Tăng cường vai trò của trường đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Nghiên cứu do nhóm tác giả Trường Đại học Lạc Hồng thực hiện.
Nghiên cứu về vai trò của trường đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp và làm thế nào các trường đại học thúc đẩy quá trình khởi nghiệp của sinh viên ở Việt Nam còn nhiều hạn chế và chưa được hệ thống hóa.
Vai trò của trường đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp thể hiện ở những nhiệm vụ chính sau:
Một là, đào tạo và phát triển nhân tài, tức là tạo ra một nhân tố quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Đó là đào tạo nên các doanh nhân khởi nghiệp, các nhà quản lý doanh nghiệp và các chuyên gia có chuyên môn trong kinh doanh/doanh nghiệp. Theo một số nghiên cứu quốc tế chỉ ra rằng, việc kinh doanh và quản trị kinh doanh là hoàn toàn có thể đào tạo được, không nhất thiết dựa vào yếu tố gen di truyền hay tố chất, bản năng vốn có của sinh viên. Trên thế giới có rất nhiều đại học nổi tiếng về đào tạo doanh nhân, cái nôi sản sinh của những doanh nhân, tỷ phú thành đạt như Đại học Harvard của Mỹ, Đại học Cambridge của Anh, hay Đại học Quản lý Singapore (SMU). Đại học là nơi cung cấp những kiến thức nền tảng một cách khoa học và chính thức đầu tiên cho sinh viên về kinh tế, khoa học và kỹ thuật. Từ đó, các em sẽ tự hình thành và phát triển thêm những kỹ năng và kiến thức mới về doanh nghiệp và doanh nhân để khởi nghiệp thành công, trở thành những doanh nhân thành đạt trong tương lai.
Hai là, cung cấp điều kiện cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm cho các doanh nghiệp/dự án khởi nghiệp. Trước khi tiến hành thương mại hóa các sản phẩm và dịch vụ để kinh doanh trên thị trường, các doanh nghiệp khởi nghiệp luôn phải tiến hành những bước thử nghiệm để đánh giá sản phẩm, làm các sản phẩm mẫu. Chính các trường đại học, với những phòng thí nghiệm và cơ sở vật chất của mình là nơi lý tưởng để tiến hành những hoạt động đó, với trình độ chuyên môn cao và chi phí hợp lý.
Ba là, cung cấp công nghệ (được bảo hộ và không được bảo hộ) - nguồn lực quan trọng cho các doanh nghiệp tăng trưởng nhanh. Các trường đại học là môi trường và là cái nôi sản sinh ra những công trình nghiên cứu khoa học, sáng chế... Đó là những sản phẩm trí tuệ có ý nghĩa rất lớn để hình thành nên những ý tưởng kinh doanh và khởi nghiệp cho doanh nhân. Chính vì vậy, nhà trường cần phát huy vai trò của mình trong hệ sinh thái khởi nghiệp, kết hợp với doanh nghiệp lớn, các startup để cùng nhau xây dựng một hệ sinh thái phát triển bền vững và hiệu quả.
Tại Việt Nam, sự kết nối chưa chặt chẽ giữa nhà trường và các doanh nghiệp, chỉ có số ít vừa tham gia giảng dạy vừa kinh doanh hoặc tư vấn khởi nghiệp, giảng viên chưa được tham gia nhiều các lớp tập huấn về khởi nghiệp. Phần đông giảng viên chỉ tập trung giảng dạy và ít tiếp xúc với các doanh nghiệp, vì vậy còn thiếu nhiều kinh nghiệm thực tế, rất khó đưa ra những định hướng tốt cho sinh viên về vấn đề thực tiễn cần giải quyết trong kinh doanh.
Thông qua nghiên cứu này đã xác định được trường đại học chính là một trong những thành tố quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Vì vậy, để phát huy tốt vai trò của mình trong hệ sinh thái, các trường đại học cần không ngừng đổi mới chương trình đào tạo, cần có những sự kết nối chặt chẽ, hiệu quả với các doanh nghiệp, các tổ chức tài chính và các tổ chức hỗ trợ, đồng thời cũng cần phải có cơ chế phù hợp để khai thác tối đa nguồn lực chất xám của cả giảng viên và sinh viên nhằm cho ra đời những sản phẩm đổi mới sáng tạo phục vụ công cuộc phát triển kinh tế của đất nước. Với sự hỗ trợ của Chính phủ, sự quan tâm của toàn xã hội dành cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chắc chắn các trường đại học sẽ có những bước phát triển thích hợp để đóng vai trò là yếu tố nền tảng quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam.

Từ kết quả nghiên cứu, một số đề xuất để đẩy mạnh vai trò của các trường đại học trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như sau:
Một là, để trường đại học có thể phát huy được vai trò trong hệ sinh thái khởi nghiệp, trường đại học phải thực hiện đúng chức năng là: Đào tạo và phát triển nhân tài, nguồn nhân lực bao gồm cả doanh nhân khởi nghiệp, các nhà quản lý và các nhà chuyên môn. Bên cạnh đó, giảng viên chính là người truyền cảm hứng cho học sinh, sinh viên, giới thiệu những tấm gương khởi nghiệp tiêu biểu và những mô hình kinh doanh thành công, khơi dậy niềm đam mê sáng tạo trong sinh viên.
Hai là, trường đại học cần phải cập nhật chương trình giảng dạy để đưa nội dung kiến thức khởi nghiệp thành môn học chính thức trong chương trình đào tạo. Một số môn học cần được nhà trường áp dụng đưa vào chương trình giảng dạy, ví dụ như: Khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và ứng dụng, Kỹ năng khởi nghiệp, các buổi tập huấn hay các lớp đào tạo về chuyên đề liên quan đến hỗ trợ khởi nghiệp như lớp chuyên đề về thuế, mô hình canvas,…
Ba là, trường đại học cần xây dựng một mạng lưới liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để có thể tìm được các nguồn hỗ trợ, đầu tư cho các dự án khởi nghiệp, đồng thời cũng là đối tác chuyển giao công nghệ, đưa công nghệ từ trong vườn ươm vào thực tế sản xuất; Tư vấn, hỗ trợ và kết nối các dự án khởi nghiệp của người học với các doanh nghiệp.
Bốn là, để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trong sinh viên, tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp tại cơ sở (cấp trường), trong đó các giảng viên cũng chính là các mentor, từ đó giúp lựa chọn các dự án có tính khả thi, hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh, cho ra đời các sản phẩm dịch vụ có tính đổi mới sáng tạo từ đó có thể phục vụ cho nhu cầu của người tiêu dùng và cho xã hội.
Tạp chí Công Thương, Số 1, 1/2023