Căn cứ chấm dứt hiệu lực nhãn hiệu theo Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022
Một trong những điểm mới của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 (Luật SHTT 2022) có hiệu lực từ 01/01/2023 là trường hợp chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ được quy định tại khoản 1 i) Điều 95 Luật SHTT 2022 như sau:
“- Văn bằng bảo hộ bị chấm dứt toàn bộ hoặc một phần hiệu lực trong các trường hợp sau đây:
...
+ Nhãn hiệu được bảo hộ trở thành tên gọi thông thường của hàng hóa, dịch vụ đăng ký cho chính nhãn hiệu đó;”
Như vậy, theo quy định của Luật SHTT 2022, khi nhãn hiệu được bảo hộ trở thành tên gọi thông thường “generic term” hay “common name” của hàng hóa, dịch vụ đăng ký cho chính nhãn hiệu đó thì văn bằng bảo hộ đó sẽ bị chấm dứt hiệu lực.
Nói cách khác, một nhãn hiệu, vốn từng là nhãn hiệu riêng biệt và có chức năng phân biệt, theo thời gian đã trở thành tên gọi cho chính các sản phẩm, dịch vụ đó.
Quy định này hoàn toàn phù hợp với các cam kết của Vệt Nam tại một số các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là một thành viên, ví dụ như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) tại Điều quy định 12.22. “Loại bỏ một Nhãn hiệu đã được đăng ký” (Revocation of a Registered Trademark)
“…2. A Party may provide that a trademark can be liable to revocation if, after the date on which it was registered, it has become, as a result of acts or inactivity of the proprietor, the common name in the trade for a product or service in respect of which it is registered.”
Tạm dịch: “2. Một Bên có thể quy định rằng nhãn hiệu có thể bị loại bỏ nếu, sau ngày đăng ký, do hậu quả các các hành động hoặc không hành động của chủ sở hữu, nhãn hiệu trở thành tên gọi chung trong thương mại cho sản phẩm hoặc dịch vụ mà nhãn hiệu đó đã đăng ký.”
Luật SHTT của nhiều quốc gia/ khu vực cũng đã ghi nhận căn cứ chấm dứt hiệu lực này trong luật SHTT của họ như tại EU, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nam Phi…
1. Nguyên nhân một nhãn hiệu trở thành tên gọi chung của sản phẩm/ dịch vụ
Một nhãn hiệu trở thành tên gọi chung của sản phẩm/ dịch vụ khi người tiêu dùng dùng chính nhãn hiệu đó để đề cập tới các sản phẩm, dịch vụ.
Có một số dấu hiệu đã từng được bảo hộ nhãn hiệu, nhưng cho đến nay đã trở thành tên gọi chung của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Ví dụ như: Aspirin, “heroin”, “jeep”, “granola”, “photoshop”, “powerpoint”, “vaseline”, “inox”, “escalator”, “cellophane” v.v..
Bên cạnh đó, có một số nhãn hiệu được bảo hộ ở quốc gia này, nhưng đã trở thành tên gọi chung tại các quốc gia khác. Ví dụ như nhãn hiệu “Hoover” của Techtronic Cordless GP đã trở thành tên gọi chung cho sản phẩm “máy hút bụi” tại Vương quốc Anh; nhãn hiệu “Walkman” (được sử dụng để miêu tả máy nghe nhạc cá nhân) của Sony Corporation đã mất đi độc quyền sở hữu tại Áo vào năm 2020, nhãn hiệu “Band-Aid” được phát triển bởi hãng Johnson & Johnson đã trở thành tên gọi chung tại Hoa Kỳ,
2. Hậu quả của việc nhãn hiệu trở thành tên gọi chung
Một điều thú vị đó là một thuật ngữ chung “generic term” không thể trở thành một nhãn hiệu, nhưng một nhãn hiệu lại có thể trở thành một tên gọi chung. Khi điều này xảy ra, chủ sở hữu của nhãn hiệu sẽ mất toàn bộ độc quyền sử dụng và bảo hộ nhãn hiệu của mình.
Thuật ngữ “genericide” được sử dụng để mô tả quá trình một nhãn hiệu mất đi khả năng phân biệt (đặc tính) của nó thông qua quá trình sử dụng. Khi một nhãn hiệu trở thành tên chung, chủ sở hữu ban đầu sẽ không còn quyền sở hữu độc quyền nhãn hiệu dưới hình thức tài sản sở hữu trí tuệ nữa. Kết quả sẽ là:
- Mất đi khả năng bảo hộ về mặt pháp lý;
- Đối thủ hay bất cứ ai có thể sử dụng nhãn hiệu này để quảng bá cho hàng hóa, dịch vụ của họ;
- Doanh số bán hàng giảm sút;
- Hao mòn giá trị thương hiệu, dẫn tới việc quảng bá sản phẩm trở nên khó khăn hơn
3. Các biện pháp bảo vệ để nhãn hiệu không trở thành tên gọi chung
Thông qua quá trình “genericide”, một nhãn hiệu có thể khiến cho các công ty phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, do đó việc tiến hành các biện pháp bảo vệ nhãn hiệu đã được bảo hộ là một việc làm cần thiết, Hiệp hội nhãn hiệu quốc tế (INTA) cũng đã đưa ra một số khuyến nghị như sau:
- Sử dụng ngữ pháp phù hợp. Ví dụ, cách sử dụng đúng là: “Xe/mẫu BMW mới – hiện đang được trưng bày!” thay vì: “BMW mới – hiện đang được trưng bày!”
- Sử dụng tên chung/danh từ của sản phẩm sau nhãn hiệu – như trên
- Trình bày nhãn hiệu nổi bật so với phần còn lại của văn bản – ví dụ bằng chữ in đậm.
- Luôn sử dụng thông báo nhãn hiệu bên cạnh nhãn hiệu – TM hoặc ®).
- Tránh các biến thể của nhãn hiệu – không viết sai chính tả, không viết tắt, không sử dụng số nhiều và tránh kết hợp nhãn hiệu để tạo thành các từ khác.
- Tránh sử dụng nhãn hiệu như một động từ. Ví dụ, tránh loại biểu thức: ‘Let’s XEROX bài viết này” – có vẻ như là cách sử dụng phổ biến ở Hoa Kỳ.
- Luôn kiểm tra, giám sát xem đối thủ và các phương tiện truyền thông về việc sử dụng nhãn hiệu của chủ sở hữu. Nếu các tổ chức này sử dụng sai nhãn hiệu, tiến hành các biện pháp pháp lý để dừng việc sử dụng sai này lại.
4. Lời kết
Ngày nay, nhiều công ty đang nỗ lực mọi cách nhằm không để cho nhãn hiệu của họ trở thành các tên gọi chung. Trong số đó, Google là một ví dụ điển hình.
Google đang quyết liệt phản đối các cá nhân, tổ chức sử dụng từ “google” như một động từ để tìm kiếm trên internet thay vì sử dụng thuật ngữ tìm kiếm trực tuyến “search online” nói chung. Sau tất cả, bảo hộ nhãn hiệu đòi hỏi chủ sở hữu phải tích cực chủ động kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu trái phép, dự liệu rủi ro nhãn hiệu có khả năng bị người tiêu dùng từ từ chuyển đổi mỗi nhãn hiệu có khả năng phân biệt thành một tên gọi chung. Nhãn hiệu được coi là nhãn hiệu nổi tiếng cũng rất cần lưu ý đến vấn đề này.