Cà phê Đắk Lắk được công nhận Di sản Văn hóa phi Vật thể Quốc gia
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa chính thức chứng nhận “Tri thức trồng và chế biến càphê Đắk Lắk” là Di sản Văn hóa phi Vật thể Quốc gia (theo Quyết định số 548/QĐ-BVHTTDL ngày 5/3/2025).
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tỉnh Đăk Lăk, ông Lại Đức Đại, cho biết rằng Tỉnh Đăk Lăk, cùng với khu vực Tây Nguyên, đang sở hữu một nguồn tri thức quý giá - “Tri thức trồng và chế biến cà phê."
.jpg)
Ảnh minh họa
Việc chứng nhận "Tri thức trồng và chế biến cà phê" của tỉnh Đăk Lăk là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia không chỉ làm nổi bật giá trị của cà phê mà còn ghi công lao của những người nông dân và người chế biến cà phê đóng góp cho ngành hàng cà phê Việt Nam nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng.
Việc công nhận di sản này này không chỉ nâng cao giá trị của hạt cà phê mà còn giúp cải thiện đời sống của người dân nông thôn, tạo ra thu nhập ổn định và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành cà phê. Tỉnh Đăk Lăk không chỉ là điểm đến du lịch văn hóa mà còn là nơi để du khách khám phá và trải nghiệm các nét đẹp văn hóa bản địa, thưởng thức, trải nghiệm các hoạt động trồng và chế biến cà phê.
“Tri thức trồng và chế biến cà phê” được chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia là niềm vinh dự, tự hào của nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk, càng tự hào và phấn khởi hơn trước thềm Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 9.
“Tri thức trồng và chế biến cà phê Đắk Lắk,” còn được gọi là Nghề trồng cà phê Đắk Lắk, là một hình thức tri thức dân gian và nghề thủ công truyền thống. Tri thức này hiện diện ở hầu hết các huyện trong tỉnh, địa bàn tỉnh, trong đó tập trung chủ yếu tại thành phố Buôn Ma Thuột, các huyện Cư M’gar, Krông Pắk, Ea H’leo, Cư Kuin và thị xã Buôn Hồ.
Những cá nhân và gia đình nắm giữ tri thức trồng và chế biến cà phê là chủ thể văn hóa của di sản này. Tri thức này được truyền lại qua nhiều thế hệ trong gia đình và cộng đồng, bao gồm các dân tộc bản địa như Ê Đê, M’Nông, cũng như những người nhập cư từ những năm 50 của thế kỷ 20, những người đã đến đây và bắt đầu trồng cà phê.
Không gian văn hóa của di sản này bao gồm các khu vực trồng cà phê, chế biến cà phê và thực hành các nghi lễ, tín ngưỡng liên quan đến cây cà phê. Vườn cà phê, hay còn gọi là rẫy cà phê, chính là không gian thực hành, nơi thể hiện tri thức trồng và chế biến cà phê của cộng đồng. Những vườn cà phê này là tài sản vô giá được lưu truyền qua các thế hệ trong các gia đình.
Hiện nay, Đắk Lắk được mệnh danh là “thủ phủ cà phê của Việt Nam” nhờ diện tích và sản lượng cà phê dẫn đầu cả nước. Cà phê là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm xã hội và kim ngạch xuất khẩu hàng năm, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của đại đa số người dân.
Với diện tích cà phê lên đến 212.106 ha và sản lượng đạt hơn 535.672 tấn mỗi năm, cây cà phê không chỉ có giá trị kinh tế, xã hội mà còn là một phần không thể thiếu trong nền văn hóa du lịch của tỉnh. Sự phát triển ngành cà phê kết hợp với du lịch sinh thái và văn hóa địa phương đã thu hút ngày càng nhiều du khách đến tham quan.
Tỉnh Đắk Lắk hiện có hơn 200 cơ sở chế biến cà phê, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, với phương pháp chế biến khô là chủ yếu.