Dưới thành công của công ty là chữ ký của mình
Được biết đến như một CEO lắm tài vì đã từng kinh qua vị trí đầu tàu của các thương hiệu khá lớn như Sony Ericsson, Yahoo! Việt Nam, Qualcomm,… cái tên Vũ Minh Trí luôn khiến người trong ngành chờ đợi những bước đột phá của thương hiệu mà anh đầu quân.
Ông Vũ Minh Trí - Tổng giám đốc Microsoft Việt Nam
Năm 2008, trong buổi
“rửa” chức tân Tổng giám đốc Yahoo! Việt Nam, Vũ Minh Trí phải thực hiện ngay
một cuộc điện thoại cho “sếp” mới của mình. Cái tin Microsoft mua lại Yahoo!
ngay khi mình vừa nhậm chức khiến ông bất ngờ và đôi chút băn khoăn. Tuy nhiên,
câu trả lời mà ông nhận được cũng giúp ông phần nào an lòng: “Microsoft mua lại
Yahoo! thì chúng ta làm việc cho Microsoft”.
Thương vụ giữa
Microsoft và Yahoo! không thành va ông cũng có những ngã rẽ mới nhưng hơn 5 năm
sau, Vũ Minh Trí vẫn là người của Microsoft,...
Cái duyên mang tên Microsoft
* Sau hành trình gắn
liền với Yahoo! không mấy suôn sẻ ở đoạn cuối, chuyện ông đầu quân về Microsoft
khi đang an vị với một Qualcomm ăn nên làm ra khiến rất nhiều người thắc mắc?
- Tôi xin giữ riêng mình lý do chuyển đổi công việc lần này nhưng tôi khẳng
định rằng làm việc ở Qualcomm là một trải nghiệm tuyệt vời. Đến với Microsoft,
tôi nghĩ đó là cái duyên mà cũng là niềm tự hào, là cơ hội lẫn thử thách mà tôi
phải đối mặt.
Tất nhiên, vị trí
mới nào cũng có thách thức nhưng các thách thức của Microsoft khá hấp dẫn tôi.
Nếu Qualcomm chỉ kinh doanh là B2B, Yahoo! và với Sony Ericsson là B2C thì
Microsoft có rất nhiều sản phẩm và giải pháp thuộc các lĩnh vực đa dạng khác
nhau,...
Chính vì mức độ phủ
diện rộng mà Microsoft có thể có nhiều cơ hội hơn để tiếp xúc với doanh nghiệp,
tổ chức, cá nhân, xã hội... dùng sản phẩm của mình để giúp họ phát huy mạnh hơn
các tiềm năng sẵn có, nâng cao hiệu quả công việc. Tôi nghĩ, trong vị trí mới,
tôi sẽ có nhiều cơ hội hơn để đóng góp cho Microsoft và cộng đồng xã hội.
* Ông gọi việc đến
với Microsoft là một cơ hội. Vậy cơ hội này tự tìm đến với ông hay phải chủ
động đi tìm?
- Đang là Tổng giám đốc Qualcomm hay Yahoo! Việt Nam, tôi không thể gửi đơn xin
việc khác được. Cũng chẳng có ai gửi đơn xin làm tổng giám đốc.
Câu chuyện chuyển
việc của tôi có thể nói ngắn gọn thế này: Mỗi doanh nghiệp khi phát triển kinh
doanh đều có những chiến lược, mục tiêu riêng phù hợp trong từng thời điểm hay
giai đoạn nào đó. Do vậy, doanh nghiệp thường sẽ tự đi tìm thuyền trưởng phù
hợp theo tiêu chí của mình.
Các cá nhân cũng
vậy, trong suốt quá trình sự nghiệp, mỗi người đều có thể có những kế hoạch,
mục tiêu ưu tiên cho từng thời điểm phù hợp với bản thân họ. Và, cơ duyên đến
với cả hai phía. Tôi không quan trọng việc tôi đang đứng ở đâu mà đặt nặng vấn
đề trong vị trí ấy, thành tựu mình đạt được là gì, mình đã cống hiến được gì
cho nơi mình công tác và cộng đồng xã hội,...
* Với thương hiệu lớn như Microsoft, việc thuyết phục ông có mất nhiều thời
gian?
- Tôi không nhớ cụ
thể, có lẽ là nửa năm từ khi bắt đầu gặp gỡ đến khi tôi chính thức nhận nhiệm
vụ.
* Với Microsoft, ông có chiến lược gì để ghi lại dấu ấn?
- Tôi mới đảm nhận
công việc nên phát biểu về chiến lược bây giờ còn quá sớm. Việc quan trọng nhất
đối với tôi trong giai đoạn này vẫn là làm quen và học để hiểu được về con
người, văn hóa, mô hình kinh doanh, sản phẩm, khách hàng của Microsoft.
Ngoài ra, mục tiêu
quan trọng là tôi sẽ cùng đội ngũ nhân sự hoạch định chiến lược cho năm 2013.
