Bài viết đề cập tới một số vấn đề chung liên quan đến khái niệm văn hóa sở hữu trí tuệ Việt Nam.

Ảnh minh họa
Văn hóa sở hữu trí tuệ là tổng hòa các hiện tượng tinh thần có được từ các hoạt động của con người trong các vấn đề có liên quan đến Sở hữu trí tuệ. Khái niệm này chủ yếu đề cập đến nhận thức, thái độ, lòng tin, giá trị quan của con người đối với các vấn đề sở hữu trí tuệ và cách thức ứng xử liên quan đến các vấn đề sở hữu trí tuệ.
Sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0 đang thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ về thành công. Người trẻ không chỉ thụ hưởng thành quả trí tuệ từ thế hệ trước, mà còn trực tiếp tham gia, thiết lập quá trình phát triển của xã hội. Ước mơ của tuổi trẻ về khoa học, công nghệ và nghệ thuật, cũng như nỗ lực của họ để biến những ước mơ đó thành hiện thực, là khởi nguồn để tạo ra những đổi mới. Do đó, việc giáo dục, phổ biến và nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ cần được thực hiện theo hướng khuyến khích tạo ra tài sản trí tuệ mới, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và tạo dựng văn hóa sở hữu trí tuệ.
Để hình thành và phát triển văn hóa sở hữu trí tuệ tại Việt Nam, từ kinh nghiệm của các nước đi trước cho thấy cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Một là xác định rõ mối quan hệ giữa sở hữu trí tuệ và văn hóa sở hữu trí tuệ. Nếu coi sở hữu trí tuệ là một loại sự vật, hiện tượng, thì văn hóa sở hữu trí tuệ là môi trường bên ngoài tác động tới sự phát triển của sự vật, hiện tượng đó, tức là mối quan hệ giữa sở hữu trí tuệ với văn hóa sở hữu trí tuệ là mối quan hệ giữa hiện tượng cụ thể với môi trường bên ngoài của nó.
- Hai là sự phát triển của văn hóa Sở hữu trí tuệ cần có một môi trường tốt. Văn hóa sở hữu trí tuệ một mặt là môi trường bên ngoài của sở hữu trí tuệ, một mặt lại nằm trong sự bao trùm của văn hóa nói chung (ví dụ như văn hóa xã hội). Vì vậy, văn hóa Sở hữu trí tuệ tốt không chỉ được quyết định bởi bản thân hệ thống sở hữu trí tuệ mà còn bởi môi trường văn hóa của tất cả các lĩnh vực xã hội nói chung.
- Ba là xây dựng văn hóa sở hữu trí tuệ cần trải qua một tiến trình lâu dài. Điều này được quyết định bởi đặc tính tập quán của văn hóa, sự hình thành một nền văn hóa không thể một sớm một chiều là có. Vì vậy không thể hy vọng trong một thời gian ngắn dựa vào các mệnh lệnh hành chính, biện pháp cưỡng chế, chủ nghĩa hình thức… mà có thể tạo dựng thành công một nền văn hóa sở hữu trí tuệ.