Thương hiệu Samsung “được lòng” người tiêu dùng châu Á nhất
Năm ngoái, Samsung đã chi 866 triệu USD cho hoạt động quảng cáo tại thị trường châu Á-Thái Bình Dương.
Samsung Electronics đã nổi lên thành thương hiệu được người tiêu dùng ở
khu vực châu Á đánh giá cao nhất, kết thúc 4 năm liên tục ngự trị ở ngôi này
của đối thủ Nhật Sony.
Hãng tin CNBC cho
biết, đây là kết quả của một cuộc thăm dò ý kiến người tiêu dùng do hãng nghiên
cứu Nielsen phối hợp thực hiện với tạp chí truyền thông Campaign Asia-Pacific.
Samsung đứng ở vị
trí thứ 2 trong kết quả điều tra năm ngoái, nhưng đã vượt lên chiếm vị trí số 1
của Sony trong xếp hạng năm nay. Sony rớt hạng xuống vị trí thứ 3, trong khi Apple
nhảy lên vị trí số 2 từ vị trí số 6.
“Sự tập trung cao độ
của Samsung và hoạt động tiếp thị và quảng cáo cũng như cam kết của hãng này
vào việc phát triển sự hiện diện thương hiệu ở cả các thị trường mới lẫn cũ đã
giúp thương hiệu của họ được đánh giá cao”, ông Jolene Otremba, một biên tập
của tạp chí Campaign Asia-Pacific, nhận định.
Năm ngoái, Samsung
đã chi 866 triệu USD cho hoạt động quảng cáo tại thị trường châu Á-Thái Bình
Dương.
Năm nay là năm thứ 9
Nielsen thực hiện báo cáo thường niên “Asia’s 1000 Top Brands” này. Cuộc điều
tra được thực hiện tại 12 thị trường chủ chốt trong khu vực, với sự tham gia
của 4.800 người tiêu dùng cho biết đâu là thương hiệu họ cảm thấy là tốt nhất
hoặc đáng tin cậy nhất ở 14 loại sản phẩm và dịch vụ.
Đứng ở vị trí thứ 4
của xếp hạng là thương hiệu Nestle, tiếp theo là hãng điện tử Panasonic ở vị
trí số 5. Trong top 10 của xếp hạng còn có những thương hiệu điện tử khác như
Canon và LG.
“Tốc độ đổi mới
nhanh chóng trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng đã đưa các thương hiệu điện tử lên
đầu bảng”, bà Therese Gelennon, một chuyên gia của Nielsen, nhận xét.
Tuy nhiên, bà
Gelennon chỉ ra rằng, sự thăng hạng mạnh nhất của các thương hiệu hàng đầu tại
châu Á năm nay thuộc về các thương hiệu xa xỉ như Louis Vuitton, Burberry và
Prada. Ba thương hiệu này đã nhảy từ 84-271 vị trí trong xếp hạng gồm 1.000
thương hiệu.
“Điều này cho thấy
các thương hiệu xa xỉ đã nhận ra nhu cầu hàng hiệu của thế giới đang tăng
trưởng nhanh ở đâu. Rõ ràng là người tiêu dùng châu Á đang giàu lên và các hãng
đồ hiệu muốn tranh thủ thực tế này”, bà Glennon nhận xét.
Mặc dù Trung Quốc và
Ấn Độ là hai thị trường tiêu dùng đang tăng trưởng mạnh, các thương hiệu của
hai nước này tiếp tục gặp nhiều thách thức trong việc giành niềm tin của người
tiêu dùng ngay tại thị trường trong nước - kết quả thăm dò cho thấy.
Không một thương
hiệu nào của Trung Quốc đại lục hay Ấn Độ có tên trong top 100 của xếp hạng.
Thương hiệu máy tính Lenovo của Trung Quốc và thương hiệu sữa Amul của Ấn Độ
gần top 100 nhất, lần lượt ở các vị trí 131 và 133, giảm tương ứng 10 và 44 bậc
so với năm ngoái.
Riêng tại thị trường
Trung Quốc, Apple là thương hiệu được chuộng nhất, tiếp theo là Nestle, Chanel,
Sony, Samsung, Uni-president, Panasonic, Nike, Canon và Starbucks.