắt tre để làm ra sản phẩm cốc, ly uống nước để bán ra thị trường và được khách hàng đón nhận bởi sản phẩm gần gũi với thiên nhiên, mẫu mã đẹp, đa dạng.

Anh Lê Hữu Thuận, Phó Bí thư Ðoàn thanh niên thị trấn Lấp Vò, chia sẻ, tuy là mô hình truyền thống, nhưng Tài đã đưa máy móc hiện đại vào sản xuất nên sản phẩm có tính thẩm mỹ cao, chất lượng tốt. “Do mới khởi nghiệp với sản phẩm này, nên Tài mới đưa vào thương mại hoá sản phẩm khoảng gần 1 năm nay. Về đăng ký kinh doanh, kiểu dáng, bao bì sản phẩm, phân tích kiểm định an toàn sản phẩm theo định kỳ đều đạt chuẩn... Sản phẩm đũa tre của Tài cũng đang trình Hội đồng để đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP của tỉnh, dự kiến sẽ có kết quả xét duyệt vào tháng 8 tới”, anh Thuận cho biết.

Báo điện tử Cần Thơ (tnxmai)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài