SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Định vị thương hiệu Cam Bảo Phương bằng những sản phẩm tinh hoa nhất

[08/03/2025 09:34]

Cam Bảo Phương đạt tiêu chuẩn VietGAP về sản phẩm sạch, được cấp tem nhãn chứng nhận thương hiệu Cam Vũ Quang, có chỉ dẫn địa lý. Đặc biệt, cam của Trang trại Bảo Phương đã đạt sản phẩm OCOP 3 sao và đủ điều kiện đạt OCOP 4 sao, chờ được cấp chứng nhận trong năm 2025.

Nhiều năm gắn bó với cây cam, hiểu cây cam, tôi thấy rằng, trong những vườn cam bát ngát sắc màu, chỉ có khoảng 10% số quả cam được tích tụ sương gió, có vẻ ngoài đẹp và ngon đặc biệt. Đây chính là dòng sản phẩm được Cam Bảo Phương xác định sẽ định hình thương hiệu trong tâm trí người tiêu dùng”, anh Đoàn Ngọc Bảo, Tổ hợp tác trồng cam xã Hương Thọ - huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh đã chia sẻ tâm tư như vậy với chúng tôi về hành trình xây dựng thương hiệu OCOP cho trái cam Bảo Phương.

“Có sức người, sỏi đá cũng thành… cam”!

Giống như tôi, có lẽ rất nhiều người sẽ có cảm tình với anh Đoàn Ngọc Bảo (sinh năm 1990) ngay lần đầu gặp mặt khi nghe chàng trai có đôi mắt rất sáng và giọng nói hiền lành này nói về niềm đam mê với cây cam, với đồng đất quê nhà.

Đồi cam 2.000 gốc trồng trên diện tích rộng 6ha của anh Đoàn Ngọc Bảo hiện nằm ở xã Quang Thọ, huyện Vũ Quang. Huyện vùng cao nằm vắt vẻo trên dãy Trường Sơn nên khí hậu nơi đây giao thoa giữa tính chất nhiệt đới nắng lắm, mưa nhiều của miền nam và cái rét cắt da thịt của mùa đông miền bắc. Địa phương này còn có thổ nhưỡng giàu dinh dưỡng, khoáng chất, thích hợp để phát triển cây ăn quả.

Dù hiện tại đã được nhiều người biết đến với thương hiệu cam Bảo Phương - sản phẩm đạt OCOP 3 sao và đang chuẩn bị được cấp chứng nhận OCOP 4 sao, nhưng nhìn về hành trình những ngày đầu khởi nghiệp của anh thì không hề dễ dàng.

Sinh ra trong gia đình thuần nông ở xã Hương Thọ, chàng trai Đoàn Ngọc Bảo đã nỗ lực học tập và thi đậu vào Đại học Tây Nguyên, Khoa nông lâm, chuyên ngành quản lý đất. Sau 4 năm học tập, Bảo tốt nghiệp, về đầu quân tại Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Nông. Môi trường công tác ổn định, công việc phù hợp trình độ chuyên môn, bản thân lại là người siêng năng, cầu tiến, những tưởng đã hội tụ mọi điều kiện mơ ước của một chàng trai trẻ để khởi đầu sự nghiệp.

Thế nhưng, lòng yêu quê hương, tình thương bố mẹ ở quê vất vả quanh năm với vườn tược luôn đau đáu trong lòng chàng trai này. Đây cũng là điều khiến Bảo không hề cảm thấy hạnh phúc với công việc ở một nơi xa quê. Do đó, đến năm 2012, anh bắt đầu thuyết phục bố mẹ cho trở về quê khởi nghiệp.

“Ban đầu, bố mẹ tôi sốc, mọi người trong gia đình cũng sốc vì không hiểu tại sao tôi lại từ bỏ công việc “mưa không đến mặt nắng không đến đầu” để về quê làm nông, chính vì thế, mọi người đều phản đối. Sau đó, khi chứng kiến sự đổi thay nhanh chóng, thấy thanh niên địa phương khởi nghiệp làm kinh tế được hỗ trợ bởi nhiều chính sách, cơ chế, đặc biệt là Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình OCOP, cùng với sự kiên trì thuyết phục của tôi, 3 năm sau, bố mẹ tôi đã đồng ý”, anh Đoàn Ngọc Bảo chia sẻ.

Những ngày đầu trở về quê, lòng đầy nhiệt huyết nhưng cũng nhiều trăn trở, Bảo lao vào tìm kiếm mọi nguồn kiến thức trồng cam trong sách báo, qua mạng internet, học hỏi từ các mô hình đã thành công trong và ngoài địa bàn. Cộng với những kiến thức đã học được từ nhà trường, cùng với những kinh nghiệm nhất định từ bố - người đã dành cả cuộc đời gắn bó với cây cam Xã Đoài xứ Nghệ, Đoàn Ngọc Bảo bắt tay vào làm việc.

