Trà “5 cực” Shan tuyết Suối Giàng và con đường làm rạng danh trà Việt
Những gốc trà Shan tuyết cổ thụ sừng sững giữa núi rừng Suối Giàng, Yên Bái từ hằng trăm năm nay như tinh hoa của đất trời ban tặng. Việc đưa trà xuống núi, không chỉ đơn giản là để quảng bá một sản vật trời ban, mà còn để Shan tuyết làm rạng danh trà Việt, là đại sứ ẩm thực kể câu chuyện văn hoá Việt, và trở thành “quốc bảo” của người Việt. Con đường ấy chẳng dễ để đi, nhưng chắc hẳn là con đường đầy màu sắc dành cho những người yêu và tự hào về trà Việt và văn hóa Việt Nam.
Từ lá cây vùng sơn cước…
Nếu có dịp lên Suối Giàng, Yên Bái - nơi được mệnh danh là "Đệ nhất kỳ quan trà Việt Nam”, sẽ thật đáng tiếc nếu chúng ta không ghé thăm Không gian văn hóa trà Suối Giàng để nghe anh Đào Đức Hiếu, Giám đốc HTX Hệ sinh thái du lịch Suối Giàng kể chuyện về trà Shan tuyết cổ thụ.
Chậm dãi rót chén trà nóng hổi, anh Hiếu rành rọt kể: “Trà Shan tuyết Suối Giàng xưa nay được xếp đầu bảng trong các loại trà và được gọi là trà “năm cực”, tức là: “cực khổ” khi trồng và thu hái; “cực sạch” do điều kiện khí hậu tự nhiên hoang dã; “cực hiếm” vì sản lượng ít; “cực ngon” bởi có hương thơm, vị đậm đặc trưng và “cực đắt” vì 4 cực nói trên”.
Giải thích thêm về điều này, anh cho biết, nằm ở độ cao 1300m-1400m so với mực nước biển, Suối Giàng có khí hậu quanh năm mát mẻ, trong lành, bao phủ bởi mây mù. Khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây đã tạo ra một thứ trà đặc biệt, nổi tiếng từ lâu, là trà Shan tuyết. Nơi đây cũng là một vùng đầy tài nguyên, có đá ngọc bích, có văn hóa Mông thấm đẫm bản sắc, có không khí sạch và đặc biệt là có đến 10.000 gốc trà Shan tuyết cổ thụ, trong đó có 400 gốc trà là cây di sản Việt Nam.
Trà Suối Giàng mọc tự nhiên trong rừng, sống bằng hơi đất, hơi sương, bằng linh khí của đất trời. Mặc dù Suối Giàng không phải là nơi duy nhất có những cây trà cổ thụ, nhưng xét về cả số lượng lẫn tuổi đời thì không đâu sánh được.
Trà Shan tuyết Suối Giàng được hái trên núi cao, rất khó khăn; lá trà khi hái có lớp lông mướt trắng ở đọt trà, sau khi sao khô thì lớp lông mao này vẫn bám chặt vào thành lá và tạo nên màu trắng như tuyết trên cánh trà và đặc biệt hơn khi pha loại trà này sẽ cho ra nước màu trắng và trong, bởi vậy được gọi là Shan tuyết.
Trà được hái chọn lọc từ búp trà 1 tôm và 1 lá non liền kề của cây trà cổ thụ có độ tuổi trên 300 năm tuổi tại Suối Giàng, Văn Chấn, Yên Bái chính gốc, là trà rừng tự nhiên được người dân thuần hóa và thu hoạch.
Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Đặng Huy Huỳnh – Nguyên Phó Chủ tịch Trung ương Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam từng khẳng định: "Trà Suối Giàng có sự chăm sóc đặc biệt của cộng đồng, dân cư trong vùng; do đó, quần thể trà cổ thụ hiện nay được đánh giá rất cao về giá trị nguồn gene, giá trị du lịch, giá trị tâm linh; trong đó, có giá trị bản sắc văn hóa, nhất là kiến thức bản địa của đồng bào Mông đã gìn giữ cho đến hôm nay”.
