Sao không, thương hiệu rau sạch Mộc Châu ?
Với hơn 3.000 ha rau các loại, được thiên nhiên ưu đãi khí hậu, thổ nhưỡng và điều kiện địa lý, Mộc Châu hoàn toàn có thể trở thành vùng chuyên canh rau sạch, đa dạng chủng loại của miền Bắc, khu vực và thế giới nếu được đầu tư đúng tầm theo một định hướng phát triển bền vững.
Năm 2011,
Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp Australia (ACIAR) tài trợ cho Việt Nam dự án
“Cải thiện liên kết giữa thị trường và người sản xuất rau trái vụ vùng Tây Bắc
Việt Nam”, giai đoạn 2011-2015. Điều phối dự án là Trung tâm nghiên cứu và Phát
triển nông nghiệp Tây Bắc-Viện KHKT nông-lâm nghiệp miền núi phía Bắc
(NOMAFSI).
Một số đơn vị nghiên cứu khoa học của Việt Nam và
quốc tế đã tham gia vào dự án: Đại học Nông nghiệp Hà Nội (HUA), Trung tâm
Nghiên cứu và phát triển hệ thống NN (CASRAD), Viện nghiên cứu rau quả (FARVI),
Trung tâm nghiên cứu Nông nghiệp quốc tế (CIRAD), Công ty Fresh Studio.
Mộc Châu
hoàn toàn có thể trở thành thương hiệu rau sạch của miền Bắc Việt Nam, khu vực
và trên thế giới
Dự án được
triển khai tại cao nguyên Mộc Châu, huyện cửa ngõ của tỉnh Sơn La, có độ cao
trung bình 1.000 m so với mực nước biển, rộng 206.150 ha, khí hậu ôn đới gió
mùa, độ ẩm cao, nhiệt độ trung bình 24-280C, lượng mưa trung bình
hàng năm 1.650 mm, độ ẩm không khí trung bình 85%. Đây là điều kiện
thuận lợi để hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung với các loại
cây đặc sản như chè, dâu tằm, cây ăn quả, và rau, hoa chất lượng cao, nhất là ở
vùng chủ lực phát triển kinh tế dọc quốc lộ 6, địa hình bằng phẳng, độ cao
trung bình 1.000 m.
Ngoài ra, Mộc Châu còn có lợi thế chỉ cách Hà Nội 190
km, giáp nước bạn Lào; tại thị trấn Nông trường Mộc Châu, xã Phiêng Luông, Tân
Lập, Vân Hồ lại có một số loại đất tốt như feralit mùn đỏ vàng trên đá sét,
trên đá vôi. Với cơ sở hạ tầng được nhà nước đầu tư khá đầy đủ, khí hậu và điều
kiện thổ nhưỡng phù hợp cho việc trồng các loại rau quả ôn đới, đây có thể
nhanh chóng trở thành vùng sản xuất hàng hóa đặc sản lớn, ứng dụng kỹ thuật cao
với nhiều sản phẩm mũi nhọn.
Song, sản xuất các loại rau, đậu tại đây chưa có quy
hoạch hợp lý, mất cân đối, không đồng bộ với công tác phòng trừ dịch bệnh, ảnh
hưởng đến năng suất, chất lượng, sản lượng, giá cả,...Các doanh nghiệp thiếu
đất để mở rộng sản xuất các loại rau hoa cao cấp, cũng như nhân dân khó nhân
rộng mô hình do thiếu cán bộ KH-KT hướng dẫn trong khi điểm xuất phát của nền
kinh tế còn thấp do mặt bằng tri thức của đồng bào các dân tộc không đồng
đều,...
Ông Vũ Văn Đoàn, nhà nghiên cứu của Casrad, cho biết
“có đến 86% người Hà Nội (thị trường lớn nhất miền Bắc) biết đến Mộc Châu,
thông qua các sản phẩm sữa bò, chè, mận, ngô, du lịch đồi núi, ... Các mặt hàng
rau Mộc Châu nổi tiếng như su su, cải bắp, cà chua, đậu cô ve, đặc biệt là
những loại rau trái vụ, đã được đông đảo người tiêu dùng Hà Nội sử dụng. 68% số
người được hỏi hài lòng với rau Mộc Châu. Một số chưa hài lòng là do có quá ít
điểm bán rau Mộc Châu, mẫu mã sơ sài, hạn chế độ tươi do vận chuyển, giá cao.
