SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Độc quyền là gì ? Ảnh hưởng của độc quyền trong luật cạnh tranh, sở hữu trí tuệ

[26/07/2024 14:01]

Độc quyền là một khái niệm rất quen thuộc trong lĩnh vực kinh tế và nó có khả năng gây ra những tác động xấu đến thị trường nếu không được vận dụng đúng đắn. Vậy độc quyền là gì?

1. Độc quyền là gì ?

Độc quyền là một trạng thái của thị trường trong lĩnh vực kinh tế học chỉ sự duy nhất mà trong thị trường đó chỉ có một người cung cấp sản phẩm, dịch vụ hoàn toàn không có sự gia nhập thị trường và không có bất kỳ sản phẩm, dịch vụ thay thế gần gũi nào. Tóm lại, độc quyền là thị trường không cạnh tranh.

Trong từ điển Tiếng Việt, độc quyền có nghĩa là “Đặc quyền chiếm giữa một mình”. Trong thị trường chỉ có một cá nhân hay tổ chức nắm giữ, cung cấp một sản phẩm, dịch vụ mà chỉ có duy nhất họ có và không có đối thủ cạnh tranh.

Trong tiếng anh, độc quyền là Monopoly có nguồn gốc từ ngôn ngữ Hy Lạp cổ đại. Trong đó, Monos nghĩa là “Một” và Polein có nghĩa là “Bán”.

Đây là hiện tượng chỉ có duy nhất một doanh nghiệp hoặc một nhóm doanh nghiệp chiếm vị trí độc tôn trong việc cung cấp sản phẩm, dịch vụ nhất định nào đó mà họ có thể toàn quyền kiểm soát giá cả sản phẩm, dịch vụ nhằm tạo ra lợi nhuận tối đa và ngăn các đối thủ khác xâm nhập thị trường.

2. Nguyên nhân xuất hiện độc quyền ?

Độc quyền là một cấu trúc thị trường ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế. Vậy nguyên nhân hình thành nên trạng thái độc quyền là gì? Câu trả lời như sau:

Cạnh tranh kiểm soát yếu tố đầu vào: Trong quá trình cạnh tranh các doanh nghiệp yếu kém hơn sẽ bị đánh bại và thôn tính bởi các doanh nghiệp giàu mạnh hơn. Các doanh nghiệp này có lợi thế kiểm soát được nguồn lực then chốt của các mặt hàng là yếu tố đầu vào cơ bản, dùng để sản xuất các loại sản phẩm độc quyền.

Chính phủ quyết định nhượng quyền và lựa chọn hàng hóa, dịch vụ độc quyền: Tại Việt Nam, có 20 loại hàng hóa, dịch vụ khác nhau được liệt kê chi tiết trong Nghị định 94/2017/NĐ-CP là độc quyền thuộc quyền kiểm soát của nhà nước (Độc quyền nhà nước). Bên cạnh đó, ở một số lĩnh vực, nhiều hãng chiếm được vị trí độc quyền nhờ vào việc nhà nước nhượng quyền khai thác thị trường.

Luật bản quyền với các phát minh, sáng chế và sở hữu trí tuệ: Luật bản quyền của các phát minh, sáng chế và sở hữu trí tuệ được nhà nước ban hành với mục tiêu khuyến khích mọi người nghiên cứu, phát minh ra những sản phẩm giúp góp phần nâng cao năng suất lao động và chất lượng đời sống của người dân. Những người có các bản quyền này sẽ có khả năng tạo ra thị trường độc quyền trong một khoảng thời gian nhất định, tùy thuộc vào thời hạn  giữ bản quyền đó theo quy định của nhà nước.

Độc quyền tự nhiên do quy mô: Các doanh nghiệp có thể cung cấp sản phẩm cho toàn bộ thị trường thông qua tính chất đặc biệt của ngành có lợi tức tăng theo quy mô. Có nghĩa là doanh nghiệp nào vào thị trường trước có thể sử dụng cách giảm giá liên tục khi mở rộng được quy mô sản xuất để không ngừng ngăn cản sự xâm nhập thị trường của các đối thủ khác.