Bà con Suối Giàng không ai rõ, cây trà ở đây xuất hiện từ bao giờ. Chỉ biết rằng, từ khi sinh ra, những gốc trà xù xì, to bằng hai người ôm với những tán lá xum xuê đã ở đó, gắn bó với tuổi thơ, với bao nếp sinh hoạt và đời sống của người dân. Từ những năm 1960, các nhà nghiên cứu về trà ở Việt Nam và thế giới đã xác định có khoảng 80.000 cây trà Shan Tuyết có tuổi đời trên 200 năm, nhiều cây lên tới 300 năm tuổi. Loại trà trên 100 năm thì nhiều vô kể. Diện tích rừng trà Suối Giàng bao phủ khoảng 293ha.
Một viện sĩ người Nga đã đi 120 nước trên thế giới nghiên cứu về các vùng trà cổ thụ và khi đến đỉnh núi Suối Giàng, ông nhận định rằng có lẽ đây mới là thủy tổ của trà Shan tuyết.
Và sẽ không có gì đáng nói, nếu những kiến thức ấy được kể chậm rãi mà rành rọt từ một người đồng bào Mông, hay người dân bản địa – những “chủ nhân” của hàng trăm gốc trà cổ thụ đã gắn liền với đời sống bao thế hệ của họ. Nhưng, tất cả lại được thốt ra từ một chàng trai Hà Nội, một nhà thiết kế nội thất bởi chữ duyên mà lạc tới xứ trà rồi yêu cây trà mà bỏ nghề và gắn bó với con người nơi “Đệ nhất kỳ quan trà Việt”.
Khẽ mỉm cười, anh Hiếu bộc bạch: “Sau 20 năm học trà và nghiên cứu trà ở khoảng 30 quốc gia, tôi thấy rằng trà Việt Nam hoàn toàn có thể có những bước đi xa hơn nữa. Bởi, khác với các sản phẩm nông nghiệp khác, trà sau khi hái sẽ lại mọc, những cây cổ thụ 300 năm, 500 năm và 800 năm tuổi không phải trồng mà hoàn toàn thiên nhiên, là tinh hoa của đất trời ban tặng. Vì vậy, là thế hệ trẻ, chúng ta phải có trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn và đấy cũng là điều thôi thúc tôi rời Hà Nội lên núi để bắt đầu với trà cổ thụ”.
...đến vị trí đầu bảng menu trà của khách sạn 5 sao
Cùng bà con dân tộc Mông thu hoạch và bảo tồn cây trà, anh Đào Đức Hiếu còn mong muốn đưa trà Shan tuyết xuống núi, thậm chí đến với bạn bè quốc tế.
Anh tâm sự: “Mục tiêu của tôi là đưa trà cổ thụ Suối Giàng trở thành “quốc bảo” của Việt Nam. Mà muốn trở thành “quốc bảo” thì trước tiên trà cổ thụ phải được xem là “tỉnh bảo”, “huyện bảo” và thậm chí là “xã bảo”, nghĩa là chính quyền với người dân ở đây phải biết quý cây trà cổ trước, chứ không phải cần làm nhà, sửa bếp thì họ sẵn sàng chặt cây đi. Họ phải biết cách pha trà, dâng trà và làm dịch vụ mời chào tiếp đãi khách. Họ cũng phải biết làm trà thế nào để bán với giá gấp mười lần giá đang bán.”
Con đường trở thành “huyện bảo” bắt đầu bằng việc chinh phục Chứng nhận OCOP. Hợp tác xã Hệ sinh thái du lịch Suối Giàng luôn chú trọng vào khâu sản xuất, đẩy mạnh áp dụng biện pháp kỹ thuật, đổi mới thiết bị, công nghệ chế biến, nhằm nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, tăng tỷ lệ sản phẩm trà xanh, trà đặc sản, trà hữu cơ. Nhờ đó, năm 2006, trà Shan tuyết Suối Giàng được Hiệp hội Trà Việt Nam vinh danh “Thương hiệu trà Việt”. Năm 2012, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu “Trà Suối Giàng - Yên Bái”. Tiếp đó là chứng nhận nguồn gốc hữu cơ quốc tế, chứng nhận OCOP 4 sao đối với 4 loại trà đặc biệt gồm: Đại lão Vương trà - Hoàng trà Suối Giàng, Đại lão Vương trà - Hồng trà Suối Giàng, Đại lão Vương trà - Bạch trà Suối Giàng, Đại lão Vương trà - Diệp trà Suối Giàng.
