Đăng ký và thực thi bảo hộ quyền SHTT: Doanh nghiệp thiếu hợp tác
Hiện nay, không ít thương hiệu nổi tiếng của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam được phát hiện bị làm giả, nhái về kiểu dáng, chất lượng,… Tình trạng này được dự báo sẽ còn gia tăng trong thời gian tới.
Điều đáng nói là một trong
những nguyên nhân chính lại xuất phát từ phía DN. Có không ít DN thờ ơ không
hợp tác với các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ tài sản của mình.
Ngành Hải quan kiểm soát
hiệu quả hàng vi phạm SHTT ngay tại biên giới
(trong ảnh: Hoạt động
kiểm tra hàng hóa NK tại Chi cục Hải quan Cốc Nam, Lạng Sơn)
Ảnh: T.A
Thiếu
chủ động
Tháng
5-2012, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực 1 phát hiện lô hàng
bánh trứng “Euro Custard cake” do Công ty TNHH dịch vụ thương mại Lương Chiến
độc quyền nhập khẩu và phân phối tại Việt Nam có dấu hiệu bị Công ty P. nhái
bao bì, mẫu mã vỏ bìa và bao bì từng chiếc bánh đối với sản phẩm bánh. Sự việc
đã được cơ quan Hải quan kịp thời thông báo cho DN. Ngay sau đó, Công ty TNHH
dịch vụ thương mại Lương Chiến đã kiến nghị các cơ quan chức năng thực hiện các
biện pháp xử lý thích đáng.
Tương tự như
vậy, thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã tiếp nhận và xử lý nhiều đơn yêu cầu
kiểm tra, giám sát có liên quan đến sở hữu trí tuệ (SHTT) đối với hàng hóa của
các nhãn hiệu nổi tiếng như Nokia, Chanel, Nike, Seiko, HP, Epson, Smirnoff,
Gucci, Casio, Ensure, Oral-B, New Eracap,… Công tác thực thi bảo hộ quyền SHTT
của cơ quan Hải quan bước đầu đã được cộng đồng DN và xã hội quan tâm.
Tuy nhiên,
trường hợp chủ động liên hệ với cơ quan chức năng như Công ty TNHH dịch vụ
thương mại Lương Chiến kể trên không nhiều.
Lý giải cho
tình trạng xâm phạm quyền SHTT đang ngày một gia tăng, Bộ Khoa học và Công nghệ
cho rằng, nguyên nhân cơ bản là do một số các DN và người đại diện hợp pháp của
DN chưa tìm đến cơ quan quản lý để yêu cầu giúp đỡ.
Kết quả kiểm
tra, bắt giữ xử lý vi phạm trong lĩnh vực này hiện đang rất lớn. Báo cáo tổng
kết 5 năm thực hiện Chương trình hành động về hợp tác phòng, chống xâm phạm
quyền SHTT giai đoạn 2006-2010 (gọi tắt là Chương trình 168) của Bộ Khoa học và
Công nghệ cho thấy, các lực lượng thanh tra, kiểm tra ở các bộ, các địa phương
đã xử lý trên 4.577 vụ vi phạm về quyền SHTT, tổng số tiền xử phạt trên 19,7 tỷ
đồng, giá trị hàng hóa, phương tiện vi phạm hàng chục tỷ đồng,…
Trong đó,
lực lượng Hải quan đã tiếp nhận và xử lý trên 159 đơn yêu cầu kiểm tra, giám
sát hàng hóa xuất nhập khẩu, đơn gia hạn kiểm tra, giám sát có liên quan đến
SHTT và 275 đối tượng SHTT được giám sát tại biên giới. Hàng hóa bắt giữ chủ
yếu là linh kiện điện thoại di động, thuốc lá điếu, linh kiện máy tính, túi
xách, rượu, thuốc Viagra với tổng giá trị hàng hóa vi phạm trên 2 tỷ đồng.
