Phát triển và xây dựng thương hiệu cây đặc sản ở Ðà Lạt
Hàng chục năm trước, atisô và dâu tây Ðà Lạt bước ra thị trường và nhanh chóng tạo dựng được thương hiệu nổi tiếng trong cả nước.
Tuy
nhiên, dịch bệnh và giá cả không ổn định nên nhiều nhà nông đã chuyển hướng sản
xuất. Ðể bảo tồn và phát triển "thương hiệu" hai loại cây đặc sản
này, nhiều doanh nghiệp và nông dân đã chung sức tìm hướng đi mới,...
Ðứng trên đỉnh núi Hòn Bồ nhìn xuống, Làng hoa Thái Phiên (phường 12, TP Ðà
Lạt) tựa như một "khu công nghiệp" với những mái nhà kính trồng rau,
hoa trải dài như sóng biển,... Anh Ðạt, người nhiều năm gắn bó với cây atisô
cho biết, cuối tháng năm vừa rồi gia
đình đã phá bỏ hơn một nửa diện tích trồng atisô để chuyển sang
trồng hoa, do thời điểm đó giá atisô thấp quá nên đành "buông". Cùng
quyết định như anh Ðạt, những nông dân nhiều năm gắn bó với cây atisô tại
phường 11 và 12 cũng đành chuyển đổi phần lớn diện tích atisô để trồng các loại
rau, hoa khác cho giá trị kinh tế cao hơn.
Theo Phòng Kinh tế TP Ðà Lạt, hiện nay địa phương có hơn 4.600 ha đất canh
tác rau, hoa; trong đó, diện tích canh tác rau an toàn 350 ha. Riêng diện cây
atisô là 80 ha (giảm 5% so cùng kỳ 2011), tập trung chủ yếu ở phường 11, 12 và
cây dâu tây là 93 ha (tăng 13,4% so cùng kỳ 2011) được trồng nhiều tại phường
7, 8, 11.
Anh Phạm Thông chủ một vườn hoa ở làng hoa Thái Phiên cho biết, chi phí đầu
tư cây atisô khoảng 15 triệu đồng mỗi sào, chín, mười tháng mới thu hoạch.
Nhưng giá bấp bênh lắm, lấy công làm lời, chắc phải "tính lại" thôi.
Cùng ở làng hoa Thái Phiên, anh Chung - người gắn bó với cây atisô hơn 15 năm
nay tâm tư, hiện gia đình đang trồng bốn sào atisô, giảm gần một nửa so năm
ngoái. Cũng do giá cả thất thường nên phải thu gọn diện tích.
Bên cạnh giá cả thị trường không ổn định thì dịch bệnh cũng đang là
mối lo của nhà nông nơi đây. Do giống atisô đã già cỗi, chưa có biện pháp cải
thiện hữu hiệu nên nhà nông vẫn canh tác theo kiểu truyền thống. Vẫn sử dụng
cây con mọc lên từ rễ già để gieo trồng, cứ như thế,... vụ này qua vụ khác nên
nguồn giống bị xuống cấp, sâu bệnh nhiều và hiệu quả kinh tế thấp.
Chủ tịch Hội Nông dân phường 12 Hồ Ngọc Dinh cho biết, thời hoàng kim (từ
1991 - 1997), diện tích canh tác cây atisô ở đây hơn 100 ha, sản lượng đạt 100
tấn/ha/năm, thu nhập cao hơn trồng rau, hoa nhiều. Chỉ ba kg atisô (khô) đã mua
được một chỉ vàng. Cách đây hai tháng, giá một kg tươi chỉ 15 nghìn đồng, thời
điểm này là 80 nghìn, và tiếp theo thì,... chưa biết chừng.
Cùng với atisô, cây dâu tây cũng phập phù về giá cả và dịch bệnh hoành
hành. Dạo qua các vùng trồng dâu tập trung trước đây như Hà Ðông, đường Mai Anh
Ðào, Nguyên Tử Lực, Trạng Trình,... vườn dâu thì còn nhiều, nhưng quả thì không
còn "xôm tụ". Chị Lan (ở Trạng Trình, Ðà Lạt), người có hơn 10
năm trồng dâu cho biết, trước đây người trồng dâu Ðà Lạt chuộng nhất giống Mỹ
đá (phù hợp trồng ngoài trời), nhưng vài năm nay, giống này hay bị rũ lá, chết
nhiều lắm. Hiện nhiều hộ đang tìm hiểu, chọn giống mới để trồng. Anh Danh
(phường 8, Ðà Lạt) cho biết, vườn dâu nhà mình vừa là nơi sản xuất, vừa là nơi
để khách hàng tham quan. Nhưng nay, phần bị dịch bệnh, phần giá cả thị trường
thất thường nên cũng đang tính chuyển hướng canh tác.
Theo người trồng dâu Ðà Lạt, với mức giá dao động từ 20 đến 50 nghìn đồng/kg,
nếu mùa nào dâu không bị dịch hại nhiều thì thu nhập tốt hơn trồng rau, hoa. Vì
vậy, nhiều người vẫn "chung thủy" với nghiệp trồng dâu.
Hướng
mở cho cây đặc sản
Atisô được đưa vào Việt Nam đầu thế kỷ 20, trồng ở Sa Pa, Tam
Ðảo, nhiều nhất là ở Ðà Lạt. Còn dâu tây bén rễ trên cao nguyên Langbiang
vào đầu những năm 30 thế kỷ trước. Giờ đây, atisô và dâu tây Ðà Lạt đã trở
thành thương hiệu trong lòng du khách thập phương.