Nhớ lại hành trình ấy, anh Hiếu chia sẻ: “Để đạt được chứng nhận OCOP, các sản phẩm phải đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Việc này đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Tôi đã cùng với chính quyền địa phương, các tổ chức phi chính phủ và các doanh nghiệp xây dựng một chuỗi giá trị sản phẩm hoàn chỉnh, từ khâu thu hái đến chế biến, đóng gói và tiêu thụ. Sự hợp tác chặt chẽ này đã giúp trà Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng ngày càng khẳng định được vị thế của mình trên thị trường”.
Có được chứng nhận OCOP, cánh cửa bước vào thị trường cao cấp hơn cũng mở ra với trà Shan tuyết.
Nhắc lại hành trình đưa trà vào Khách sạn Sofitel Legend Metropole Hanoi, anh Hiếu kể, năm 2020, một lần tới Metropole anh phát hiện ra trà Việt không có tên trong menu đồ uống của khách sạn, dù toạ lạc ngay giữa Thủ đô. Dò hỏi anh biết được lý do là bởi “Trà Việt Nam không đủ tiêu chuẩn”. Trước đó cũng có trà sen Hồ Tây, nhưng lại được ghi “Make in Indian”. Lòng tự hào dân tộc trong anh dường như đã thôi thúc anh phải đưa cho được trà Việt hiện diện đầy trang trọng, vinh quang trên tấm menu của khách sạn này. Theo đó, anh đã hỏi những tiêu chuẩn để trà Shan tuyết được đưa vào menu rồi quyết tâm làm cho bằng được.
Mang theo những minh chứng cho thấy trà Shan tuyết Suối Giàng đạt tiêu chuẩn của Pháp, anh Hiếu thuyết phục lãnh đạo Metropole: “Tôi muốn giúp khách hàng của Metropole được trải nghiệm tinh hoa trà Việt, một phẩm trà có thể giúp chăm sóc sức khỏe của con người, một niềm tự hào quốc gia của chúng tôi”.
Tuy nhiên, vừa thuyết phục lãnh đạo khách sạn, anh đồng thời đưa ra 3 điều kiện như một cách để vinh danh trà và bảo vệ trà: “Trà của tôi phải ở trang đầu tiên của menu trà, giữ nguyên tên Suối Giàng; một tách trà phải có giá cao nhất trong bảng trà vì đó là trà cổ thụ, dòng Shan tuyết, phẩm trà cao nhất theo đánh giá trên thế giới; và trong menu phải kể câu chuyện về vùng trà của tôi”.
Trà Shan tuyết Suối Giàng cứ thế chiếm vị trí đầu trang menu trà của khách sạn 5 sao này.

7 tháng sau đó, lãnh đạo khách sạn Metropole đã bị thuyết phục và đồng ý yêu cầu của anh Hiếu. Trà Shan tuyết Suối Giàng cứ thế chiếm vị trí đầu trang menu trà của khách sạn 5 sao này. Và còn hơn thế nữa, Metropole là khách sạn quốc tế thuộc Tập đoàn Accor lừng danh thế giới, nên sản phẩm trà của người Mông ở Suối Giàng cũng đã được hiện diện ở một số khách sạn 5 sao khác thuộc hệ thống Accor như Legacy Yên Tử, Movenpick…, phục vụ cho những du khách có nhu cầu và đòi hỏi cao về thực phẩm.
Mục tiêu lớn là làm cho trà trở thành “quốc bảo”
Thực tế làm thương hiệu, tiêu chuẩn, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, đạt OCOP 4 sao,... anh Hiếu muốn nâng cao hơn nữa giá trị trà Việt, sánh ngang với các trà cực phẩm trên thế giới. Anh đã tập hợp tất cả những nghệ nhân làm trà trong xã và nói với họ rằng, trà Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng sẽ trở thành “quốc bảo” và phải được bán với giá gấp mười lần thậm chí hơn thế nữa so với giá hiện tại. Và muốn bán giá như vậy, mọi người phải thay đổi cách thu hoạch, chế biến, bao bì tiêu chuẩn quốc tế và đăng ký bản quyền, thương hiệu…, đặc biệt nhất phải thu hái chọn lọc, bởi vì nguyên liệu ban đầu quyết định chất lượng sản phẩm.
