SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Khởi nghiệp từ ký túc xá

[15/07/2025 15:10]

Một chương trình tận dụng mạng lưới sinh viên trong ký túc xá để tạo ra những dự án giúp sinh viên lập nghiệp và khởi nghiệp đầu tiên ở Việt Nam vừa mới ra đời vào cuối tháng năm năm nay.

Talkshow: Câu chuyện khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Đã 7h tối, nhưng nhà văn hóa ký túc xã Mễ Trì, Đại học Quốc Gia Hà Nội vẫn đang sáng đèn. Khoảng 30 sinh viên sinh nội trú đang chăm chú ngồi nghe những chia sẻ của chị Nguyễn Đặng Tuấn Minh – người sáng lập KisStartup, đơn vị có hơn 10 năm đồng hành và hỗ trợ các startup Việt Nam về việc ai cũng có thể bắt tay vào khởi tạo một dự án của riêng mình, kể cả khi còn rất trẻ. “Những ý tưởng có thể đến từ bất cứ tình huống nào” – chị chia sẻ. Có lẽ, đây là một sự kiện khởi nghiệp đầu tiên dành cho sinh viên mà các em ngay lập tức được chứng kiến và nhúng tay vào việc xây dựng một sản phẩm sẽ ra mắt trên thị trường. Chị Tuấn Minh mang đến câu chuyện khởi nghiệp của doanh nhân Nguyễn Văn Bẩy, người đứng sau thương hiệu Cà phê Bẩy, cho phép các em quan sát và đưa ra ý tưởng để giúp công ty thiết kế logo, cải thiện thiết kế sản phẩm, viết lại câu chuyện của doanh nghiệp trên bao bì.

Buổi chia sẻ này, diễn ra vào 29/5 (trước đó là một buổi tương tự diễn ra vào 26/5 tại kí túc xá Mỹ Đình và Ngoại ngữ của Đại học Quốc gia Hà Nội) là bước khởi đầu cho một chương trình sẽ kéo dài nhiều năm hợp tác giữa Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp (TTHTKN)- Đại học Quốc gia Hà Nội cùng với Kistartup mang tên Dormlab. Chương trình này sẽ từng bước hướng dẫn, cố vấn và hỗ trợ sinh viên nội trú trên hành trình hợp tác với nhau cùng khởi nghiệp hay lập nghiệp.

Tại sao lại là những sinh viên sống trong kí túc xá? Hẳn nhiều người biết, rất nhiều sản phẩm công nghệ đình đám trên thế giới đã ra đời giữa lòng cộng đồng sinh viên như vậy: Mark Zuckerberg khởi nghiệp khi là sinh viên năm thứ hai tại Đại học Harvard cùng những người bạn sống cùng trong ký túc như Eduardo Saverin, Andrew McCollum… “The Facebook” cũng đã tận dụng chính mạng lưới sinh viên trong ký túc, để nổi tiếng trong khắp khuôn viên Harvard rồi trở thành “Facebook”- thương hiệu có giá trị lớn thứ 8 trên toàn cầu hiện nay. Evan Spiegel đã nảy ra ý tưởng về một ứng dụng cho phép gửi ảnh và video tự hủy trong một buổi học tại Đại học Stanford, sau đó, ông chia sẻ ý tưởng với hai người bạn là Reggie Brown và Bobby Murphy. Ba người đã cùng nhau phát triển ứng dụng “Picaboo”- chính là ứng dụng phổ biến Snapchat sau này.

“Bản thân ký túc xá đã là một hệ sinh thái vì đây là nơi mà nhiều con người đến từ nhiều hoàn cảnh khác nhau, có chuyên môn khác nhau sống và sinh hoạt cùng nhau, sự kết nối đó đã thúc đẩy nhiều ý tưởng nảy mầm ”- Chị Nguyễn Đặng Tuấn Minh nhận xét.

