Miến Loan Hảo - Thức quà nhỏ nơi rẻo đất miền trung
Chính thức ra mắt thị trường từ năm 2014, miến dong Loan Hảo đã nhanh chóng khẳng định được uy tín và trở thành một trong những sản phẩm đầu tiên của huyện Vĩnh Linh tham gia vào chương trình OCOP của huyện.
Đến nay, Cơ sở sản xuất miến Loan Hảo (thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) đã cho ra đời nhiều sản phẩm chất lượng, được người tiêu dùng đón nhận.
Nét riêng thương hiệu miến Loan Hảo
Sinh ra và lớn lên ở Thanh Hóa, chị Nguyễn Thị Hảo về làm dâu thôn Hiền Lương, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị và bén duyên với nghề làm miến dong từ đây. Hiền Lương nổi tiếng với nghề làm bún bánh, nhưng nghề này đang dần mai một. Nhận thấy các nguyên liệu lúa gạo và cây trồng luôn sẵn có trong địa phương, lại thêm điều kiện khí hậu rất phù hợp để sản xuất miến, chị Hảo liền thành lập Cơ sở sản xuất miến dong Loan Hảo và bắt đầu nghề làm miến.
Có mặt trên thị trường từ năm 2014, thời gian đầu, mỗi ngày cơ sở của chị Hảo chỉ làm ra 15-20kg miến, người lao động chủ yếu là người trong gia đình.
Với đặc tính không sử dụng các chất phụ gia, chỉ dùng nguồn nguyên liệu là loại gạo do chính người dân thôn Hiền Lương làm ra, sợi miến Loan Hảo giòn, dai, nấu không bị đứt, mùi vị thơm ngon nên được người tiêu dùng yêu thích.
Để có được sợi miến ngon, sạch như vậy, chị Hảo kể, chị phải đặc biệt chú trọng tới việc lựa chọn và xử lý nguyên liệu. Thí dụ như khi rửa gạo phải rửa sạch, cẩn thận nhưng không vo mạnh hạt gạo để giữ lại cám gạo, điều này giúp miến giữ được mùi thơm đặc trưng của gạo... Tay thoăn thoắt phơi miến, chị Hảo không quên giới thiệu: “Và tất nhiên, cái nắng, cái gió nơi dẻo đất miền trung cũng góp thêm hương thơm cho mỗi sợi miến này”.
Không dừng lại ở việc sản xuất sợi miến truyền thống từ gạo, chị Hảo còn phát triển thêm dòng sản phẩm miến ngũ sắc.
Chị kể: “Khi con mình 3 tuổi, bé rất lười ăn rau, nhưng lại thích ăn miến. Với mong muốn con ăn được nhiều rau hơn, bổ sung chất xơ trong bữa ăn hằng ngày, mình đã nghĩ tới việc trộn rau vào sợi miến. Và sợi miến ngũ sắc của cơ sở Loan Hảo ra đời như vậy, từ tình yêu của một người mẹ.”

Chị Nguyễn Thị Hảo và những gói miến ngũ sắc được người tiêu dùng tin dùng.
Miến ngũ sắc được làm từ các nguyên liệu tự nhiên, dễ trồng và có sẵn tại địa phương như bí ngô, khoai lang, hoa đậu biếc và chùm ngây,... Chị Hảo chia sẻ rằng, việc kết hợp các nguyên liệu này không chỉ giúp sợi miến có màu sắc bắt mắt mà còn mang thêm giá trị dinh dưỡng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về thực phẩm sạch và bổ dưỡng.
"Mùa bí ngô, khoai lang, hoa đậu biếc, chùm ngây... bà con trồng nhiều nhưng không có đầu ra, bỏ đi thì tiếc mà dùng thì không hết. Vì vậy, tôi quyết định kết hợp những nguyên liệu này vào sản phẩm miến để vừa giúp bà con có đầu ra cho nông sản, vừa tạo ra một sản phẩm đa dạng và có nhiều màu sắc" chị Hảo cho biết.
Miến ngũ sắc Loan Hảo không chỉ thu hút người tiêu dùng bởi màu sắc đa dạng, hương vị tự nhiên mà ở chất lượng sản phẩm, nhờ vào quy trình sản xuất tỉ mỉ, kết hợp giữa phương pháp gia truyền và máy móc hiện đại. Điều này giúp sản phẩm luôn bảo đảm chất lượng ổn định.
Chị N.T.Hà – một thực khách quen thuộc của miến Loan Hảo chia sẻ: “Miến Loan Hảo ăn thấy ngon. Hơn nữa tôi tin tưởng vì đúng hàng thật, nguyên liệu toàn của bà con trong làng, vừa sạch, vừa bảo đảm, sản xuất có quy trình bảo đảm. Không chỉ ăn hằng ngày, có dịp đi đâu là tôi liền mang theo làm quà cho người thân như niềm tự hào về sản phẩm của làng mình”.