Việc có ý niệm về thay đổi tư duy sản xuất trà có lẽ đến với anh từ chuyến sang trao đổi giảng viên ở Vân Nam, Trung Quốc. Anh kể: “Đây cũng là nơi tôi bắt đầu học và tìm hiểu về trà cổ thụ. Vân Nam là thủ phủ của trà cổ thụ trên thế giới. Vì mê trà nên sau giờ học, tôi lang thang các vùng trà để học cách làm “tứ đại danh trà”. Ở Vân Nam có một vùng trà cổ thụ cao 1.300 mét, họ làm trà rất đặc biệt với tư duy “tôi đang bán trà do ông nội tôi làm và bây giờ tôi làm trà cho cháu nội tôi bán”. Điều đó giúp tôi nhận ra sự khác biệt với tư duy làm trà của người Việt Nam”.
Không gian văn hóa trà Suối Giàng cũng ra đời từ lúc đó, nhằm khai thác tối đa nét tinh hoa của sản phẩm. Anh mong muốn phát triển giá trị của trà Suối Giàng gắn với xuất khẩu, phát triển du lịch, gia tăng kinh tế, tạo công ăn việc làm cho bà con người Mông. Không gian văn hóa được thiết kế đơn giản, theo đúng bản sắc văn hóa người Mông, đồng thời toát lên đầy đủ nét đẹp và chất của trà Việt.
Không chỉ dừng lại ở một không gian, anh Hiếu còn khéo léo kể câu chuyện văn hóa trà, văn hóa người Việt ẩn sau những họa tiết của bao bì sản phẩm. Đó là lý do mỗi hộp trà Suối Giàng đều có một lá cờ đỏ sao vàng và một dòng chữ là “Teabrand in Vietnam”. Theo cách ấy, trà Suối Giàng gửi đi thông điệp về văn hóa, về những giá trị Việt, trà không chỉ đơn thuần là một sản phẩm nông nghiệp, là một thức uống hằng ngày nữa, mà đó là “quốc bảo” của người Việt, ôm trọn trong mình văn hoá Việt, và trở thành niềm tự hào quốc gia.
Tất cả đã giúp trà Shan tuyết Suối Giàng nhiều lần được lựa chọn là sản vật đặc biệt giới thiệu trên bàn ngoại giao, hay tại các hội nghị quan trọng, như sản phẩm trà Shan tuyết cổ thụ được lựa chọn làm quà tặng Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio; được lựa chọn để tổ chức tiệc trà do Phu nhân Ngô Phương Ly chủ trì đón Phu nhân Tổng thống Guinea-Bissau Dinisia dos Reis Embaló; anh Đào Đức Hiếu cũng được Bộ Ngoại giao lựa chọn là nghệ nhân Việt Nam giao lưu với Hiệp hội trà đạo Nhật Bản,…
Từ năm 2024, anh Hiếu bắt đầu xây dựng một chiến lược mới cho câu chuyện “Con đường của trà Việt”. Những gì làm được ở Suối Giàng chỉ như là bước đầu tiên trong dự án của cuộc đời anh. Mục tiêu lớn của anh Hiếu là làm cho trà trở thành “quốc bảo”. “Tôi xem Suối Giàng như mô hình mẫu để phát triển thương hiệu cho trà cổ thụ ở 9 vùng trà cổ trên cả nước, và sau đó là các vùng trồng trà hữu cơ”, anh nói.
Cũng trong năm 2024, anh Hiếu cùng cộng sự ra mắt thương hiệu trà Shansen, kết hợp trà Shan tuyết với hoa sen tạo thành thương hiệu trà khắc phục được 10 nhược điểm của trà sen truyền thống, có thể khiến người Việt Nam tự hào khi nói chuyện với bạn bè quốc tế.
Anh Đào Đức Hiếu cũng mạnh dạn đề xuất ý tưởng tổ chức Asia Tea Festival tại Việt Nam ngay trong năm 2024 nhằm “kéo cả thế giới về Việt Nam”, cho thế giới biết Việt Nam có những vùng trà cổ thụ tự tin đối đầu với bất cứ đối thủ cạnh tranh nào, và Việt Nam sẵn sàng gia nhập “cuộc chơi 20 tỷ đô” của thị trường trà cổ thụ toàn cầu.