Cũng xin nói thêm, năm tài chính 2013, nghĩa là từ tháng 7/2012 đến 6/2013, có
thể coi là một kỷ nguyên mới của Microsoft toàn cầu.
Trong năm này, chúng
tôi sẽ giới thiệu một loạt sản phẩm mang tính cách mạng như hệ điều hành mới
Windows 8, Windows Phone 8, Office 15, Windows Server 2012, Office 365 sử dụng
nền tảng điện toán đám mây... ngoài ra còn nhiều thiết bị phần cứng cũng như
các gói dịch vụ khác.
* Kỷ nguyên mới Microsoft Việt Nam dưới thời của ông ắt có nhiều thay đổi?
- Thay đổi thế nào
thì cần phải qua một thời gian mới có thể đánh giá được. Trước mắt, một số mục
tiêu trong giai đoạn tới của Microsoft Việt Nam sẽ được triển khai thực hiện.
Thứ nhất là công tác
khách hàng. Chúng tôi sẽ có các bước khảo sát, kể cả thuê các đơn vị thứ ba
đánh giá sự hài lòng của khách hàng, xác định rõ hơn nhu cầu cũng như khả năng
hợp tác của các khách hàng, qua đó đưa ra các gói dịch vụ, giải pháp phù hợp
nhất.
Thứ hai là đối
tác. Đối tác của Microsoft không chỉ là khách hàng doanh nghiệp, người tiêu
dùng mà bao gồm cả các đối tác và các nhà bán lẻ và đông đảo các nhà phát
triển, các công ty dịch vụ,...
Thứ ba là con
người, phát triển con người là mục tiêu vô cùng quan trọng của Microsoft Việt
Nam.
* Việc kinh doanh của Microsoft tại thị trường Việt Nam cũng chưa đúng với
kỳ vọng và nhiều đời tổng giám đốc đã ra đi. Ông có bị áp lực trong lần đầu
quân này?
- Công việc
lãnh đạo dù ở đâu cũng có những áp lực nhất định. Trong thế giới phẳng như hiện
nay, người Việt đã chứng tỏ năng lực trong công tác điều hành nên tôi không cảm
thấy áp lực khi đến với Microsoft.
Áp lực của tôi
là Microsoft đang có nhiều người giỏi và khi một tập đoàn quyết định thay đổi
tổng giám đốc của một chi nhánh thì kỳ vọng của họ là người mới ấy phải chẩn
được “bệnh” của chi nhánh. Tôi đã và đang phải học hỏi rất nhiều để có thể tìm
ra “bệnh” của Microsoft và điều hành những người giỏi ấy để có thể phát huy họ
tốt nhất.
Giá trị của CEO
Năm 2004, Vũ
Minh Trí rời vị trí Giám đốc cao cấp của BAT (British American Tobaco), nơi ông
gắn bó suốt 6 năm, để đến với Sony Ericsson đang gặp nhiều khó khăn trên thị
trường Việt Nam và không có đến cả một văn phòng riêng biệt.
Bằng kinh
nghiệm tổ chức hệ thống phân phối của công ty thuốc lá, Vũ Minh Trí xây dựng
thành công hệ thống phân phối của Sonny Ecrisson, đưa một thương hiệu này vượt
qua khó khăn, vươn lên giành lấy thị phần.
Chỉ trong vòng
6 tháng, doanh số và thị phần của của Sony Ericsson đã tăng trưởng hơn 100%.
Nếu tính cả hai năm 2006 và 2007 thì doanh số của Sony Ericsson tại thị trường
Việt Nam tính theo USD đã đạt đến 9 chữ số.
* Người ta bảo
thành tựu mà ông đạt được tốt nhất là thời kỳ ở Sony Ecrisson, ông cảm thấy thế
nào về nhận định này?
- Tôi thực sự
không thể biết hết được các nhận định của mọi người. Với bản thân, trong các
công việc từng đảm nhiệm, tôi đều cố gắng để đạt kết quả tốt nhất.
Tất nhiên, tốt
nhất của người này chưa hẳn là tốt nhất của người khác. Tôi nghĩ, đóng góp của
tôi với các công ty khác như Yahoo! hay Qualcomm đều được thể hiện qua các con
số kinh doanh, tôi không cần phải nói đến hay thuyết minh cho những con số ấy.
* Microsoft có
tầm ảnh hưởng ra sao với “nhân hiệu” của ông?
- Tất nhiên là
tôi rất tự hào khi được chèo lái thương hiệu của một công ty lớn. Tuy nhiên,
giá trị của CEO không được tính bằng những lần chuyển việc hay công việc mà
người đó đã kinh qua.
Để được chọn
làm lãnh đạo các thương hiệu lớn như Microsoft đã là rất khó, dẫn dắt công ty
thành công còn khó khăn hơn, vì thế thương hiệu của công ty chắc chắn sẽ càng
làm gia tăng giá trị của CEO.
* Từ thời
Yahoo!, với số lượng người dùng lớn như thế, Vũ Minh Trí đã là hình tượng của
giới trẻ. Việc ông nhảy việc liên tục như thế liệu có tạo nên một ảnh hưởng
không tốt?