Những năm đầu chưa có vốn, Bảo may mắn nhận được khoản vay và sự hỗ trợ rất nhiệt tình của gia đình và tận dụng tối đa chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn của tỉnh, huyện và sự quan tâm của xã, của tổ chức Đoàn thanh niên các cấp, trong đó có chương trình OCOP nên rất thuận tiện về vấn đề huy động vốn vay để xây dựng mô hình.

“Phải giữ đất sạch để cho các thế hệ về sau”

Sau quá trình tìm tòi phát triển, Bảo quyết định chọn hướng đi riêng cho cây cam là sản xuất sạch, hoàn toàn hữu cơ. Bảo trăn trở: “Tôi không nỗ lực làm giàu bằng mọi giá mà luôn có suy nghĩ phải sản xuất sao cho thuận tự nhiên, làm sao để cây cam tích tụ được tinh hoa từ đất trời mà lớn lên, ươm mật… Tôi cho rằng đây cũng là hướng đi bắt buộc để duy trì sản xuất lâu dài, cũng là để cho các thế hệ sau có thể tiếp tục trồng trọt, sản xuất nông nghiệp sạch trên đồng đất quê nhà”, anh Đoàn Ngọc Bảo chia sẻ.

Bảo đã kiên trì trồng cam theo phương pháp sinh thái hữu cơ, bảo đảm tiêu chuẩn khắt khe về sản phẩm sạch.

Nghĩ là làm, Bảo đã kiên trì trồng cam theo phương pháp sinh thái hữu cơ, bảo đảm tiêu chuẩn khắt khe về sản phẩm sạch. Anh không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; hạn chế tối đa việc sử dụng phân bón hóa học, chỉ sử dụng phân bón vi sinh hữu cơ, phân chuồng hoai mục ủ men vi sinh; sử dụng phân bón từ đậu tương, đạm cá… Anh cũng tự chế ra dung dịch được làm từ ớt cay, gừng, rượu, tỏi, quả bồ hòn ngâm trong vòng 1 tháng thay cho thuốc hóa học nhằm phun phòng ngừa sâu bệnh cho cam. Anh còn dùng bao bọc quả, sử dụng hệ thống đèn led để chống côn trùng gây hại. Bảo cũng dùng cách "lấy độc trị độc", nuôi hàng vạn con kiến vàng trên cây cam làm thiên địch diệt các loại sâu bọ như bọ xít, rầy mềm, các loại sâu, rệp sáp, kiến hôi và nhện…

Bên cạnh đó, học được kiến thức từ Viện Nông nghiệp, Bảo pha dung dịch trứng gà và sữa tươi không đường để bón cho cây qua đường lá, giúp cây cam phát triển mạnh hơn.

Đặc biệt, xác định trồng trọt thuận tự nhiên, Bảo không chủ trương diệt cỏ mà giữ cỏ lại để tạo hệ sinh thái cho cây cam. “Cỏ cũng là bạn, giúp cây mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông, chống xói lở khi mưa bão. Cỏ cũng giúp đất xốp hơn, giúp rễ cây vươn sâu vào lòng đất để hút chất dinh dưỡng”, Đoàn Ngọc Bảo bộc bạch.

Tỉ mẩn như vậy, nhưng Bảo chia sẻ, làm nông nghiệp hữu cơ như vậy chỉ mất công chứ không tốn kém. “Chăm sóc cây nhỏ như chăm sóc trẻ con, phải kiên trì, chăm chút từng bước bằng cả trái tim để có được từng cây cam khỏe mạnh, cho hiệu quả năng suất cao. Quan trọng hơn là về lâu dài, cây sẽ tự hút chất dinh dưỡng từ lòng đất để lớn. Cây lớn, đất được giữ sạch, người trồng cũng không bị ảnh hưởng bởi chất độc từ các loại thuốc hóa học”, anh Bảo chia sẻ.

Nhờ hướng đi đúng đắn, anh Bảo đã thu được thành quả với gần 2.000 gốc cam. Riêng năm 2024, vườn cam của anh dự kiến cho thu hoạch trên 30 tấn, xuất đi thị trường trong và ngoài tỉnh như Nghệ An, Huế, Đà Nẵng, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Cam được trồng tại vườn đồi của anh Bảo được khách hàng ưa chuộng vì hương vị ngọt thanh, tép cam giòn, phảng phất mùi mật ong dìu dịu. Đặc biệt, mô hình trồng cam hữu cơ của anh Đoàn Ngọc Bảo đã trở thành điểm du lịch được nhiều du khách ưa chuộng mỗi khi đến Hà Tĩnh.

Xây dựng thương hiệu từ những sản phẩm tinh hoa nhất

Xác định rõ đường đi, nước bước như vậy, song song với việc tổ chức sản xuất, Đoàn Ngọc Bảo chú trọng xây dựng bộ nhận diện thương hiệu riêng cho sản phẩm cam của mình, tận dụng lợi thế mạng xã hội để quảng bá thương hiệu cam.