Ông Nguyễn Ðức Cứ, cán bộ Phòng Kinh tế TP Ðà Lạt cho biết, xác định
atisô và dâu tây là "cây đặc sản" của địa phương, cho nên chính quyền
các cấp rất quan tâm đến việc gìn giữ diện tích hiện có của hai loại cây này.
Thành phố cũng đã xây dựng quy hoạch vùng cho atisô và dâu tây. Ðồng thời, đã
nghiên cứu, áp dụng quy trình sản xuất dâu tây an toàn, atisô theo tiêu chuẩn
VietGAP... để mở ra hướng phát triển mới cho cây đặc sản Ðà Lạt.
Nằm cạnh khu du lịch hồ Than Thở, vườn dâu Bà Lan là điểm đến không thể
thiếu của du khách trong hành trình khám phá Ðà Lạt. Khu vườn rộng hơn sáu sào
được canh tác theo quy trình dâu an toàn trong nhà kính, sản phẩm thu được đạt
chất lượng rất cao, dâu có vị ngọt, thơm và siêu sạch. Giá dâu tây của vườn Bà
Lan dao động từ 140 đến 200 nghìn đồng/kg, tùy kích cỡ. Cao gấp bốn đến
năm lần so giá dâu thường nhưng vẫn không đủ hàng để bán.
Kỹ sư Nguyễn Thanh Trung (sinh 1981), chủ nhân "nhãn hiệu"
dâu tây siêu sạch Thanh Trung. Với cái "gốc nhà nông", sau nghe thông
tin buồn về dâu tây Ðà Lạt, năm 2011, anh quyết định "liều một phen"
với loại cây "đỏng đảnh" này. Anh đầu tư một vườn dâu gần 500
m2 nhà kính, công nghệ tưới I-xra-en và trồng theo phương pháp thủy canh hồi
lưu trên giá thể.
Anh Trung cho biết, chi phí đầu tư khoảng 300 triệu đồng/sào. Ðây là mô
hình tối ưu nhất hiện nay tại Việt Nam. Trồng theo phương pháp này sẽ kiểm soát
được dịch bệnh, năng suất, chất lượng cao và tiết kiệm được dinh dưỡng. Giống
phù hợp nhất với nhà kính là Niu Di-lân, mầu tươi, quả ngọt và mềm. Với giá
"ấn định" 150 nghìn đồng/kg, nhưng trái không ra kịp để bán. Với nhu
cầu cao về thực phẩm an toàn, các sản phẩm thương hiệu Ðà Lạt sẽ không lo đầu
ra, cốt là bảo đảm chất lượng.
Theo TS Dương Tấn Nhựt, Phó Viện trưởng Viện Sinh học Tây Nguyên, chủ
nhiệm đề tài "Hoàn thiện quy trình nhân giống và cung cấp cây giống dâu
tây sạch bệnh,...", sau
bốn năm triển khai dự án, đến nay đã hoàn thiện công nghệ nhân giống và trồng
dâu tây, tạo ra giống sạch bệnh có chất lượng tốt. Ba giống dâu tây Mỹ đá, Mỹ
hương, Thơm đã được viện chọn để tạo ra giống dâu sạch bệnh đã bớt đi nỗi âu lo
đối với nhà nông Ðà Lạt.
Trong khi nhiều nông hộ vội vàng phá bỏ cây atisô chuyển sang trồng hoa
màu, thì Công ty TNHH Vĩnh Tiến (Ðà Lạt) đã nghiên cứu thành công giống atisô
cấy mô và trồng thành công trên vùng đất Vạn Thành (Ðà Lạt), không chỉ chủ động
nguồn nguyên liệu sản xuất dòng sản phẩm atisô của công ty, đây còn là mô hình
điểm để nông dân Ðà Lạt đến tìm hiểu và nhân rộng cây đặc sản này. Bà Nguyễn
Thị Bích Huệ, Giám đốc công ty cho biết, cây atisô ở đây được chăm sóc theo quy
trình an toàn, một năm sau trồng thử nghiệm, năng suất tương đương vườn atisô
tốt nhất của nông dân Ðà Lạt cùng thời điểm. Thời gian gần đây, đã có nhiều hộ
nông dân mua giống atisô của công ty về trồng thử nghiệm.
Theo Phòng Kinh tế TP Ðà Lạt, hiện thành phố có khoảng 10 công ty chế biến
dòng sản phẩm từ cây atisô, chưa kể công ty đóng tại các huyện trong tỉnh và
các cơ sở chế biến nhỏ khác. Nếu diện tích và sản lượng atisô ngày càng giảm
thì nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất là điều sẽ xảy ra. Tại phường 12, vùng
nổi tiếng về atisô đã có 28 hộ được cấp chứng nhận VietGAP trong sản xuất loại
cây đặc sản này. Ông Hồ Ngọc Dinh cho biết, với 0,6 ha chuyên canh atisô của
gia đình theo tiêu chuẩn VietGAP, dự kiến sẽ cho sản lượng khoảng 42 tấn một
năm, bảo đảm chất lượng.
Atisô được chọn làm "biểu tượng" của nhãn hiệu rau Ðà Lạt. Và mới
đây, Ðà Lạt có bốn loại đặc sản, trong đó có "mứt dâu tây" đã được
lựa chọn và đề cử vào Top 100 sản phẩm (gồm 50 món ăn đặc sản và 50 loại trái
cây) nổi tiếng của Việt Nam. Ðó là những tín hiệu lạc quan đối với hai loại cây
đặc sản của xứ sở rau, hoa nổi tiếng.