SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Một số nhân tố tác động tới ý định khởi nghiệp của sinh viên

[22/02/2025 16:53]

Khởi nghiệp ngày càng trở nên quan trọng đối với sự phát triển kinh tế và sáng tạo trong thế giới hiện đại.

Nhân tố Đặc điểm tính cách sinh viên

Đặc điểm tính cách của bản thân xuất phát từ ý tưởng mọi người đều có những hình dung về chính bản thân mình. Đặc điểm tính cách của bản thân là khác nhau giữa các nền văn hóa khác nhau. Tính cách mạnh mẽ, hiện đại hay truyền thống, cầu toàn sẽ là những yếu tố chính quyết định hành vi tham gia khởi nghiệp của mỗi cá nhân. Có thể tồn tại cùng lúc nhiều đặc điểm tính cách ở trong mỗi người, và điều này sẽ ảnh hưởng tới hành vi của họ. Những người có xu hướng tính cách hiện đại thường sẵn sàng thay đổi, sẵn sàng chấp nhận cái mới. Có 5 đặc điểm tính cách cá nhân mà mỗi nhà khởi nghiệp cần có là, sự tự tin; sự năng động nhạy bén; có hoài bão; khuynh hướng tự chủ cao và sẵng sàng chấp nhận rủi ro. Đặc điểm tính cách cũng đã được khẳng định trong các nghiên cứu  có tác động đến ý định sinh viên khởi nghiệp. Đặc điểm tính cách ảnh hưởng đến nhu cầu mong muốn thành công, sự tự tin và khả năng của bản thân, thể hiện sự sẵn sàng chấp nhận rủi ro và tác động tích cực đến mong muốn và sự tự tin khởi nghiệp kinh doanh.

Nhân tố Thái độ với khởi nghiệp

Một hành vi trong tương lai của con người được dự báo bởi thái độ thể hiện trước đó của chủ thể, là xác suất chủ quan của một người mà họ sẽ thực hiện một số hành vi nào đó. Thái độ với việc khởi nghiệp được xem như là mức độ sẵn sàng khởi nghiệp khi cơ hội đến. Thái độ có tác động thuận chiều với hành vi khởi nghiệp. Khi sinh viên có thái độ tích cực với khởi nghiệp làm tăng quyết tâm tiến hành việc khởi nghiệp. Thái độ tích cực với ý định khởi nghiệp là những người có thái độ tích cực đối với rủi ro hoặc có tính cách độc lập. Thái độ đối với hành vi khởi nghiệp đã được khẳng định có ảnh hưởng tích cực đến ý định khởi nghiệp của sinh viên.

Nhân tố Nhận thức kiểm soát hành vi

Nhận thức kiểm soát hành vi đề cập đến nhận thức của cá nhân về mức độ dễ dàng hay khó khăn; có bị kiểm soát, hạn chế hay không khi thực hiện hành vi. Nhận thức kiểm soát hành vi của bản thân là sự nhận thức về khả năng thực hiện một hoạt động nào đó thông qua khả năng thiết lập, duy trì, kiểm soát các cơ hội. Những cá nhân cảm nhận lạc quan về năng lực của mình sẽ tự tin hơn trong việc thực hiện hành vi. Nhận thức kiểm soát hành vi được biểu hiện thành khả năng xử lý tình huống và nuôi dưỡng các ý tưởng kinh doanh trong tương lai. Một cá nhân có tiềm năng ý định khởi nghiệp phải có mong muốn và nhận thấy tính khả thi của việc ý định khởi nghiệp.

