SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Việt Nam đang thua ngay trên sân nhà

[02/07/2012 15:55]

Nhiều ngành nghề quan trọng ở nước ta đang bị nước ngoài làm chủ hoặc chi phối mạnh, kể cả những lĩnh vực vốn là ưu thế của Việt Nam.

Đó là những ngành nghề có kim ngạch xuất khẩu lớn hoặc giá trị gia tăng cao như dệt may, bán lẻ, logistics (giao nhận, kho vận), quảng cáo,…

“Buông” thị trường nội địa

Hầu hết các doanh nghiệp (DN) lớn thuộc ngành dệt may sống nhờ vào gia công hàng xuất khẩu (hàng may mặc thương hiệu Việt chỉ mới xuất khẩu được một ít sang Campuchia). Hiện sức mua tại thị trường nội địa giảm thấp khiến các DN càng không muốn quay lại sân nhà mà hầu như bỏ hẳn, để hàng của Trung Quốc và các nước trong khu vực làm mưa làm gió.

Mua hang.jpg

BigC, nhà bán lẻ nước ngoài đang chiếm thị phần lớn tại Việt Nam. Trong ảnh: Mua sắm tại một siêu thị của BigC ở TPHCM.        

Ảnh: Hồng Thúy

Ông Phạm Xuân Hồng, Tổng Giám đốc Công ty May Sài Gòn 3, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cho rằng mặc dù thị trường Việt Nam gần 90 triệu dân nhưng đối với ngành dệt may, đây là thị trường rất nhỏ, trong khi hàng giả, hàng nhái, hàng dỏm quá nhiều, được bày bán công khai. Tại chợ An Đông (TPHCM), chợ Đồng Xuân (Hà Nội), hàng may mặc Trung Quốc tràn ngập khiến hàng Việt Nam không thể chen chân. Nguyên liệu nhập về phải đóng thuế, cộng thêm các chi phí khác khiến giá thành sản phẩm sản xuất trong nước cao hơn hàng ngoại. Nếu phần lớn DN trong ngành cùng nhảy vào khai thác thị trường này chẳng khác nào giết nhau và tự giết mình.

Bán lẻ: Thương hiệu ngoại thống trị

Ở thị trường bán lẻ, mặc dù được hưởng một số ưu đãi từ chính sách, các DN Việt Nam đã nỗ lực mở rộng hệ thống và làm mới mình nhưng vẫn bộc lộ nhiều nhược điểm so với những thương hiệu đến từ nước ngoài. Mới đây, chủ tịch HĐQT một hệ thống bán lẻ hàng đầu Việt Nam đã thừa nhận rằng cạnh tranh ngày càng khó vì các đối thủ nước ngoài quá mạnh về tài chính, quản trị, sự chuyên nghiệp,… Trong làn sóng những nhà bán lẻ đã và đang xúc tiến đầu tư vào Việt Nam, đáng chú ý là Takashimaya Singarore hồi tháng 3-2012 đã cam kết thuê 15.000 m2 sàn tại tầng 5 của dự án Saigon Center. Trước đó, Tập đoàn Aeon (Nhật) cũng chính thức hoạt động tại Việt Nam, dự kiến tháng 9 tới sẽ xây dựng trung tâm thương mại Aeon - Tân Phú Celadon tại quận Tân Phú - TPHCM với vốn đầu tư khoảng 100 triệu USD. Theo kế hoạch, đến cuối năm 2012, Aeon sẽ mở thêm khoảng 20 trung tâm bán lẻ tại Việt Nam,...

Đó là chưa kể một số nhà bán lẻ của Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đã có mặt tại Việt Nam thông qua các hình thức liên doanh, chi nhánh,… Những “đại gia” bán lẻ ngoại hiện hữu như Metro, BigC, Parkson,… không ngừng mở rộng hệ thống phân phối và khai thác các thế mạnh về giá, sự chuyên nghiệp để thu hút khách hàng.


Theo ông Pascal Billaud, Tổng Giám đốc BigC Việt Nam, Việt Nam có dân số đông và là một trong những nền kinh tế mới nổi năng động nhất ở Đông Nam Á. Trong lĩnh vực phân phối, so với các thị trường lân cận, thị trường bán lẻ hiện chiếm tỷ trọng thấp, chưa đến 20%, lại ít cạnh tranh, vì vậy tiềm năng phát triển rất lớn và hấp dẫn đối với các nhà bán lẻ, cả phân phối tổng hợp lẫn phân phối chuyên ngành. Năm 2011, BigC đạt mức tăng trưởng 2 con số, lượng khách đến mua sắm ước tính tăng khoảng 15% tại các siêu thị. Đại diện BigC cho biết đơn vị này luôn tìm kiếm cơ hội phát triển tại các tỉnh, thành trên cả nước và sẵn sàng hợp tác đầu tư khi cần.

Logistics tung cờ trắng

Cùng chung số phận, khoảng 70% thị phần logistics Việt Nam đã rơi vào tay các DN ngoại. Là lĩnh vực tương đối mới mẻ, trước đây, logistics được Nhà nước bảo hộ và khuyến khích phát triển. Sau khi Việt Nam gia nhập WTO và từng bước mở cửa ngành này, các DN logistics nước ngoài đã ào ạt vào Việt Nam và hoạt động rầm rộ, từ đại diện thương mại đến liên doanh rồi 100% vốn nước ngoài. Hiện khoảng 30 thương hiệu logistics hàng đầu thế giới đã có mặt tại nước ta và chiếm lĩnh hầu hết các hợp đồng lớn. Trong hơn 800 DN logistics Việt Nam, hầu hết đều có quy mô nhỏ (80% DN có vốn điều lệ dưới 1,5 tỷ đồng), hạ tầng cơ sở và trình độ nhân lực kém, thiếu mạng lưới toàn cầu, uy tín thấp nên phải làm “cò con” cho các DN ngoại cùng ngành.

Bà Tạ Thị Mỹ Linh, Tổng Giám đốc Công ty SGN Logistics, cho biết: “Những tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam thường thuê đối tác logistics tên tuổi, có tầm quốc tế. Vì thế, các DN logistics Việt Nam chỉ là một mắt xích trong chuỗi cung ứng của các công ty logistics nước ngoài, như cho thuê kho, đội xe, bốc dỡ,... Đây là cuộc cạnh tranh không cân sức và thất bại thuộc về các DN nội địa”.

Hậu quả là các DN logistics nước ngoài mặc sức thao túng thị trường, hét giá vô tội vạ và “đẻ” ra rất nhiều loại phí mà các DN sản xuất kinh doanh trong nước - khách hàng của họ - phải cắn răng chấp nhận. Hiện chi phí logistics tại Việt Nam chiếm khoảng 20%-25% GDP, cao hơn nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Điều này làm giảm sức cạnh tranh của DN nội địa và cả nền kinh tế đất nước. Còn chưa đầy 2 năm nữa (2014), Việt Nam phải mở cửa hoàn toàn thị trường logistics. Với đà này, ngành logistics nước ta có nguy cơ trắng tay.

Quang cao.jpg

www.nld.com.vn (dtphong)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