Kỳ vọng phát triển tài sản trí tuệ
Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Hậu Giang giai đoạn đến năm 2030 đang được triển khai với nhiều định hướng trợ lực cho các thương hiệu, sản phẩm chủ lực, giàu tiềm năng của tỉnh nhà.

“Quýt đường Long Trị” là tài sản trí tuệ cần được quan tâm phục hồi và phát huy.
Tích cực triển khai
Chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Hậu Giang giai đoạn đến năm 2030, được triển khai nhằm hỗ trợ cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các thương hiệu, sản phẩm của mình. Việc hỗ trợ được triển khai dưới dạng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp tỉnh, sử dụng kinh phí sự nghiệp KH&CN của tỉnh thông qua tuyển chọn hoặc giao trực tiếp tổ chức, cá nhân để chủ trì thực hiện.
Năm 2024, Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh thuộc chương trình lần đầu tiên tổ chức, đã xác định 2 nhiệm vụ được triển khai. Trong đó, nhiệm vụ “Phát triển tài sản trí tuệ cho các doanh nghiệp và các sản phẩm tại tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2024-2027”, đã được Sở KH&CN mở hội đồng tư vấn tuyển chọn tổ chức chủ trì. Còn 1 nhiệm vụ có hồ sơ đăng ký nhưng do tổ chức chủ trì chưa đáp ứng yêu cầu, nên không thành lập hội đồng tuyển chọn, thực hiện.
Sau khi ra thông báo từ cuối tháng 10-2024, Sở KH&CN tỉnh đã tiếp nhận 4 đề xuất từ các nhà khoa học, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, phù hợp với nội dung chương trình, được rà soát để đưa vào danh mục sơ bộ. Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh năm 2025 thuộc chương trình, do ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, làm Chủ tịch Hội đồng, đã tiến hành họp và xác định 3 nhiệm vụ được triển khai từ năm 2025.
Theo ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Các nhiệm vụ được chọn dựa trên tính cấp thiết, tầm quan trọng của vấn đề khoa học đặt ra, triển vọng ứng dụng của kết quả vào thực tế. Việc triển khai phải không ảnh hưởng đến địa giới hành chính sau khi kết thúc hoạt động cấp huyện, sáp nhập cấp xã và cấp tỉnh. Cần tiếp tục đóng góp, chỉnh sửa, bổ sung tên gọi, định hướng mục tiêu và yêu cầu đối với kết quả của các nhiệm vụ được chọn.
Định hướng trợ lực hiệu quả
Với kỳ vọng khôi phục và phát huy đặc sản của tỉnh nhà, nhiệm vụ “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Quýt đường Long Trị” cho sản phẩm quýt của tỉnh Hậu Giang” đã đặt ra mục tiêu: xác lập quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng câu chuyện, chuẩn hóa, cải tiến bộ nhận diện thương hiệu, bao bì cho quýt đường Long Trị. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị, uy tín của sản phẩm trên thị trường. Nâng cao nhận thức và kiến thức về quản trị, khai thác tài sản trí tuệ gắn với nhãn hiệu chứng nhận trên địa bàn tỉnh.
Nhiệm vụ “Phát triển và khai thác hiệu quả nền tảng sở hữu trí tuệ kết hợp ứng dụng kết quả nghiên cứu và phát triển (R&D) phục vụ hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hậu Giang”, được triển khai trong bối cảnh tỉnh hiện chỉ có 3 doanh nghiệp KH&CN. Nhiệm vụ định hướng hỗ trợ 30 doanh nghiệp nâng cao năng lực quản lý, phát triển và khai thác hiệu quả tài sản trí tuệ, hoạt động nghiên cứu và phát triển, 50 nhân lực được tập huấn về quản lý.
PGS.TS Bạch Long Giang, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, nhận xét: “Nhiệm vụ có tính khả thi cao do xây dựng được nền tảng với nhiều nội dung để kết quả là hình thành được doanh nghiệp KH&CN trên địa bàn tỉnh. Nhiệm vụ đã chỉ ra được các hoạt động, các nội dung thực hiện, chi tiết hóa cách thực hiện, để hình thành được kết quả, như khảo sát, đánh giá thực trạng, tập huấn, xây dựng gắn với doanh nghiệp, đúng với Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị”.
Còn nhiệm vụ “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Lung Ngọc Hoàng” cho các sản phẩm, dịch vụ du lịch thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, tỉnh Hậu Giang” được triển khai nhằm xây dựng biểu tượng riêng biệt; hệ thống bao bì, tem nhãn, mã QR,… với nhãn hiệu chứng nhận “Lung Ngọc Hoàng”. Kỳ vọng nhiệm vụ sẽ góp phần bảo vệ uy tín, danh tiếng của sản phẩm trên thị trường, bảo vệ quyền lợi cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các sản phẩm dịch vụ tại Lung Ngọc Hoàng nói riêng và toàn tỉnh nói chung.
Trong bối cảnh sáp nhập các tỉnh, thành phố, một số địa danh sẽ không còn tên gọi nhưng những thương hiệu, sản phẩm nổi tiếng, đặc trưng của từng địa phương vẫn còn đó, cần tiếp tục được gìn giữ, bảo hộ và phát huy, để trở thành những tài sản trí tuệ, đóng góp vào sự phát triển chung.
Ông Trần Văn Huyến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: Các nhiệm vụ được chọn dựa trên tính cấp thiết, tầm quan trọng của vấn đề khoa học đặt ra, triển vọng ứng dụng của kết quả vào thực tế. Việc triển khai phải không ảnh hưởng đến địa giới hành chính sau khi kết thúc hoạt động cấp huyện, sáp nhập cấp xã và cấp tỉnh. Cần tiếp tục đóng góp, chỉnh sửa, bổ sung tên gọi, định hướng mục tiêu và yêu cầu đối với kết quả của các nhiệm vụ được chọn.
ĐANG THƯ - Báo Hậu Giang