Nhân tố Chuẩn

Chuẩn chủ quan là niềm tin cá nhân có tính chất xã hội bị chi phối bởi những cá nhân xung quanh, được hiểu như niềm tin mà con người nghĩ những người xung quanh tin tưởng ở mình. Chuẩn chủ quan thể hiện sự phản đối hay ủng hộ của những người quan trọng nhất đối với một cá nhân (người thân, bạn bè) với việc khởi nghiệp kinh doanh; hay nhận thức về sự ảnh hưởng từ phía cộng đồng xã hội được định nghĩa là nhận thức về áp lực xã hội đến việc thực hiện hoặc không thực hiện hành vi. Đó là ảnh hưởng của những người quan trọng và gần gũi có thể tác động đến cá nhân thực hiện hành vi. Những người có cha mẹ làm kinh doanh sẽ dễ dàng được ủng hộ khi khởi nghiệp. Sự ủng hộ của người thân rất quan trọng khi khởi nghiệp. Chuẩn chủ quan có ảnh hưởng tới ý định khởi nghiệp của sinh viên. Chuẩn chủ quan hay chuẩn mực niềm tin có ảnh hưởng tích cực đến ý định khởi nghiệp của sinh viên.

Nhân tố Môi trường giáo dục

Các chương trình giáo dục và đào tạo của nhà trường sẽ cung cấp cho sinh viên những kiến thức, kỹ năng và năng lực để theo đuổi sự nghiệp kinh doanh, nội dung các chương trình đào tạo của nhà trường có ảnh hưởng tới ý định khởi nghiệp của sinh viên, các hoạt động giáo dục như một bước đệm để sinh viên có thể tự tin và có tinh thần khởi nghiệp cao hơn. Trên cơ sở đó, xây dựng nội dung chương trình đào tạo khởi nghiệp gồm phân tích các chiến lược kinh doanh; tìm hiểu các môi trường kinh doanh khác nhau; thu nạp các kỹ năng và kiến thức thông qua học tập; làm quen với việc phân tích, lập kế hoạch…; luyện tập các kỹ năng có thể được áp dụng cho các tình huống kinh doanh phức tạp khác nhau.

Môi trường giáo dục được cho là đóng vai trò trong bồi dưỡng tinh thần kinh doanh cùng hoạt động trải nghiệm của sinh viên để tự tin để khởi nghiệp. Việc tham gia các chương trình đào tạo về khởi nghiệp đóng góp rất nhiều đến sự hình thành và phát triển ý định khởi nghiệp của sinh viên, đào tạo khởi nghiệp là quá trình giúp người học hiểu được nội dung kiến thức về khởi nghiệp thông qua các phương pháp giảng dạy phù hợp. Môi trường giáo dục đã được khẳng định có ảnh hưởng tích cực đến ý định khởi nghiệp của sinh viên.

Nhân tố Nguồn vốn

Nguồn vốn không phải là yếu tố quyết định đến việc một cá nhân có khởi nghiệp hay không, nhưng nó ảnh hưởng rất lớn đến quá trình biến từ ý định đến hành vi khởi nghiệp. Một số nghiên cứu khác lại cho thấy, vốn là yếu tố có ảnh hưởng rất mạnh đến khởi sự kinh doanh. Quá trình để tiếp cận được với ưu đãi tài chính vẫn là một hành trình vô cùng gian nan đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp. Khi khởi nghiệp kinh doanh, chỉ có một số ít người có đủ vốn để mở doanh nghiệp, còn đa số cần phải huy động vốn từ các nguồn khác nhau để khởi nghiệp. Hầu hết các doanh nhân trẻ đều sử dụng tài trợ của cha mẹ, anh em và bạn bè trong giai đoạn đầu khởi nghiệp, đây là nguồn tài chính quan trọng nhất.

Nhân tố Cảm nhận về tính khả thi

Cảm nhận về tính khả thi được hiểu là nhận thức kiểm soát hành vi, là niềm tin và sự tự tin khởi nghiệp của cá nhân về khả năng thực hiện một hoạt động thành công. Cảm nhận về tính khả thi có tác động tới mức độ mong muốn và sự quyết tâm thực hiện hành vi của cá nhân. Đối với hoạt động khởi nghiệp, cảm nhận về tính khả thi có thể được xem là cảm nhận về khả năng thực hiện thành công hoạt động khởi nghiệp, được đánh giá qua cảm nhận của cá nhân về khả năng tồn tại, phát triển của doanh nghiệp, mức độ thành công khi kinh doanh, những kiến thức và kinh nghiệm về việc tiếp cận thông tin cho việc khởi nghiệp trở nên khả thi.

Tạp chí Công Thương, Số 12, 5/2023
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