Đặc biệt, không chỉ sản xuất đại trà, Đoàn Ngọc Bảo còn xác định rất rõ từng phân khúc cho sản phẩm của mình. Anh kể, cam Bảo Phương được chia rõ ràng thành 3 loại, loại thứ nhất là Phổ Thông, để bán cho tất cả mọi người có nhu cầu thưởng thức. Loại thứ hai là loại Cao Cấp, là những trái cam được lựa chọn chỉn chu, được dán tem nhãn, đóng gói để bán cho khách hàng đặt riêng làm quà. Loại thứ ba là Tinh Hoa, là loại quả được xác định để xây dựng thương hiệu cho cam Bảo Phương.

Anh Đoàn Ngọc Bảo kể: “Sau hơn 10 năm “ăn ngủ” với cây cam, tôi phát hiện ra rằng mỗi mùa thu hoạch, sẽ có những trái cam vô cùng đặc biệt, màu đỏ au đẹp mắt, thơm, ngọt đậm đà, ai ăn cũng sẽ nhớ mãi. Dường như tích tụ tinh hoa từ đất trời, những trái cam này có sự phát triển đột biến cả về chất lượng và mẫu mã. Tuy nhiên, sản lượng loại cam này vô cùng ít ỏi, chỉ khoảng 10% tổng sản lượng cam. Những trái cam này thuộc loại Tinh Hoa, được lựa chọn kỹ càng và chỉ dành riêng cho các khách hàng cao cấp, phải đặt trước và sẵn sàng chi tiền để sử dụng”.

Với các loại cam thường, hiện nay được bán với giá 45.000 đồng/kg tại vườn; loại cao cấp có giá khoảng 68.000-69.000 đồng/kg. Riêng loại tinh hoa có giá bán lên đến 120.000 đồng/kg và luôn trong tình trạng “cháy hàng”. Rất nhiều khách hàng sau khi thưởng thức đã quay lại đặt riêng sản phẩm này để sử dụng, nhưng nhiều khi không có hàng để bán.

Từ thực tế của du khách, anh Đoàn Ngọc Bảo đang trên hành trình xây dựng mô hình “cây cam nhà tôi” - là những cây cam được khách hàng đặt riêng từ mùa trước. Đây cũng là một bước quan trọng trong hành trình định vị thương hiệu cam Bảo Phương trong tâm trí khách hàng.

Không những thế, mỗi năm Bảo còn cần mẫn thực hiện chiết, ghép cam để bán cây giống, giúp bà con có nguồn giống uy tín. Mỗi năm Bảo bán ra hàng nghìn gốc cam giống. Đến nay, Bảo đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng cho cây giống, phân bón, kỹ thuật, cải tạo đất, nhân công, kết hợp xen canh cây trồng, đào ao nuôi cá để tận dụng triệt để hiệu quả từ quỹ đất. Không phụ tấm lòng và công sức của ông chủ trẻ, vườn cam của Bảo cho thu nhập trên lên đến 1,2 tỷ đồng/năm.

Hiện, Cam Bảo Phương đạt tiêu chuẩn VietGAP về sản phẩm sạch, được cấp tem nhãn chứng nhận thương hiệu Cam Vũ Quang, có chỉ dẫn địa lý; được người tiêu dùng ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Hà Nội, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế,… đón nhận, tiêu thụ. Đặc biệt, cam của Trang trại Bảo Phương đã đạt sản phẩm OCOP 3 sao và đủ điều kiện đạt OCOP 4 sao, chờ được cấp chứng nhận trong năm 2025. Đây là điều kiện thuận lợi giúp Bảo đẩy nhanh những dự định đang ấp ủ.

Sau nhiều năm gắn bó với cây cam, giờ chàng kỹ sư nông nghiệp xứ Nghệ đã thu “trái ngọt” từ đồng đất quê nhà với doanh thu lên cao. Trừ các khoản chi phí, chủ vườn tính có thể thu lãi 400 triệu đồng mỗi năm, tạo công ăn việc làm cho 10 lao động thời vụ và 10 lao động thường xuyên. Quan trọng hơn, anh có thời gian chăm sóc cho gia đình, cho cha mẹ. Quyết định liều lĩnh năm nào đã được chứng minh là đúng đắn khi những giọt mồ hôi đổ xuống để đổi lại kết quả ngọt ngào.

Bảo bộc bạch: “Chị có biết vì sao tôi đặt tên cam là Bảo Phương không? Nó không đơn giản chỉ là tên ghép của hai vợ chồng - người vợ đã vất vả cùng tôi khai hoang, chuyển đổi rừng trồng nguyên liệu thành vườn cam từ những ngày đầu, mà còn bởi tôi luôn xác định phương hướng duy nhất của mình là sản xuất ra những trái cam tinh hoa, chất lượng và quý giá. Sản phẩm cam Xứ Đoài Hà Tĩnh phải được định vị trên thị trường bằng điều đó”.

nhandan.vn (lttsuong)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