- Tôi nghĩ
chúng ta nên hiểu đúng nghĩa chữ “nhảy việc”! Nếu nhảy việc theo nghĩa mình
luôn chủ động ngó nghiêng tìm việc có thu nhập cao hơn, vị trí tốt hơn,... nghĩa
là tôi không ủng hộ để cơ hội định hướng công việc của mình. Tôi chọn cách chủ
động lựa chọn cơ hội tốt nhất để phát triển nghề nghiệp theo định hướng của bản
thân.
Việc gắn bó dài
lâu với một doanh nghiệp không hẳn là tốt hay chuyển việc nhiều là xấu. Tùy
theo công việc hay yêu cầu doanh nghiệp mà một người có thể làm lâu dài hay
ngắn hạn tại vị trí đó.
Điểm mấu chốt
là tại mỗi vị trí ta cần khẳng định giá trị mang lại cho doanh nghiệp, đồng
thời cho bản thân, đó mới là điều quan trọng. Nếu mỗi ngày, ta đi làm, không
học hỏi được gì thêm, hay nhìn lại, doanh nghiệp và cá nhân ta không thấy việc
làm đó là có lợi ích,... thì nên dừng lại.
Tôi ủng hộ
“nhảy việc thụ động”, nghĩa là khi bạn làm tốt vai trò với công việc cũ thì cơ
hội với công việc mới sẽ đến. Khi bạn khẳng định được giá trị của mình thì
những lời mời sẽ tự đến với bạn. Vấn đề lúc ấy là cách lựa chọn thế nào.
Ngựa hay phải chạy đường dài
Trong vai trò
người lãnh đạo, Vũ Minh Trí luôn chú trọng việc đào tạo. Ông có cách chia công
việc khá rành rọt: 60% thời gian ông dành để lao động và sáng tạo.
Thời gian còn lại
ông dành vào việc đào tạo và truyền thụ kinh nghiệm cho nhân viên. Những nhân
viên đã từng làm việc với ông, lời khuyên mà họ nhận được là: Hãy để dưới thành
công của công ty là chữ ký của mình. Còn với nhân viên mới tại Microsoft thì
ông nhắn nhủ: Các bạn đừng lúc nào cũng công việc, công việc và công việc,...
* Những người điều
hành luôn mong nhân viên đóng góp nhiệt tình hết mức có thể. Khi khuyên nhân
viên như thế, ông không cần điều này chăng?
- Dù mới về, nhưng
tôi cũng đã kịp nhận thấy rằng nhân viên Microsoft Việt Nam quá chăm chỉ làm
việc và gần như không có thời gian nghỉ ngơi. Họ quan tâm công việc hơn hẳn các
nhu cầu khác. Điều này không có lợi. Tôi cho rằng mỗi người phải giữ được cho
mình sức khỏe cũng như sự sảng khoái cần thiết. Khi đó, mới có thể duy trì
“phong độ” lâu dài.
* Vậy, ngoài công
việc, ông quan tâm đến điều gì nhất?
- Tất nhiên là gia
đình, vợ và con tôi. Còn trong vai trò mới, điều tôi đang quan tâm hơn cả là
việc tôn trọng bản quyền phần mềm. Trong trao đổi mới đây nhất giữa Việt Nam và
Hoa Kỳ về việc gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một
trong những vấn đề còn gây trở ngại cho Việt Nam là vấn đề về sở hữu trí tuệ.
Chính phủ đang nỗ lực tối đa để giảm chỉ số vi phạm bản quyền, nhằm tạo cơ hội
tham gia TPP.
Không có gì là đáng
tự hào khi ăn cắp tài sản trí tuệ của người khác, nhưng trong bối cảnh hiện nay
Việt Nam cũng có những khó khăn nhất định. Microsoft đang là một trong các đơn
vị bị xâm phạm bản quyền nhiều nhất, nhưng tôi không nghĩ là phải hô hào chống
vi phạm bản quyền hay đi theo các cuộc kiểm tra, xử phạt mà muốn góp sức trong
công cuộc này bằng sự thông hiểu lẫn nhau.
Chúng tôi sẽ tăng
cường tiếp xúc với khách hàng nhằm giúp họ hiểu lợi thế của phần mềm bản quyền
nhưng không để họ phải trả phí ngay mà giúp họ đưa ra lộ trình để tiến đến dùng
phần mềm bản quyền. Với những doanh nghiệp mới khởi nghiệp, chúng tôi cung cấp
phần mềm miễn phí để hỗ trợ họ có những bước đầu vững chắc trên thương trường.
Tôi rất hy vọng cách
tuyên truyền dựa trên hành động chia sẻ cụ thể như thế sẽ làm cho nhận thức về
việc tôn trọng bản quyền ở Việt Nam sẽ khác.
* Xin cảm ơn ông về
cuộc trò chuyện này.
http://doanhnhansaigon.vn (dtphong)