Từ "chán" và "nản" không tồn tại trong đầu mình
Để làm ra các sản phẩm miến ngũ sắc ngon như vậy, chị Hảo phải trải qua một quá trình thử nghiệm không hề đơn giản với biết bao lần thất bại. Chị nhớ lại lần đầu tiên thử nghiệm đưa bí ngô vào miến, miến không ra sợi mà vón thành từng cục vì bí ngô quá dẻo. Mỗi lần thất bại như vậy, chị đều ghi chép cẩn thận tỷ lệ pha trộn nguyên liệu. Dần dần, chị cũng làm ra được sợi miến có được hình dáng và chất lượng như mong muốn.
“Từ nghiên cứu, sản xuất tới kinh doanh, dù thất bại cũng nhiều nhưng hầu như từ "chán" và "nản" không tồn tại trong đầu mình”, chị cười lớn khẳng định.
Bắt tay vào kinh doanh, chị Hảo cũng gặp không ít khó khăn trong việc tiêu thụ các sản phẩm miến mang thương hiệu mới tinh trên thị trường, đặc biệt là khi người tiêu dùng đã và đang quen nhiều loại miến nhập khẩu từ các địa phương khác, bởi vậy để họ đón nhận không phải chuyện dễ dàng.
Thời gian đầu, miến Loan Hảo chỉ có thể tiêu thụ qua hình thức ký gửi tại các cửa hàng, đại lý với số lượng rất ít. Người phụ nữ với vóc dáng bé nhỏ ngày ngày đạp xe khắp thôn dưới làng trên để giới thiệu về sản phẩm của mình và xin được gửi hàng bán với mong muốn có người biết đến và nếm thử là đã vui lắm rồi.
"Ban đầu mình chỉ có 10-20 gói miến để gửi cho các đại lý và tự mình đi khắp các thôn để chào hàng. Nhưng sau một thời gian, họ thử ăn và thấy chất lượng tốt, họ bắt đầu tin tưởng vào sản phẩm của mình và lượng hàng bán được nhiều hơn", chị Hảo nhớ lại.
Cũng theo chị, tuy không phải là sản phẩm mới lạ hay độc đáo trên thị trường, nhưng miến do chị làm đều sử dụng nguồn nguyên liệu sạch của bà con trong thôn, nên cũng chính bà con ủng hộ ăn và tin tưởng, giới thiệu thêm cho nhau.
Khi miến Loan Hảo đã chiếm được lòng tin của khách hàng, sản phẩm bắt đầu được tiêu thụ nhiều hơn, không chỉ trong huyện mà còn mở rộng sang các khu vực lân cận. Năm 2020, miến Loan Hảo tham gia vào Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và được đánh giá 3 sao. Đây là một bước ngoặt quan trọng, giúp sản phẩm Loan Hảo có cơ hội phát triển và tiếp cận rộng rãi hơn với người tiêu dùng.
Không ngừng tìm tòi để tạo ra nhiều sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, bên cạnh miến ngũ sắc, chị Hảo cũng đang nghiên cứu, phát triển và hoàn thiện các sản phẩm mới như miến gạo lứt và miến chuối xanh dành cho người tiểu đường. Chị tâm sự: “Mình hi vọng, sau khi hoàn thiện và được kiểm nghiệm an toàn thực phẩm, sản phẩm này sẽ làm phong phú hơn bữa ăn cho người dân, đặc biệt là người bị tiểu đường nói riêng. Mình sẽ không ngừng nghiên cứu để làm ra đa dạng các loại sản phẩm, vì người dân Quảng Trị nói riêng và người tiêu dùng nói chung.”
Tại hội nghị đánh giá, phân hạng các sản phẩm OCOP đợt 3 năm 2024 của huyện Vĩnh Linh, miến gạo lứt Huyết rồng vinh dự được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Đó là phần thưởng cho những nỗ lực và tâm huyết mà chị Hảo dành cho sản phẩm và khách hàng của mình.
Đến nay, chị Hảo đã mở rộng cơ sở sản xuất miến Loan Hảo lên 150m2, đầu tư thêm 200 triệu đồng để mua máy móc, thiết bị có công suất lớn như máy xay bột cao cấp, máy ép miến, giàn phơi, từng bước hợp lý hóa, đồng bộ quy trình sản xuất. Nhờ đó năng suất ngày càng tăng, sản lượng bình quân đạt 60–70tấn/năm, doanh thu đạt 1,5 tỷ đồng.
Các kênh phân phối của miến Loan Hảo đã phủ rộng khắp các cửa hàng minimart, đại lý, chợ và các cửa hàng thực phẩm sạch,... Thị trường tiêu thụ của miến Loan Hảo cũng đã mở rộng từ Quảng Trị vào đến Quảng Bình.
Mặt khác, cơ sở của chị đã giải quyết việc làm, thu nhập ổn định cho 6 công nhân chính làm hằng ngày và 2-3 công nhân thời vụ, với thu nhập mỗi người từ 5-7 triệu đồng/tháng.
"Thời gian tới, tôi muốn nâng cao chất lượng từ quy trình đầu vào đến quy trình sản xuất cho ra sản phẩm tốt hơn để nâng hạng OCOP cao hơn cho miến ngũ sắc”, chị chia sẻ.