Ba hướng “khởi nghiệ

Dormlab xuất phát từ ý tưởng và mong muốn của Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp (TTHTKN)- Đại học Quốc gia Hà Nội với mục tiêu hết sức thực tế: “làm sao để sinh viên bớt thụ động”. Cụ thể, trung tâm muốn các em năng động hơn trong việc tìm kiếm cơ hội làm những điều có ích cho sự phát triển bản thân và cộng đồng, xã hội.

“Khởi nghiệp”, theo cách tiếp cận của chương trình sẽ bao gồm ba hướng: hướng quen thuộc đầu tiên là startup – tạo ra các sản phẩm công nghệ có sức ảnh hưởng lớn, nhiều người sử dụng; hướng thứ hai, nếu các em vẫn đang loay hoay chưa biết làm gì, có thể lập nghiệp bằng cách cộng tác bán hàng cho doanh nghiệp; hướng thứ ba, là lập ra các dự án “tạo tác động”. Trước khi bắt tay vào thực hiện chương trình, Kistartup đã khảo sát nhu cầu của sinh viên và thấy rằng hướng đi thứ ba được các em quan tâm nhất. Các dự án tạo tác động sẽ hướng đến việc tạo ra các kết quả, hoạt động, sản phẩm, dịch vụ nhằm mục tiêu xã hội hơn là mục tiêu lợi nhuận. Các dự án này không nhất thiết phải tạo ra được một doanh nghiệp mà có thể chỉ cần giải quyết được một vấn đề nhức nhối trong cuộc sống hằng ngày mà các em quan sát thấy.

Dù lựa chọn theo hướng nào, các em cũng sẽ được trang bị tư duy và kĩ năng cần thiết thông qua khóa học online do Kistartup giảng dạy, có tên là NEXA15. Những kiến thức này sẽ giúp các em hình dung được những gì mình cần làm, bất kể chỉ là bán hàng cho doanh nghiệp hay khởi tạo một dự án, sản phẩm riêng: các điều cơ bản về startup, khởi nghiệp tạo tác động, chuyển đổi số cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, sử hữu trí tuệ, quản lý tài sản trí tuệ…Quan trọng hơn, các em còn được học về tư duy thiết kế. Đây là một quá trình giúp người chủ một dự án tìm hiểu nhu cầu đối tượng mà mình sẽ phục vụ, xác định những vấn đề, thách thức mình sẽ đối mặt, đưa ra giải pháp và kiểm tra các giải pháp đó liên tục trong suốt quá trình phát triển dự án. Việc học sẽ song song với việc thực hành, có sự đồng hành liên tục của các cố vấn (mentor).

TTHTKN của Đại học Quốc gia đang muốn cải tạo nhà ăn chung của ký túc xá trở thành một nơi khuyến khích các em tìm đến giao lưu, gặp gỡ, kết nối, chia sẻ ý tưởng,.. Sẽ có nhiều khu vực trong không gian này, phục vụ cho những nhu cầu khám phá, thử nghiệm khác nhau của các em: nơi để quay video, khu vực để livestream, nơi để thiết kế, chế tạo, thử nghiệm các sản phẩm. khu vực để thư giãn…

Khi thành công không cần phải đi tới đích

Hợp tác bán hàng với doanh nghiệp, tưởng chừng không liên quan đến câu chuyện startup, nhưng thực tế lại là tiền đề để các em có một cái nhìn thực tế nếu khởi sự kinh doanh: “muốn khởi nghiệp thì phải quý đồng tiền đã, muốn kiếm đồng tiền thì phải học cách tự lập” – chị Tuấn Minh chia sẻ. Chị chứng kiến nhiều người trẻ có bố mẹ mở doanh nghiệp riêng nhưng chưa bao giờ nghĩ đến chuyện dùng công nghệ để bán hàng cho gia đình.

