“Án ngữ” ngay trung tâm thành phố Pakse - tỉnh Champasak (nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào) là một ngôi chợ quy mô lớn có cái tên rất Việt Nam: Đào Hương. Chợ do một người Việt Nam lập nên và trong đó, đa phần tiểu thương cũng là Việt kiều.
Một góc chợ Đào
Hương ở Champasak (Lào). Ảnh: V. Lâm
Đi khắp chợ, có thể
thấy ngôn ngữ phổ biến nhất khi tiểu thương nói chuyện với nhau không phải
tiếng Lào, mà là tiếng Việt với các phương ngữ Huế, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Nghệ An,…
Nhiều người cho biết, vượt qua biên giới, từ lâu những người Việt đã sang Lào
làm ăn sinh sống, thậm chí có nhiều gia đình buôn bán trên đất bạn qua 2-3 thế
hệ.
* Người Việt sang
lập chợ
Chợ Đào Hương thuộc
một doanh nghiệp nổi tiếng trong giới bán lẻ tại Lào - Công ty Đào Hương mở ra
năm 1999 mà người sáng lập là một người gốc Việt. Từ một ngôi chợ bị cháy trước
năm 1999, Công ty Đào Hương đã đầu tư xây dựng chợ mới để phục vụ nhu cầu buôn
bán của người dân nơi đây. Theo đó, quy mô chợ rộng, vốn đầu tư khoảng hơn 5
triệu USD và được hoàn thành vào đầu năm 2001. Trải qua các năm, nhiều hạng mục
khác cũng được đầu tư mới, sửa sang và xây dựng thêm khu nhà phố cạnh bên, nay
trở thành một khu vực buôn bán sầm uất. Chợ có hơn 700 gian hàng, nếu tính thêm
cả các lô, sạp thì có tới hơn 1 ngàn, trong đó đa số tiểu thương là người Việt
Nam hoặc người Lào gốc Việt.
Chợ Đào Hương bán
đầy đủ các loại hàng hóa, trong đó khu bán thực phẩm nổi tiếng được nhiều du
khách ghé thăm với 2 loại đặc sản của tỉnh Champasak là khô bò và gạo nếp. Đa
phần khách đến với chợ Đào Hương đều tranh thủ mua vài kg khô bò Pakse và một
túi gạo nếp thơm từ 5-10kg. Khô bò Pakse được làm từ thịt bò nguyên chất, tẩm ướp
gia vị địa phương, phơi khô thành từng miếng hoặc từng thanh tròn, giá khoảng
450-500 ngàn đồng Việt Nam cho 1kg. Tại chợ Đào Hương, người mua có thể trả
bằng tiền kip hoặc tiền Việt hay tiền USD đều được, người bán sẽ nhanh chóng
quy ra tỷ giá tương ứng. Ngoài khô bò và gạo nếp, đặc sản chợ Đào Hương còn có
các loại cá khô làm từ nhiều loại thủy sản sông Mekong rất đa dạng và phong
phú.
* Hàng Việt chưa “bén rễ” nhiều
Tỉnh biên giới
Champasak nằm ở phía Nam nước CHDCND Lào được xem là một trong những tỉnh giàu
có nhất của Lào, chỉ sau thủ đô Viêng Chăn và Savannakhet. Ngôi chợ lớn nhất
của Champasak đa số do người Việt buôn bán. Song, hàng Việt vẫn chưa thực sự
“bén rễ” được ở đây.
Chị Thu, một tiểu thương gốc Quảng Trị buôn bán tạp hóa ở chợ Đào Hương hơn 5
năm nay cho biết, hàng Việt Nam chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với hàng hóa của Thái
Lan, Trung Quốc. Song, nhiều nhất vẫn là hàng hóa của các công ty đa quốc gia,
như: Unilever hoặc P&G với các nhãn hàng quen thuộc, như: Sunsilk, Dutch
Lady, Omo,... do độ phủ sóng quá rộng cùng kinh phí quảng cáo khổng lồ.
Quầy hàng chị Thu
chỉ có một số hàng hóa “thuần Việt” với những thương hiệu từ khá lâu, như: xà
bông Cỏ May, thuốc lá Khánh Hội,… cùng một số nhãn hiệu phổ biến khác, như: cà
phê Trung Nguyên, mì tôm Hảo Hảo, sữa Vinamilk,… “Hàng Việt Nam không nhiều
bằng hàng Thái Lan do Pakse chỉ cách biên giới Thái Lan chừng 50km, thông qua
cửa ngõ này, hàng Thái vào Champasak rất nhiều, ngoài ra là hàng Trung Quốc do
“mối” mang lại” - chị Thu nói.
Chị Tý, một tiểu
thương khác ở chợ giải thích thêm, sở dĩ hàng Việt Nam chưa thể “bén rễ” nhiều
ở Champasak là do biên giới Việt - Lào cách Pakse đến hơn 500km. “Thông qua một
số “mối lái” quen biết, hàng Việt Nam mới đến được chợ Đào Hương, song chủ yếu
vẫn là các mặt hàng phục vụ Việt kiều, như: bánh tráng, nước mắm, mắm nêm,
miến, thuốc lá,… Các mặt hàng tiêu dùng phổ biến có rất ít thương hiệu Việt, vì
đa phần đều là hàng của các công ty đa quốc gia” - chị Tý nhận xét.