Riêng trong năm 2010, cơ quan Hải quan đã bắt giữ và tiêu hủy trên 4.500 bao
thuốc lá điếu giả mạo nhãn hiệu Vinataba, 555; 15.369 chai rượu giả mạo nhãn
hiệu Ballentines, Stolichnaya,…xử phạt vi phạm hành chính với số tiền khoảng
3,6 tỷ đồng.
Đơn cử như
gần đây, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, Cục Hải quan TP. Hồ
Chí Minh phát hiện lô hàng nước tăng lực của Công ty TNHH Quốc Tế Việt vi phạm
nhãn hiệu “Carabao, hình” và tạm giữ toàn bộ lô hàng gồm 139.728 lon nước ngọt,
324.420 lon vỏ nhôm, 156 thùng carton mang nhãn hiệu “Arabao và hình”.
Nguyên nhân
nhiều thương hiệu của các DN Việt Nam bị làm giả, nhái,… là do nhận thức của DN
về quyền SHTT còn kém, các hiệp hội ngành hàng và địa phương không có tầm nhìn
xa, không lường trước được những diễn biến phức tạp trên thị trường xuất khẩu.
Nhiều DN thấy hàng giả, hàng nhái sản phẩm của mình trên thị trường nhưng vì
nhiều lý do như nhận thức, kinh phí quá cao nên lại bỏ qua. Có một thực tế
nhiều DN không đủ năng lực, khả năng theo dõi thị trường để xử lý hàng giả,
hàng nhái.
Cần
sự liên kết
Nhiều ý kiến
của các cơ quan quản lý cho rằng, kiến thức về lĩnh vực SHTT của một số DN còn
hạn chế, dẫn đến việc yêu cầu cơ quan thực thi bảo vệ quyền SHTT không chính
xác, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các DN khác. Một số DN còn có tư tưởng
xem việc bảo vệ quyền SHTT là trách nhiệm của cơ quan quản lý, do vậy chỉ cần
nộp đơn mà không có biện pháp phối hợp thường xuyên với cơ quan quản lý trong
việc bổ sung, cung cấp thông tin có liên quan đến hoạt động nhập khẩu, kinh
doanh hàng hóa có yêu cầu bảo hộ, do vậy, hiệu quả bảo hộ chưa cao.
Để công tác
bảo hộ quyền SHTT của lực lượng thực thi thực sự hiệu quả, quan trọng nhất là
sự phối hợp, liên kết chặt chẽ, kịp thời giữa các DN, chủ sở hữu quyền, với các
lực lượng thực thi. Các DN, các chủ sở hữu quyền SHTT cần chủ động hơn nữa
không chỉ trong việc cung cấp thông tin về bản thân DN, hàng hóa của mình mà
còn chủ động trong việc phát hiện những hành vi vi phạm quyền SHTT của các cá
nhân, tổ chức để cơ quan quản lý và các lực lượng thực thi phối hợp ngăn chặn,
xử lý vi phạm.
Theo một
chuyên gia về lĩnh vực SHTT, ở tầm quốc gia, một DN cũng có thể sử dụng SHTT để
hạn chế hàng nhập khẩu của nước khác vào thị trường nội địa mà không vi phạm
cam kết quốc tế. SHTT có thể coi là cái “khóa” để các nước chống lại mở cửa thị
trường khi thấy bất lợi cho thị trường trong nước. Đây là hàng rào duy nhất còn
tồn tại trong khi các hàng rào khác như thuế quan đã bị vô hiệu hóa.
Trước yêu
cầu hội nhập kinh tế quốc tế cần thiết phải tăng cường, nâng cao hơn nữa hiệu
quả của các hoạt động phòng, chống xâm phạm quyền SHTT, đã đòi hỏi công tác
quản lý Nhà nước, thực thi quyền SHTT ở Việt Nam phải được thực hiện một cách
có hiệu quả, trong đó cần thiết phải có sự phối hợp hành động giữa các cơ quan
từ Trung ương đến địa phương trong hoạt động thực thi quyền
SHTT.