Xây dựng và phát triển thương hiệu cho đặc sản địa phương - Đòn bẩy cho phát triển kinh tế vùng
Nhằm nâng cao năng lực cho các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp trong việc định hình và phát triển thương hiệu sản phẩm đặc sản, sáng ngày 06/5/2025, Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ phối hợp Hiệp hội Doanh nghiệp TP Cần Thơ (CBA) đã diễn ra khóa tập huấn “Xây dựng và phát triển thương hiệu cho đặc sản địa phương”. Sự kiện nằm trong khuôn khổ dự án “Tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ và phát triển thương hiệu” do Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện.
Tham dự khóa tập huấn, có ông Nguyễn Hoàng Phương – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Cần Thơ (CBA), bà Lê Nguyễn Trung Khanh – Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ; TS. Nguyễn Quốc Nghi – Giảng viên trường Kinh tế, ĐHCT chia sẻ khóa tập huấn cùng với sự tham dự của hơn 60 đại biểu đến từ các sở ngành, doanh nghiệp, hợp tác xã và chuyên gia trong lĩnh vực marketing, nông nghiệp và phát triển thương hiệu.
-Mr_Phuong(1).jpg)
Ông Nguyễn Hoàng Phương – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Cần Thơ (CBA) phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Hoàng Phương – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Cần Thơ (CBA) nhấn mạnh: “Cần Thơ, vùng đất Tây Đô trù phú, sở hữu nhiều tiềm năng phát triển với các sản phẩm đặc sản phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, phần lớn các sản phẩm này vẫn chưa xây dựng được thương hiệu mạnh, có sức lan tỏa và được nhận diện rộng rãi. Khi nhắc đến Cần Thơ, người dân vẫn chưa hình dung rõ nét về sản phẩm đặc trưng, mang tính biểu tượng của địa phương. Đây chính là điểm nghẽn trong hành trình nâng cao giá trị bền vững cho nông sản và đặc sản địa phương. Việc đầu tư phát triển thương hiệu không chỉ giúp gia tăng giá trị sản phẩm, mà còn góp phần định hình bản sắc riêng, khẳng định vị thế của Cần Thơ nói riêng và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung trong nền kinh tế nông nghiệp cả nước.
Thực tế cho thấy, nhiều sản phẩm ở các địa phương vẫn thiếu chiến lược xây dựng thương hiệu bài bản. Sự đứt gãy giữa khâu sản xuất và tiêu thụ, cùng với hạn chế trong đầu tư vào nhận diện thương hiệu, bao bì, truyền thông và tiêu chuẩn chất lượng đã khiến các sản phẩm dù chất lượng cao vẫn khó tiếp cận thị trường rộng lớn. Do đó, cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động hỗ trợ phát triển thương hiệu cho sản phẩm địa phương – từ việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng, ứng dụng công nghệ số đến việc kết nối tiêu thụ thông qua thương mại điện tử và hệ thống phân phối hiện đại”.
-TC1.jpg)
-TC3.jpg)
Toàn cảnh khóa tập huấn
Khóa tập huấn cung cấp kiến thức và kỹ năng nền tảng để các chủ thể sản xuất – kinh doanh đặc sản địa phương có thể xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm một cách bài bản, phù hợp với yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Thông qua đó, khóa tập huấn giúp nâng cao giá trị sản phẩm, gia tăng khả năng cạnh tranh và hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương một cách bền vững.
Khóa tập huấn bao gồm nhiều nội dung thiết thực, được thiết kế gắn với thực tiễn và đặc thù của sản phẩm địa phương: Tổng quan về thương hiệu và vai trò của thương hiệu đối với đặc sản địa phương trong bối cảnh hội nhập; Các bước xây dựng và phát triển thương hiệu: từ nghiên cứu thị trường, xác định giá trị cốt lõi, xây dựng hình ảnh đến truyền thông và bảo hộ nhãn hiệu; Giới thiệu các mô hình và kinh nghiệm thành công trong xây dựng thương hiệu đặc sản tại các địa phương khác; Thảo luận, chia sẻ và tư vấn trực tiếp các trường hợp cụ thể của đại biểu tham dự.
-Mr_Nghi.jpg)
TS. Nguyễn Quốc Nghi – Giảng viên trường Kinh tế, ĐHCT chia sẻ tại khóa tập huấn
Khóa tập huấn không chỉ cung cấp kiến thức, mà còn tạo diễn đàn kết nối giữa các bên liên quan nhằm lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp. Thông qua chương trình, các sản phẩm đặc sản địa phương có cơ hội vươn xa hơn trên thị trường, đồng thời góp phần khẳng định bản sắc văn hóa và giá trị đặc trưng của từng vùng miền.
Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ (tnxmai)