SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên khối ngành Kinh tế tại Trường Đại học Quy Nhơn

[22/02/2025 16:39]

Nghiên cứu này nhằm khám phá và xác định mức độ ảnh hưởng của các yếu tố đến ý định khởi nghiệp của sinh viên khối ngành Kinh tế (SVNKT) tại Trường Đại học Quy Nhơn.

Khởi nghiệp luôn có mối quan hệ chặt chẽ với sự phát triển kinh tế của một quốc gia. Sự gia tăng các doanh nghiệp mới là một trong những động lực đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo và tạo công ăn việc làm. Vì vậy, thúc đẩy khởi nghiệp đã trở thành mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, tinh thần doanh nhân và khởi nghiệp được nhân lên trong những năm gần đây, sau khi Chính phủ phát động phong trào khởi nghiệp và lấy năm 2016 là năm quốc gia khởi nghiệp. Nhiều trường đại học đã đưa giáo dục khởi nghiệp vào chương trình đào tạo, thậm chí xây dựng thành một ngành, chuyên ngành đào tạo. Tuy nhiên, số lượng và tỷ lệ sinh viên sau tốt nghiệp khởi nghiệp còn rất thấp.

Trong thời gian qua, Trường Đại học Quy Nhơn đã có nhiều hoạt động nhằm tạo điều kiện cho sinh viên được tư vấn khởi nghiệp, như: tổ chức các cuộc giao lưu giữa sinh viên với các doanh nhân thành đạt, hội thảo cùng doanh nghiệp, hỗ trợ tìm kiếm, tiếp cận các nguồn vốn, các nhà đầu tư, hay tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp khuyến khích sinh viên tham gia,… Tuy nhiên, tính chủ động của sinh viên trong tìm kiếm việc làm, cũng như tự tạo lập doanh nghiệp (khởi nghiệp) trong thời gian qua chưa cao. Vậy, những nhân tố nào tác động đến ý định khởi nghiệp của sinh viên?

Nghiên cứu đã cho thấy có 5 nhân tố tác động đến ý định khởi nghiệp của sinh viên theo mức tác động từ cao đến thấp là khả năng khởi nghiệp từ chương trình đại học, nhận thức xã hội, thái độ bản thân, nguồn vốn khởi nghiệp và cuối cùng là điều kiện thuận lợi. Từ kết quả nghiên cứu trên, tác giả đề xuất một số khuyến nghị nhằm nâng cao nhận thức và ý định khởi nghiệp của sinh viên khối ngành Kinh tế Trường Đại học Quy Nhơn như sau:

Nâng cao khả năng khởi nghiệp cho sinh viên thông qua các chương trình học tập, tham quan thực tế doanh nghiệp và giao lưu với doanh nghiệp. Kết quả nghiên cứu cho thấy nhân tố khả năng khởi nghiệp từ chương trình đại học ảnh hưởng rất lớn đến định khởi nghiệp của sinh viên. Khi sinh viên cảm thấy mình không đủ năng lực sẽ thiếu tự tin khởi nghiệp. Điều này có thể do sinh viên ít va chạm thực tế, không biết phải làm gì và làm như thế nào, từ đó dẫn đến thái độ lo sợ thất bại, tự ti, sợ mình không làm được. Vì vậy, nhà trường cần đưa học phần khởi sự doanh nghiệp trở thành học phần bắt buộc cho sinh viên tất cả các chuyên ngành đặc biệt là khối ngành Kinh tế.

Cần lồng ghép kiến thức thực tế vào chương trình môn học, cần đưa chương trình tham quan thực tế doanh nghiệp hoặc các chương trình giao lưu với doanh nghiệp vào chương trình đào tạo chính quy hoặc ngoại khóa để giúp sinh viên tiếp cận thực tế nhiều hơn, giúp sinh viên hiểu hơn về thực tế hoạt động của các doanh nghiệp.

Tăng cường nhận thức, thái độ và động lực khởi nghiệp cho sinh viên thông qua tổ chức thường xuyên các hoạt động ngoại khóa hay tổ chức cuộc thi ý tưởng kinh doanh từ cấp khoa, cấp trường để tuyên truyền và nâng cao nhận thức về tinh thần khởi nghiệp trong sinh viên. Từ đó, giúp sinh viên có thái độ tích cực và động lực để khởi nghiệp. Thông qua các cuộc thi, sinh viên cũng sẽ tìm kiếm được các nhà tài trợ cũng như nhận được những chia sẻ quý báu về kinh nghiệm kinh doanh, từ đó giúp sinh viên từng bước tự tin hơn với ý định khởi nghiệp của mình.

Tạp chí Công Thương, Số 4, 3/ 2022
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