Mô hình nghiên cứu ý định khởi nghiệp của sinh viên đại học dựa trên nền tảng thương mại điện tử
Nghiên cứu do nhóm tác giả Trường Đại học Đại Nam thực hiện.
Hiện nay, thương mại điện tử đã trở thành một trong các vấn đề được ưu tiên số một của các doanh nghiệp trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Thương mại điện tử có 3 mức độ: thông tin; giao dịch; và hợp tác. Ở mức độ sự trao đổi thông tin, đàm phán hợp đồng giữa người mua và người bán chủ yếu thông qua email và các diễn đàn… Theo đó, người mua có thể thực hiện mua hàng trực tuyến, nhưng phương thức thanh toán vẫn theo kiểu truyền thống. Ở mức độ giao dịch, thanh toán điện tử bắt đầu hình thành, các hoạt động kinh doanh được xây dựng dựa trên cơ sở mạng nội bộ chủ yếu để chia sẻ dữ liệu và sự áp dụng phần mềm quản trị. Mức độ thứ ba là mức độ cao nhất của sự phát triển, yêu cầu phải ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình hoạt động từ đầu vào của quá trình sản xuất tới phân phối sản phẩm đầu ra.
Như vậy, có thể nói thương mại điện tử là việc sử dụng mạng internet để mua và bán sản phẩm và dịch vụ, dịch vụ đi kèm và hỗ trợ sau bán, đây cũng chính là khái niệm về thương mại điện tử mà tác giả sẽ sử dụng trong nghiên cứu này. Mặc dù giao dịch thương mại điện tử đang tăng dần nhưng số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp dựa trên nền tảng thương mại điện tử còn khá khiêm tốn. Bởi vì, việc khởi nghiệp dựa trên ứng dụng thương mại điện tử cũng đối mặt với mức độ cạnh tranh cao bởi sự tham gia từ rất sớm của những tên tuổi lớn như, Shopee, Lazada, Amazon hay Tiki… Ngoài ra là những trở ngại đến từ hệ thống thanh toán kém phát triển, hạ tầng lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, kho bãi, luân chuyển hàng hóa, thủ tục hải quan, sự thiếu niềm tin của một bộ phận người tiêu dùng khi mua hàng trực tuyến… Những điều này ít nhiều cũng ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp dựa trên ứng dụng thương mại điện tử của các startup nói chung và của sinh viên nói riêng.

Qua một loạt các nghiên cứu về ý định thực hiện hành vi, ý định khởi nghiệp nói chung và khởi nghiệp của sinh viên nói riêng đã được các tác giả trong và ngoài nước tiến hành, nhóm nghiên cứu đã nhận thấy, nên tập trung theo 2 hướng chính sau:
Hướng 1: Tập trung xem xét các yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi nghiệp.
Hướng 2: Tập trung xem xét các yếu tố ảnh hưởng đến sự tự tin về tính khả thi khởi nghiệp. Trong khi cảm nhận về sự tự tin về tính khả thi của khởi nghiệp cũng là một trong những yếu tố tác động đến ý định khởi nghiệp
Kết quả nghiên cứu cho thấy, có nhiều nghiên cứu xem xét tác động trực tiếp của các nhân tố đến ý định khởi nghiệp của sinh viên mà trong đó “Cảm nhận về tính khả thi khởi nghiệp” là một trong các nhân tố đó, số ít nghiên cứu xem xét tác động của các nhân tố này đến “Cảm nhận về tính khả thi khởi nghiệp”. Do đó, nghiên cứu này đã đề xuất mô hình nghiên cứu xem xét cùng lúc mối quan hệ của 6 nhân tố (1) Đặc điểm tính cách sinh viên; (2) Thái độ với hành vi khởi nghiệp; (3) Nhận thức kiểm soát hành vi; (4) Chuẩn chủ quan; (5) Môi trường giáo dục; và (6) Nguồn vốn, tới ý định khởi nghiệp của sinh viên dựa trên nền tảng thương mại điện tử thông qua hai cơ chế là tác động trực tiếp và tác động gián tiếp qua biến trung gian là “Cảm nhận về tính khả thi khởi nghiệp”.
Tạp chí Công Thương, Số 12, 5/2023