Tuy nhiên, 60% người tiêu dùng đánh giá rau Mộc Châu
ngon hơn hẳn rau cùng loại khác. Điều tra của Casrad cũng chỉ ra 37% số người
quan tâm đến thương hiệu, và gần 59% số người chú trọng đến chứng nhận an toàn
vệ sinh thực phẩm. Casrad khuyến cáo cần có chứng nhận an toàn cho rau trái vụ,
xây dựng bộ tiêu chuẩn chất lượng cụ thể và công bố chất lượng rau trái vụ Mộc
Châu, cải tiến bao bì, nhãn mác, có thông tin về sản phẩm, triển khai hoạt động
quảng bá, có nhiều điểm bán rau trái vụ ở Hà Nội.
Tại Mộc Châu, các chuyên gia của Cirad và Farvi đã tiến
hành điều tra công phu tại 29 xã, thị trấn (đối tượng gồm lãnh đạo xã, bản,
người thu gom rau), nắm được hiện trạng, khả năng sản xuất và tiêu thụ, cũng
như tâm tư, nguyện vọng của những tác nhân chính trong ngành hàng rau về hướng
phát triển sản xuất, tiêu thụ rau trong tương lai.
Ông Denis Sautier (Cirad) tin tưởng Mộc Châu hoàn toàn
có thể trở thành “một vùng rau Đà Lạt” nổi tiếng của Tây Bắc Việt Nam. Ông nói:
“Nói đến Đà Lạt, người ta nghĩ ngay đến vùng rau chất lượng cao, vùng du lịch
tuyệt vời. Nếu Mộc Châu có sự tập trung của các hoạt động sản xuất, kinh doanh,
chế xuất và dịch vụ, nhất định sẽ tạo thu nhập và nhiều việc làm cho nông dân,
hình thành mạng lưới doanh nghiệp giỏi”.
“Theo tôi, cần xúc tiến hình thành các nhóm sản xuất,
tổ hợp tác, tiến tới hợp tác xã sản xuất rau quả chuyên nghiệp. Các tổ chức tập
thể sẽ mang lại lợi ích khách quan như tiếp cận thị trường, thị trường lao
động, hệ thống nguyên liệu, vật tư, dịch vụ, cũng như lợi ích chủ quan như sự
phối hợp giữa các nhà sản xuất, sự phối hợp trong chuỗi”- ông nói.
Từ thực tế nói trên, Nomafsi tập trung nâng cao chất
lượng, sản lượng các loại rau sản xuất chủ lực là bắp cải, xà lách, cà chua, ớt
ngọt, đậu cô ve, cải thảo, súp lơ, dưa chuột, đặc biệt trong thời gian trái vụ
từ tháng 4 đến tháng 10. Đây là các mặt hàng và thời vụ có lợi thế cạnh tranh
của Mộc Châu mà không nơi nào trong cả nước có được, kể cả Đà Lạt, bởi vào mùa
mưa (từ tháng 4 đến tháng 10) Đà Lạt cũng không thể sản xuất được các loại rau
quả, trong khi đó Mộc Châu lại vẫn sản xuất bình thường. Nếu thị trường có nhu
cầu, Mộc Châu có thể sản xuất được các loại rau quả mới, rau quả khác.
Dự án triển khai tại 3 bản Tà Niết (Chiềng Hắc), An
Thái (Mường Sang) và Tự Nhiên (Đông Sang) và nhằm bốn mục tiêu: phân tích nhu
cầu tiêu thụ của thị trường, cải thiện hệ thống sản xuất và quản lý sau thu
hoạch, thực hành và phân tích phương pháp đào tạo nông dân thực hành kinh doanh
(FBS), góp phần tạo môi trường chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất rau.