3. Các biện pháp kiểm soát độc quyền theo Luật Cạnh tranh

Nhằm kiểm soát được tình trạng độc quyền, nhà nước đã đưa ra các biện pháp để giải quyết vấn đề này trong Luật Cạnh tranh số 23/2018/QH14 như sau:

Nhà nước tăng cường tạo lập, duy trì một thị trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng, bình đẳng và văn minh bằng cách tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế, phúc lợi xã hội và bảo vệ quyền lợi cho người dùng.

Nhà nước cũng cần thúc đẩy cạnh tranh và bảo đảm quyền tự do cạnh tranh trong kinh doanh của doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật để các doanh nghiệp “sinh sau để muộn” đều được hỗ trợ công bằng và không bị thiệt thòi khi cạnh tranh cùng các doanh nghiệp lớn.

Để tăng tính minh bạch và chặt chẽ trong công tác quản lý, nhà nước tạo điều kiện để xã hội và người tiêu dùng có thể tham gia vào quá trình giám sát thực hiện pháp luật về vấn đề cạnh tranh.

Cải cách các quy trình, thủ tục hành chính để tạo điều kiện tốt, thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp tham gia cạnh tranh trong thị trường.

4. Độc quyền trong Luật cạnh tranh

Cạnh tranh là một yếu tố của kinh tế thị trường nhưng xu hướng phát triển của cạnh tranh thường dẫn tới độc quyền; và đến lượt mình, độc quyền sẽ làm triệt tiêu cạnh tranh. Muốn bảo đảm tự do cạnh tranh lành mạnh giữa các chủ thể kinh doanh thì cần thiết phải xây dựng pháp luật kiểm soát độc quyền, trong đó cần chú trọng đặc biệt vấn đề đối tượng điều chỉnh và cơ chế bảo đảm thi hành.

Những năm vừa qua, sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần ở nước ta đã làm phát sinh nhiều quan hệ kinh tế đa dạng, phức tạp, trong đó có quan hệ cạnh tranh. Việc thừa nhận quyền tự do kinh doanh theo quy định của Hiến pháp (Điều 57) và pháp luật đã tạo cơ sở pháp lý khuyến khích tự do cạnh tranh giữa các chủ thể kinh doanh. Tuy nhiên, xu hướng phát triển của cạnh tranh thường dẫn tới độc quyền. Xét về bản chất của cạnh tranh, nếu không có sự định hướng và điều chỉnh, sẽ phát triển theo quá trình sau: từ cạnh tranh lành mạnh sang cạnh tranh không lành mạnh, đi tới cạnh tranh mang tính độc quyền, cuối cùng là xuất hiện độc quyền làm triệt tiêu cạnh tranh trên thị trường và gây ra những hậu quả tiêu cực cho nền kinh tế và đời sống xã hội như: hạn chế, kiểm soát mức sản xuất, mức đầu tư cải tiến kỹ thuật, nâng giá thu lợi nhuận độc quyền… Điều đó đòi hỏi khi xây dựng pháp luật về cạnh tranh ở nước ta cần phải xây dựng các quy định về kiểm soát độc quyền.

5. Độc quyền trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ

Trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ thì khái niệm độc quyền rất quan trọng và có ý nghĩa riêng biệt đối với mỗi cá nhân và tổ chức.

Ví dụ: Độc quyền thương hiệu (Logo, nhãn hiệu hàng hóa); Đăng ký độc quyền sáng chế/Giải pháp hữu ích; hay độc quyền đối với kiểu dáng công nghiệp…

Như vậy, việc độc quyền trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ là một giải pháp nhằm bảo vệ sự sáng tạo của tác giả đối với các sản phẩm trí tuệ của mình qua đó tạo sự cạnh tranh về quyền sở hữu và quyền thương mại đối với sản phẩm hoặc ý tưởng do mình sở hữu. Khác với các lĩnh vực khác thì yếu tố độc quyền trong lĩnh vực sở hữu mang tính riêng biệt (cần được khuyến khích) trừ một số trường hợp phải chuyển giao quyền bắt buộc.

Cục Sở hữu Trí tuệ
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài