SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp ở Việt Nam – Thực trạng và giải pháp

[08/03/2025 09:29]

Đổi mới sáng tạo là hoạt động cốt lõi của doanh nghiệp nhằm tạo ra sản phẩm, dịch vụ hoặc quy trình, hệ thống quản lý mới để ứng phó với những biến động của thị trường và sự phát triển của công nghệ.

Đổi mới sáng tạo đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động. Bài viết tập trung đánh giá tác động và thực trạng đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp Việt Nam, từ đó, đưa ra các giải pháp nhằm thúc đẩy quá trình này, góp phần phát triển kinh tế và nâng cao vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Quá trình toàn cầu hóa và khu vực hóa đang mở ra cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp Việt Nam, song cũng đặt ra những thách thức khi phải cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài. Trong bối cảnh thị trường ngày càng khốc liệt, đổi mới sáng tạo được xem là “chìa khóa” quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, quá trình đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa được đánh giá cao và còn gặp nhiều khó khăn trong việc tạo ra những giá trị sáng tạo mới cho chính doanh nghiệp và thị trường. 

Trong Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đổi mới sáng tạo được xác định là một trong ba đột phá chiến lược quan trọng để đưa đất nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI. Song, trong thực tế, chính sách hỗ trợ từ Nhà nước vẫn chưa thực sự mạnh mẽ và quyết liệt để thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp. Do đó, việc nghiên cứu tác động của đổi mới sáng tạo và đánh giá thực trạng đổi mới sáng tạo tại các doanh nghiệp là rất quan trọng nhằm khuyến khích đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp ở nước ta.

Tác động của đổi mới sáng tạo đối với sự phát triển của doanh nghiệp

Khái niệm đổi mới sáng tạo 

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), đổi mới sáng tạo là “quá trình phát triển và giới thiệu một sản phẩm mới hoặc cải tiến liên tục cho sản phẩm, hoặc quy trình mới, một phương pháp tiếp thị mới, một phương pháp tổ chức mới hoặc cải thiện đáng kể trong hoạt động sản xuất, kinh doanh” (OECD, 2005)1. Tại khoản 16 Điều 3 Luật Khoa học và công nghệ Việt Nam năm 2013 đã giải thích rõ: “Đổi mới sáng tạo (innovation) là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, hàng hóa”.

Hai khái niệm trên bao hàm những nội dung cơ bản sau: (1) Đổi mới sáng tạo là quá trình và kết quả của việc tạo ra, áp dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ và giải pháp quản lý. Để được coi là đổi mới, các giải pháp kỹ thuật, công nghệ hoặc quản lý cần phải mang tính sáng tạo, trước hết so với nội bộ doanh nghiệp, sau đó so với cả ngành, đôi khi trên phạm vi quốc gia và quốc tế; (2) Đổi mới sáng tạo còn bao gồm quá trình tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ mới, cải tiến quy trình, công nghệ hoặc thay đổi phương pháp tiếp thị, tổ chức… Điều này có thể liên quan đến cả khía cạnh công nghệ và phi công nghệ như mô hình kinh doanh, marketing và thị trường; (3) Mục tiêu của đổi mới sáng tạo là nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp. Từ đó, nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế – xã hội, có thể đem lại lợi ích kinh tế – xã hội, nhân văn hoặc môi trường.

Vậy, có thể hiểu đổi mới sáng tạo là quá trình thường xuyên áp dụng các phương pháp và công nghệ mới nhằm tạo ra sản phẩm và dịch vụ vượt trội về chất lượng, hiệu quả và tiết kiệm. Điều này đòi hỏi sự sáng tạo và không ngừng đổi mới để nâng cao khả năng cạnh tranh của cả doanh nghiệp và quốc gia. Đổi mới sáng tạo là quá trình phát triển sản phẩm và dịch vụ mới, cải tiến, nâng cấp các sản phẩm và dịch vụ hiện có để đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng. 

Tác động của đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp

Đổi mới sáng tạo ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của doanh nghiệp, bao gồm: hoạt động sản xuất, kinh doanh, mô hình và kết quả tài chính; mức độ ảnh hưởng phụ thuộc vào việc lựa chọn loại hình và cấp độ của đổi mới sáng tạo. 

Thứ nhất, đổi mới sáng tạo giúp doanh nghiệp tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường sự hài lòng của khách hàng. Khi doanh nghiệp liên tục cải tiến và phát triển, họ sẽ có lợi thế cạnh tranh vượt trội so với các đối thủ khác trên thị trường. Việc áp dụng các ý tưởng mới, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, kinh doanh giúp doanh nghiệp thu hút được đông đảo khách hàng, từ đó tăng doanh số và doanh thu bán hàng. Đồng thời, sự khác biệt trong sản phẩm và dịch vụ cũng giúp doanh nghiệp xây dựng hình ảnh thương hiệu mạnh mẽ và uy tín trên thị trường như Công ty Tesla đã làm thay đổi ngành công nghiệp ô tô bằng việc áp dụng công nghệ bền vững vào xe điện của mình. Chiến lược đổi mới này đã giúp hãng phát triển một loại xe có hiệu suất cao hơn, chạy nhanh hơn và thải ra lượng khí carbon thấp hơn. Điều này đã giúp Tesla xây dựng một thương hiệu độc đáo và nổi bật so với các đối thủ trong ngành sản xuất ô tô.

Thứ hai, đổi mới sáng tạo giúp doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình sản xuất và khai thác mọi tiềm năng của công nghệ mới. Kết quả là nâng cao hiệu suất lao động và giảm thiểu chi phí sản xuất, từ đó cải thiện khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Tập đoàn Walmart đã áp dụng công nghệ RFID (nhận dạng bằng sóng vô tuyến) để cải thiện quản lý hàng tồn kho. Sử dụng quy trình tối ưu hóa quản lý hàng tồn kho, Walmart có thể cung cấp các sản phẩm đúng lúc và đúng nơi, từ đó nâng cao sự hài lòng của khách hàng và củng cố vị thế cạnh tranh trong ngành bán lẻ. Tuy nhiên, tiết kiệm thông qua các hoạt động đổi mới sáng tạo cần được tái đầu tư vào việc đổi mới hơn nữa ở các giai đoạn tiếp theo. Để duy trì sự tăng trưởng bền vững, doanh nghiệp cần liên tục đầu tư vào các giải pháp đổi mới để thúc đẩy hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của mình trên thị trường. 

Thứ ba, đổi mới sáng tạo ảnh hưởng mạnh mẽ đến quá trình phát triển kinh doanh của các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp mở rộng quy mô hoạt động và đa dạng hóa nguồn thu nhập. Đối với các doanh nghiệp sử dụng những biện pháp đổi mới giúp họ tiếp cận dễ dàng hơn với các thị trường mới, khám phá cơ hội kinh doanh mới mà không cần phải đầu tư nhiều vốn. Các doanh nghiệp có thể sử dụng các nền tảng thương mại điện tử để mở rộng phạm vi hoạt động của mình, tiếp cận khách hàng toàn cầu mà không cần phải có cửa hàng ngay tại nước sở tại. Sự phát triển của tiếp thị số và truyền thông góp phần đơn giản hóa khả năng tiếp cận khách hàng toàn cầu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng kinh doanh. Đổi mới sáng tạo giúp các doanh nghiệp tìm ra nguồn thu nhập thay thế bằng cách đa dạng hóa mô hình kinh doanh. Điển hình như Tập đoàn Nike cho phép các công ty khác sử dụng thương hiệu và thiết kế của mình để sản xuất và tiếp thị các sản phẩm mang nhãn hiệu Nike. Cách thức này tạo ra thu nhập mà không yêu cầu Nike phải đầu tư quá nhiều vào quá trình sản xuất và phân phối. Điều này cho thấy, đổi mới sáng tạo vừa góp phần mở rộng quy mô kinh doanh cho công ty, vừa tạo ra cơ hội thu nhập mới cho các công ty khác.

Thực trạng đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp ở Việt Nam

Hiện nay, đổi mới sáng tạo được xem là một trong những chỉ số quan trọng để đo lường và đánh giá hiệu suất hoạt động của nền kinh tế, là yếu tố quyết định cho sự tiến bộ của mỗi quốc gia. Với cam kết cao về đổi mới sáng tạo, Việt Nam đang ngày càng cải thiện các yếu tố thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp một cách hiệu quả. Chính phủ ngày càng quan tâm lớn đến đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp qua việc xây dựng và ban hành các chiến lược, chính sách, kế hoạch khoa học – công nghệ, như: Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016  của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến 2025; Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Quyết định 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030; Nghị quyết 02/2022/NQ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022. 

Theo đó, ngày 10/4/2023, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định số 665/QĐ-BKHCN về việc điều tra đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp năm 2023 nhằm thu thập thông tin thống kê về ngành Khoa học và Công nghệ để phục vụ những chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc đánh giá, xây dựng chiến lược, chính sách, kế hoạch về khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng như so sánh các chỉ tiêu thống kê và cập nhật cơ sở dữ liệu về đổi mới sáng tạo tại Việt Nam so với quốc tế. Với những nỗ lực và sự quan tâm lớn của Chính phủ, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp nước ta đã đạt được những kết quả tích cực. Cụ thể:

Theo số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số lượng doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam tính đến cuối năm 2022 là 895.876 doanh nghiệp, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2021(Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2023)2. Trong 2 tháng đầu năm 2024, cả nước có gần 19 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước) nâng tổng số doanh nghiệp mới thành lập và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động lên gần 41,1 nghìn doanh nghiệp (tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2023) (Đức Mạnh, 2024)3. Điều này cho thấy, môi trường kinh doanh tại Việt Nam ngày càng phát triển theo hướng tích cực, thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia hoạt động và đầu tư. Đồng thời, phản ánh dấu hiệu tích cực của doanh nghiệp khi đang cố gắng thích nghi và phục hồi sau đợt khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.

Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2023 (GII 2023) do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố cho thấy, sự tiến bộ đáng kinh ngạc của Việt Nam so với năm 2022. Việt Nam đã tăng hai bậc và đứng ở vị trí 46 trên tổng số 132 quốc gia được xếp hạng. Như vậy, tính từ năm 2017, GII của Việt Nam liên tục được cải thiện, từ vị trí 59 (năm 2016) tăng lên vị trí 47 (năm 2017) và vị trí 46 (năm 2023). Việt Nam duy trì vị thế thứ hai trong số các quốc gia có thu nhập trung bình thấp, chỉ sau Ấn Độ. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam xếp sau Singapore (vị trí 5), Malaysia (vị trí 36) và Thái Lan (vị trí 43). Theo WIPO, Việt Nam được đánh giá cao trong số 7 quốc gia có thu nhập trung bình nhờ vào những tiến bộ đáng chú ý trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua. Việt Nam cũng là một trong ba quốc gia duy nhất đạt thành tích phát triển vượt trội trong 13 năm liên tiếp (Vũ Hưng, 2023)4. 

Năm 2023, chỉ số phát triển của top 3 doanh nghiệp lớn hàng đầu đã có sự cải thiện đáng kể, chi cho Nghiên cứu và Phát triển (R&D) xếp hạng 29, tăng 9 bậc so với năm 2022, đã cho thấy sự nỗ lực và cam kết của doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Các thương vụ đầu tư mạo hiểm mặc dù quy mô nhỏ nhưng cũng có sự tiến bộ đáng kể với xếp hạng 60 vào năm 2023, tăng 17 bậc so với năm 2022, phản ánh sự tăng cường trong việc khám phá và đầu tư vào các lĩnh vực mới đã mang lại cơ hội phát triển cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp liên tục đầu tư để thực hiện quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO là một bước quan trọng trong việc nâng cao hiệu suất, quy trình sản xuất, dịch vụ và uy tín của doanh nghiệp. Chỉ số về số chứng chỉ ISO 9001/tỷ $ PPP GDP đã tăng 15 bậc so với năm 2022, từ vị trí 65 lên 50 (Vũ Hưng, 2023)5. 

Việt Nam đã có sự cải thiện trong thứ hạng đầu vào và đầu ra đổi mới sáng tạo vào năm 2023. Thứ hạng đầu vào, bao gồm: nguồn nhân lực và nghiên cứu, cơ sở vật chất, trình độ phát triển của thị trường và trình độ phát triển của doanh nghiệp đã tăng 2 bậc từ vị trí 59 lên 57 so với năm 2022. Đối với thứ hạng đầu ra, bao gồm: sản phẩm tri thức và công nghệ, sản phẩm sáng tạo đã cải thiện 1 bậc so với năm 2022, tăng từ vị trí 41 lên 40 (Ngân Hà, 2024)6. Đến nay, Việt Nam đang dần khẳng định vị thế của mình trong cộng đồng quốc tế về đổi mới sáng tạo. Sự cải thiện này là kết quả của quá trình đầu tư vào giáo dục, nghiên cứu và phát triển công nghệ cũng như nỗ lực của các doanh nghiệp trong sáng tạo và cạnh tranh trên thị trường. 

Gần đây, nhiều trung tâm khuyến khích và hỗ trợ đổi mới sáng tạo ở Việt Nam liên tiếp thành lập, như: Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC); Trung tâm Đổi mới sáng tạo về Internet vạn vật (IoT Innovation Hub); Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (NSSC)… Các trung tâm này đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua các hoạt động, như: tổ chức hội thảo, kết nối, chuyển giao công nghệ và số hóa. Các trung tâm này đã có nhiều hoạt động hiệu quả, điển hình là sự hỗ trợ của NIC khi cung cấp cơ sở vật chất, ươm tạo, nâng cao năng lực, hỗ trợ vốn, cố vấn và tư vấn giải pháp cho các doanh nghiệp mới và các startup. Năm 2023, NIC đã hợp tác với Tập đoàn truyền thông Goldsun để cung cấp dịch vụ hỗ trợ quảng cáo sản phẩm và giải pháp của các công ty trên hơn 2.500 màn hình tại sân bay và tòa nhà trên toàn quốc (NIC và Do Ventures, 2023)7. NIC đã thúc đẩy dòng vốn đầu tư vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của Việt Nam với tổng số vốn cam kết cho các startup Việt Nam trong giai đoạn 2023 – 2025 là 1,5 tỷ USD đến từ 41 quỹ đầu tư của Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Indonesia, Hoa Kỳ và Việt Nam (NIC và Do Ventures, 2023)8.

Thời gian qua, Chính phủ đã nỗ lực xây dựng khung pháp lý khuyến khích đổi mới sáng tạo và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào phát triển khoa học và công nghệ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp và nhà đầu tư vẫn đối diện với nhiều khó khăn trong quá trình triển khai các dự án phát triển, áp dụng công nghệ mới cũng như đưa sản phẩm khoa học và công nghệ ra thị trường. Theo Báo cáo của WIPO năm 2023, chi cho R&D của Việt Nam đứng ở vị trí 66, giảm 7 bậc so với năm 2022 và thấp hơn so với xếp hạng năm 2021. Trong khi đó, các quốc gia khác trong khu vực đã tăng cường đầu tư vào R&D và nhanh chóng cải thiện vị trí trong bảng xếp hạng, như: Thái Lan tăng 4 bậc, Singapore tăng 3 bậc. Trong 9 tháng đầu năm 2023, hoạt động đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam giảm mạnh, tổng giá trị các thương vụ giảm 13% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 427 triệu USD. Số lượng giao dịch cũng giảm, đặc biệt là trong các thương vụ có giá trị dưới 500 nghìn USD, giảm đến 50%. Trong Báo cáo của Do Ventures năm 2023, 75% doanh nghiệp tham gia khảo sát thừa nhận thiếu hiểu biết đúng mức về tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo mở đã gây ra sự mập mờ trong việc thúc đẩy động lực để thực hiện các ý tưởng sáng tạo cho doanh nghiệp (Hiếu Phương, 2024)9. 

Bên cạnh đó, nhiều bất cập về thể chế vẫn còn tồn tại, như; quy định pháp lý phức tạp, thủ tục hành chính rườm rà, hệ thống tài chính không linh hoạt, thiếu nguồn nhân lực và kỹ năng chuyên môn… đang là rào cản cho quá trình đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp nước ta. Theo báo cáo của WIPO năm 2023, Chỉ số hiệu quả thực thi pháp luật của Việt Nam đạt hạng 72, giảm 2 bậc so với năm 2022. Trong khi đó, chỉ số Chất lượng các quy định pháp luật đã có sự cải thiện đáng kể từ năm 2022 khi tăng lên 10 bậc, từ hạng 93 lên 83. Tuy nhiên, chỉ số này đã giảm xuống vị trí 94 vào năm 2023 (Vũ Hưng, 2023)10. Thực trạng này cho thấy, việc duy trì và cải thiện chất lượng các quy định pháp luật là một thách thức liên tục đối với hệ thống pháp luật của Việt Nam. Quá trình theo dõi và đánh giá các chỉ số này rất quan trọng để định hình và cải thiện hệ thống pháp luật, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững và công bằng trong xã hội.

Một số giải pháp thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp Việt Nam 

Một là, xây dựng các cơ chế, chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo nhằm khuyến khích các doanh nghiệp và tổ chức áp dụng đổi mới sáng tạo.

Để thúc đẩy phát triển năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, Chính phủ cần xây dựng các chính sách và biện pháp hỗ trợ phù hợp cho doanh nghiệp đổi mới và khởi nghiệp, bao gồm cả việc thành lập các quỹ đổi mới sáng tạo, đầu tư mạo hiểm và khởi nghiệp. Cần tập trung vào những yêu cầu cụ thể của doanh nghiệp và tránh các nội dung mang tính hình thức không hiệu quả. Việc thực thi chính sách cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ban, ngành và địa phương để đạt hiệu quả cao nhất. Các biện pháp hỗ trợ có thể thông qua cung cấp hỗ trợ tài chính, như: vay vốn ưu đãi, giảm thuế hoặc miễn giảm phí; hỗ trợ kỹ thuật, gồm: đào tạo, tư vấn hoặc chia sẻ công nghệ mới.

Bên cạnh đó, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cũng rất quan trọng để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển. Chính phủ cần xây dựng và hoàn thiện các cơ chế bảo vệ, như: cấp bằng độc quyền, kiểm soát vi phạm bản quyền hoặc hỗ trợ xử lý tranh chấp liên quan đến sở hữu trí tuệ. Quá trình xây dựng, thực thi chính sách, pháp luật và các biện pháp hỗ trợ này cần sự tham vấn và phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ban, ngành và địa phương để đạt hiệu quả cao nhất.

Hai là, xây dựng các chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ yêu cầu đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp.

Thực trạng đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp Việt Nam thời gian qua cho thấy thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nguyên nhân chính hạn chế sự sáng tạo của các doanh nghiệp. Để khuyến khích doanh nghiệp phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, Nhà nước cần xây dựng các chính sách hỗ trợ cả về thời gian và kinh phí đào tạo, bồi dưỡng; có chế độ ưu đãi cho kỹ sư và nghiên cứu viên chuyển công tác cùng với việc thực hiện các chương trình hợp tác công – tư về nghiên cứu phát triển. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tăng cường hợp tác, đặt hàng nguồn nhân lực chất lượng cao với các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu, các cơ sở đào tạo quốc tế trong và ngoài nước; tạo điều kiện cho các sinh viên, thực tập sinh thực tập tại các doanh nghiệp để có kinh nghiệm thực tiễn. Các chính sách này góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng cường sự hợp tác giữa các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và các tổ chức khoa học – công nghệ, từ đó thúc đẩy sự phát triển toàn diện của doanh nghiệp, góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế quốc gia.

Ba là, xây dựng thói quen và ý thức đổi mới sáng tạo cho người dân và doanh nghiệp.

Chính phủ cần xây dựng, triển khai các chương trình, chiến dịch nhằm tăng cường ý thức, thói quen, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo cho người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Chính phủ cần xây dựng bộ chỉ tiêu đánh giá toàn diện, bền vững để khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, kịp thời tuyên dương, khen thưởng những doanh nghiệp có thành tích nổi bật trong đổi mới sáng tạo; tạo cơ chế để nhân rộng, chia sẻ các mô hình, kinh nghiệm thành công trong đổi mới sáng tạo. Đối với các doanh nghiệp, cần vượt qua tư duy ngại thay đổi trong văn hóa tổ chức, phải tự tạo động lực nội sinh, khuyến khích sự sáng tạo và xây dựng môi trường linh hoạt để thích nghi với biến động của thị trường. Từ đó, rèn luyện tính chủ động và sáng tạo, không ngại thử nghiệm, sẵn sàng chấp nhận rủi ro, học hỏi kinh nghiệm từ những thất bại.

Bốn là, tăng cường hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm đổi mới sáng tạo với các doanh nghiệp nước ngoài.

Hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm với các doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo rất quan trọng, giúp doanh nghiệp Việt Nam học hỏi và áp dụng những kinh nghiệm tốt nhất từ các quốc gia có nền kinh tế phát triển. Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế mang lại cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam trong tư vấn chiến lược để điều chỉnh hoặc cải thiện hoạt động, giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn nhân lực chất lượng cao, kiến tạo một hệ thống đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh toàn diện của hệ thống doanh nghiệp nội địa. Vì vậy, trong thời gian tới, Chính phủ và các doanh nghiệp cần xây dựng, triển khai các chính sách, kế hoạch thúc đẩy quá trình hội nhập, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo; xem đây là một yếu tố then chốt để khai thác tiềm năng của Việt Nam và tận dụng nguồn lực quốc tế một cách tối ưu nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. 

Kết luận 

Đổi mới sáng tạo là yêu cầu quan trọng trong qua trình phát triển doanh nghiệp. Trong bối cảnh hệ sinh thái đổi mới sáng tạo vẫn còn yếu và chưa hoàn thiện, để giải quyết khó khăn này, Chính phủ và doanh nghiệp cần có tư duy chiến lược, lựa chọn mô hình đổi mới phù hợp với doanh nghiệp, kết nối với môi trường khoa học – công nghệ, tham gia vào hệ sinh thái đổi mới nhằm đáp ứng nhanh chóng nhu cầu của khách hàng, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và góp phần đưa Việt Nam trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo trong khu vực và trên thế giới. 

quanlynhanuoc.vn (lttsuong)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