Ông Nguyễn Phi Hùng (Nomafsi) đề cập tầm nhìn rau Mộc
Châu đến năm 2020: “Dự án hướng tới sự gắn kết tay ba giữa người sản xuất với
thị trường tiêu thụ và nhà phân phối, tạo ra quan hệ bền vững, hài hòa, tác
động tích cực đến sự nghiệp phát triển nông thôn. Mới đi vào thực hiện dự án từ
đầu năm 2012 (năm 2011 là thời kỳ khảo sát) nhưng bước đầu nông dân ba bản thí
điểm đã chuyển đổi nhận thức và tạo ra các sản phẩm an toàn, năng suất cao,
chất lượng tốt.
“Phối hợp với các tổ chức quốc tế, chúng tôi đang xây
dựng phương thức thu mua và vận chuyển nhanh chóng về thị trường tiêu thụ Hà
Nội, trên cơ sở thông tin hai chiều giữa người sản xuất và thị trường. Mục đích
của dự án là xây dựng thương hiệu rau Mộc Châu an toàn, chất lượng cao, được
khách hàng ưa chuộng. Từ đó, tăng thu nhập của nông dân bằng cách tăng số lượng
rau bán và tăng giá cả, giúp người sản xuất và kinh doanh (nhất là thanh niên)
có kiến thức và kỹ năng, đồng thời tạo cơ hội cho nhiều xã và đồng bào các dân
tộc thoát nghèo, tiến tới làm giàu, góp phần thiết lập công bằng xã hội” - ông
Hùng cho biết.
Bà Nhâm Thị Phương, Bí thư Huyện ủy Mộc Châu khẳng
định, dự án đã đáp ứng được yêu cầu quy hoạch của địa phương, tập trung vào ba
mũi nhọn: du lịch đã được nhà nước công nhận Mộc Châu là một trong 10 khu du lịch
quốc gia tại miền Bắc; xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng nền
công nghiệp chế biến sâu. Hiện nay, huyện đã kêu gọi được 18 dự án đầu tư vào
du lịch, trước mắt tuy chưa hoàn thiện các điều kiện, nhưng mỗi năm huyện đã
đón tiếp 350.000 du khách, gấp đôi số dân của huyện, do đó huyện rất cần có
khối lượng lớn rau chất lượng cao phục vụ du lịch. Huyện không chủ trương duy
trì tình trạng sản xuất rau theo lối cũ, mà phát triển rau bằng công nghệ cao
với trên 3.000 ha rau hoa các loại đang có.
Bí thư Phương tin tưởng: “Mộc Châu là huyện đứng đầu
phát triển rau trong tỉnh Sơn La, với nhiều chủng loại độc đáo. Bí thư Thành ủy
Hà Nội và Bí thư Tỉnh ủy Sơn La đã có ký kết hợp tác theo hướng khuyến khích
các doanh nghiệp thủ đô đầu tư và bao tiêu sản phẩm của Mộc Châu, hiện đã có
một số nhà đầu tư Hà Nội lên đây. Chúng tôi đang xúc tiến xây dựng thương hiệu
rau hoa Mộc Châu, các loại sản phẩm được cấp số mã vạch, như các thương hiệu
sữa và chè Mộc Châu đã nổi tiếng khắp nước. Chúng tôi đã có một số mô hình được
khách hàng đánh giá cao, nhưng chưa có vùng nguyên liệu lớn, việc áp dụng tiến
bộ kỹ thuật canh tác trong một số hộ nông dân chưa được duy trì nghiêm ngặt,
công tác bảo quản sau thu hoạch còn yếu kém”.
Cũng theo bà Phương, mở rộng diện tích canh tác theo
phương thức thu hồi đất hộ nông dân là không khả thi, việc vận động nông dân
góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất cũng gặp trắc trở không dễ giải quyết.
