SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên khóa 47 Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh - Phân hiệu Vĩnh Long

[22/02/2025 16:43]

Nghiên cứu tiến hành phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên Khóa 47 Đại học chính quy tại Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh - Phân hiệu Vĩnh Long.

Trong giai đoạn hiện nay, tinh thần khởi nghiệp được chú trọng ở nhiều quốc gia và được xem là cách thức thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm. Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, ban hành các văn bản liên quan nhằm hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, trong đó có đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến 2025”. Đối với sinh viên ở các trường đại học, họ có nhiều thuận lợi trong việc khởi nghiệp do được Nhà trường đưa môn học Khởi sự doanh nghiệp vào chương trình giảng dạy, được cơ quan, đoàn thể địa phương tập huấn và tham gia vào các Hội thi khởi nghiệp. Tuy nhiên, do khởi nghiệp là một yếu tố còn mới mẻ, số lượng sinh viên có các dự án khởi nghiệp và được hỗ trợ khởi nghiệp còn ít.

Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh - Phân hiệu Vĩnh Long luôn tăng cường giáo dục khởi nghiệp và triển khai một số hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp trong sinh viên. Nghiên cứu được thực hiện nhằm tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên, từ đó đề xuất một số giải pháp thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong sinh viên.

Ý định khởi nghiệp là cam kết bắt đầu bằng cách tạo ra một doanh nghiệp mới. Bên cạnh đó, ý định khởi nghiệp là tư duy của các cá nhân để đạt được một mục tiêu kinh doanh cụ thể dựa trên kinh nghiệm quá khứ, hành động và sự chú ý.

Mô hình nghiên cứu: Dựa vào các nghiên cứu của các tác giả trong và ngoài nước, nhóm nghiên cứu đề xuất mô hình nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp của sinh viên gồm 6 nhóm nhân tố với 24 biến quan sát, gồm: Môi trường xã hội (MTXH); Đặc điểm cá nhân (DDCN); Giáo dục khởi nghiệp (GDKN); Nhận thức kiểm soát hành vi (KSHV); Tiếp cận tài chính (TCTC); Ủng hộ khởi nghiệp (UHKN).

Dữ liệu sử dụng trong nghiên cứu được thu thập bằng phương pháp chọn mẫu thuận tiện. Kích thước mẫu theo công thức: n > = 8m + 50, trong đó m: số nhóm nhân tố (Tabachnick và Fidell, 1996). Mô hình nghiên cứu có 6 biến độc lập đo lường, nhóm nghiên cứu tiến hành phỏng vấn trực tiếp đáp viên là 200 sinh viên Khóa 47 Đại học chính quy. Thời gian tiến hành thu thập dữ liệu từ tháng 9 đến tháng 10 năm 2021.

Nghiên cứu sử dụng các phương pháp kiểm định độ tin cậy thang đo Cronbach’s alpha, phân tích nhân tố khám phá EFA và hồi quy tuyến tính để kiểm định các giả thuyết trên.

Kết quả nghiên cứu cho thấy có 6 yếu tố tác động tích cực đến ý định khởi nghiệp của sinh viên, trong đó yếu tố “Đặc điểm cá nhân” tác động mạnh nhất. Để thúc đẩy sinh viên khởi nghiệp sáng tạo, cần tạo nền tảng tư duy về khởi nghiệp, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước từ hoạt động khởi nghiệp của sinh viên và có chính sách hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp sáng tạo.

Tạp chí Công Thương, Số 26, 11/2021
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