SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Phiên họp lần thứ 24 Ủy ban Thường trực về quyền tác giả và quyền liên quan của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO)

[08/08/2012 15:14]

Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã triệu tập Phiên họp lần thứ 24 Uỷ ban Thường trực về quyền tác giả và quyền liên quan (SCCR 24) từ ngày 16 đến ngày 25 tháng Bảy năm 2012 tại Geneva, Thụy Sỹ. Đại sứ Darlington Mwape (Zambia) được bầu làm Chủ tịch Phiên họp này. Tham dự Phiên họp SCCR 24 có đại diện các quốc gia thành viên WIPO, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ và các quan sát viên.

Việt Nam tham dự Phiên họp SCCR 24 với tư cách Thành viên Ủy ban Thường trực về quyền tác giả và quyền liên quan nhiệm kỳ 2011-2013.

Trong không khí lạc quan nhân sự kiện Hội nghị ngoại giao tại Bắc Kinh vào đầu tháng 6 năm 2012 vừa thông qua Hiệp ước của WIPO về cuộc biểu diễn nghe nhìn, Phiên họp SCCR 24 đã tích cực tập trung thảo luận các cụm vấn đề được nêu ra từ nhiều năm qua:

Dự thảo Hiệp định về các giới hạn và ngoại lệ

 Phiên họp đã thảo luận và ghi nhận các tài liệu mới về các giới hạn và ngoại lệ liên quan đến giáo dục, giảng dạy và nghiên cứu do các nước Ecuador, Peru, Uraguay đề xuất và kiến nghị của Brazil về giới hạn và ngoại lệ quyền tác giả vì lợi ích của các cơ sở giáo dục, đào tạo và nghiên cứu, bổ sung cho tài liệu từ Phiên họp SCCR 22 Dự thảo hiệp ước WIPO về ngoại lệ và giới hạn đối với người khuyết tật, các tổ chức giáo dục và nghiên cứu, các thư viện và cơ quan lưu trữ do nhóm các nước Châu Phi đề xuất.

 Diễn biến Phiên họp cho thấy còn tồn tại bất đồng quan điểm về cấu trúc tài liệu và lời văn. Phiên họp nhất trí cấu trúc lại tài liệu với tiêu đề “Tài liệu làm việc tạm thời, bao gồm các ý kiến bình luận đề xuất lời văn, hướng tới một công cụ pháp lý quốc tế về các giới hạn và ngoại lệ đối với các tổ chức giáo dục, giảng dạy và nghiên cứu; và đối với người khuyết tật” Các nội dung chưa thống nhất sẽ được thảo luận tại phiên họp tiếp theo của SCCR.

 “Tài liệu làm việc, bao gồm các ý kiến bình luận và đề xuất lời văn hướng tới một công cụ pháp lý thích hợp về các giới hạn và ngoại lệ đối với các thư viện và các cơ quan lưu trữ” cũng đã được nhất trí thông qua. SCCR đã đề nghị Đại hội đồng WIPO cho phép tiếp tục thảo luận trong Phiên họp tới để hướng tới một công cụ pháp lý quốc tế thích hợp với mục tiêu trình các khuyến nghị của SCCR/23/8 tại Đại hội đồng WIPO về giới hạn và ngoại lệ quyền dành cho thư viện và lưu trữ.

 Phiên họp cũng đã thảo luận và thông qua tài liệu về các giới hạn và ngoại lệ đối với người khiếm thị. Phiên họp đã ghi nhận những tiến bộ đạt được về nội dung của Dự thảo công cụ pháp lý quốc tế về các giới hạn và ngoại lệ đối với người khiếm thị, đồng thời nêu rõ còn nhiều việc phải làm liên quan đến các quy định về nội dung và trách nhiệm của SCCR trong việc giải quyết các vấn đề còn vướng mắc tại Phiên họp tiếp theo. Phiên họp SCCR 24 nhất trí đề xuất Đại hội đồng WIPO năm 2012:

Tổ chức Phiên họp SCCR lâm thời tại Geneva trong khoảng thời gian giữa Đại hội đồng WIPO 2012 và Phiên họp SCCR 25, theo đó, WIPO sẽ tài trợ cho chuyên gia các nước đang phát triển tham dự Hội nghị;

Nội dung về các giới hạn và ngoại lệ đối với người khiếm thị sẽ tiếp tục được thảo luận tại Phiên họp SCCR 25 với mục tiêu thống nhất đẩy nhanh việc xây dựng công cụ pháp lý quốc tế về các giới hạn và ngoại lệ đối với người khiếm thị;

Đại hội đồng sẽ triệu tập một Phiên bất thường vào tháng 12/2012 để xem xét, đánh giá các văn kiện của Phiên họp SCCR 25 và quyết định việc có triệu tập Hội nghị ngoại giao trong năm 2013 hay không;

Phiên họp yêu cầu Ban thư ký xem xét khả năng tài trợ cho các nước đang phát triển cử chuyên gia tham dự Phiên họp bất thường này của Đại hội đồng.

Dự thảo Hiệp định về bảo hộ các Tổ chức phát sóng

SCCR khẳng định cam kết tiếp tục nỗ lực xây dựng một Hiệp ước về bảo hộ các Tổ chức phát sóng dựa trên “Tài liệu làm việc nhằm xây dựng một Hiệp ước về bảo hộ các Tổ chức phát sóng”. Tài liệu này sẽ được tiếp tục thảo luận tại Phiên họp tiếp theo.

SCCR nhất trí kiến nghị Đại hội đồng WIPO 2012 về việc tiếp tục nỗ lực hướng tới xây dựng một văn kiện làm cơ sở để quyết định có triệu tập một Hội nghị ngoại giao vào năm 2014 hay không.

Ngoài ra, Phiên họp lần này cũng ghi nhận những đóng góp của SCCR vào Chương trình Nghị sự phát triển của WIPO. Phiên họp đã phân tích, đánh giá các hoạt động của SCCR nhằm góp phần triển khai Chương trình Nghị sự phát triển của WIPO, bao gồm các hoạt động, các dự án hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng năng lực dành cho các nước đang phát triển và các nước chậm phát triển. Tất cả các ý kiến phát biểu liên quan đến nội dung này được ghi nhận và sẽ thể hiện trong báo cáo của Phiên họp, đưa vào phần liên quan đến Chương trình Nghị sự phát triển của WIPO và trình lên Đại hội đồng WIPO 2012.

Mặc dù còn có những bất đồng quan điểm chưa thể vượt qua giữa các nước phát triển (đại diện là Hoa Kỳ và EU) và các nước đang phát triển (khối các nước Châu Á, Châu Phi và Mỹ Latinh), Phiên họp SCCR 24 đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc khai thông những bế tắc để có thể cho ra đời những Hiệp ước tiếp theo của WIPO về quyền tác giả, quyền liên quan trong thời đại kỷ nguyên số.

(Tham khảo các tài liệu theo địa chỉ: www.wipo.int)

http://www.cov.gov.vn (dtphong)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