Bà cho rằng, biện pháp tốt nhất là doanh nghiệp đầu tư
cho nông dân sản xuất rau bằng giống, phân bón, kỹ thuật thông qua hợp đồng thu
mua, kiểm soát bằng chất lượng sản phẩm. Hoặc doanh nghiệp thuê đất của nông
dân, trả tiền hàng năm, rồi nông dân trở thành người làm của doanh nghiệp. Bà
đề nghị, bên cạnh phát triển các loại rau quả trái vụ bằng các loại giống mới
chất lượng cao, thì cũng cần phát triển một số giống bản địa như đậu ván tím.
Mặt khác, người đứng đầu cơ quan Đảng của huyện Mộc
Châu cũng phân vân về việc siêu thị Metro Hà Nội thu mua rau an toàn với giá
thấp hơn rau không sạch. Vấn đề này dễ hiểu, vì siêu thị Big C chuyên bán lẻ,
nên mua với giá cao hơn. Trong khi Metro là nhà phân phối lớn thứ tư trên thế
giới, chuyên bán buôn, có doanh thu 80 tỉ đôla Mỹ/năm, có mặt tại 30 nước với
720 kho hàng. Cho nên, thời gian đầu cần phải quảng bá thương hiệu tại siêu thị
hàng đầu thế giới thì việc chấp nhận thực tế đó là điều cần thiết.
Ông Đào Quốc Lập, Giám đốc chi nhánh Hà Nội của Công ty
rau Hương Cảnh nổi tiếng Thành phố Hồ Chí Minh, đang khảo sát thực tế Mộc Châu
để quyết định đầu tư, cho biết triển vọng của rau quả Mộc Châu rất sáng sủa. Hà
Nội tiêu thụ mỗi ngày 120.000 tấn rau quả, rất cần nhiều loại rau, nhất là rau
trái vụ, rau bản địa. Việc vận chuyển rau từ Mộc Châu về Hà Nội rõ ràng ít tốn
kém hơn sản phẩm cùng loại của Đà Lạt, nên giá bán sẽ thấp hơn, tạo lợi thế
cạnh tranh. Đồng tình với nhận định của ông Lập, Chủ nhiệm HTX Hoàng Tuấn là
ông Dương Việt Bắc, một nhà sản xuất lớn của Mộc Châu, cũng khẳng định khối
lượng sản phẩm vào siêu thị lớn không đáng kể so với bán ra ngoài thị trường tự
do, ông băn khoăn về việc có xã viên không thực hiện đúng liên doanh vốn, khiến
HTX gặp khó trong quá trình phát triển.
Trong khi đó HTX rau của bà Nguyễn Thị Luyến (bản Tự
Nhiên-Đông Sang) lại phát triển vững chắc. Các xã viên tự giác thực hiện đúng
qui trình, qui phạm canh tác, có ghi chép nhật ký đều đặn. Bà Luyến nói: “Tôi
cho rằng không nên phát triển HTX theo kiểu đánh trống ghi tên, mà cần có chọn
lọc các hộ có đủ điều kiện về nhận thức, trình độ thâm canh, tiếp thu và áp
dụng cái mới”.
Ông Jeroen Pasman (Fresh Studio), chuyên gia tư vấn của
Metro, tin rằng vùng rau Mộc Châu sẽ sớm trở thành vùng rau hoa lớn nhất miền
Bắc, là nguồn cung cấp chính rau hoa quả của Metro. Do có trên 100 loại rau,
lại thu mua từ hàng trăm hộ nông dân nhỏ, nên Fresh Studio đã và đang chú trọng
phối hợp với các tổ chức nghiên cứu có uy tín nhất Việt Nam, chủ yếu là Nomafsi
và Farvi, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật canh tác đến các mô hình điểm, từ đó sẽ
mở rộng ra toàn huyện Mộc Châu.
Metro đã cấp một số chứng nhận tiêu chuẩn Metro (có giá
trị như tiêu chuẩn GAP) cho nông dân và nhà đầu tư ở Mộc Châu, chứng tỏ rau hoa
quả Mộc Châu bước đầu đã có tín nhiệm với siêu thị đẳng cấp quốc tế, tạo tiền
để trong tương lai không xa, thương hiệu rau hoa quả Mộc Châu sẽ có tên tuổi
trên thị trường quốc tế, như sản phẩm của Đà Lạt.