Ngay trong buổi gặp gỡ sinh viên tại ký túc xá, Kisstartup đã kết nối những bạn sinh viên có nhu cầu để bán hàng, làm cộng tác viên, thực tập sinh tại một số doanh nghiệp và sau đó tiếp tục kết nối các doanh nghiệp với TTHTKN của Đại học Quốc gia. “Vừa triển khai thôi nhưng cũng đã kết nối được hơn 20 doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng và có 4 doanh nghiệp trong số đó đã tuyển được người rồi”- chị Nguyễn Đặng Tuấn Minh chia sẻ về kết quả.

Kết nối này không chỉ đem lại sự phát triển cho các em mà còn cả lợi ích cho doanh nghiệp. Qua nhiều thời gian làm việc trực tiếp với hàng trăm doanh nghiệp vừa và nhỏ, chị Tuấn Minh cho biết, phần lớn các doanh nghiệp hầu như không hiện diện trên nền tảng số trong khi sinh viên lại quá quen thuộc với công nghệ mới “livestream trên Tiktok, Facebook, với sinh viên thì là cuộc sống thường ngày nhưng với doanh nghiệp là cả một thế giới mới, ngay cả với doanh nghiệp thành phố. Chúng ta thường nói đến chuyển đổi số trong các doanh nghiệp nhưng không kết hợp với các trường đại học là một thiếu sót” – Chị Tuấn Minh chia sẻ.

Một trong những mục tiêu của KisStartup là hoàn thiện một chương trình ươm tạo cho các em sinh viên để đồng hành với các em trong cả dự án khởi nghiệp tạo tác động lẫn khởi nghiệp công nghệ. Năm đầu tiên, họ chỉ đặt kỳ vọng có ba đến năm dự án, đó còn chưa kể đến việc các em có thể bỏ dở giữa chừng.

Các dự án khởi nghiệp tạo tác động có thể có quy mô khiêm tốn, nhưng quan trọng là rèn luyện cho các em sinh viên kỹ năng phát hiện và nỗ lực giải quyết vấn đề. “Kỹ năng phát hiện vấn đề rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn nữa là tinh thần trách nhiệm. Tức là các bạn phải xem vấn đề đó là của mình và mong muốn giải quyết, chưa đặt kỳ vọng cao về kết quả mà chỉ cần các bạn dám đứng lên lãnh đạo một dự án, dù nhỏ thôi để giải quyết vấn đề, là được rồi”- Chị Tuấn Minh chia sẻ.

Cũng trong buổi gặp gỡ sinh viên tại kí túc xá của Kistartup, đã có sinh viên thành lập nhóm tiết kiệm điện, tìm cách để giảm điện năng tiêu thụ tại ký túc xá, từ đó, góp phần vào giảm thiểu tác động đến môi trường. Một nhóm sinh viên khác đã đưa ra ý tưởng để cải tạo sân ký túc xá thành sân tập thể thao với nguồn kinh phí xin tài trợ từ các doanh nghiệp. Theo chị Nguyễn Đặng Tuấn Minh, đây là một cách để phát huy nguồn lực cộng đồng, giúp các bên tham gia cùng có được lợi ích.

Dormlab không đặt nặng kỳ vọng tìm ra những công ty công nghệ đình đám, nhưng họ không muốn bỏ lỡ những dự án có tiềm năng từ các sinh viên “có thể trong 60 nghìn cháu kia chỉ có 3-5 cháu thôi, nhưng nó rất đáng vì trong số đó có thể có, không dám nói Mark Zuckerberg Việt Nam nhưng hoàn toàn có thể có bạn hay ho. Thì mình phải nuôi dưỡng cái đó từ bé” – chị Tuấn Minh ví von. Hơn nữa, đầu tư giai đoạn “cực sớm” này cũng là khoảng trống cần phải khỏa lấp trong hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam. “Bởi vậy chúng tôi chọn phân khúc đó, muốn dùng quá trình này (Dormlab) để tìm ra những hạt nhân như vậy.”

Trong quá trình từ tìm ra vấn đề, lên ý tưởng và triển khai dự án của các bạn đề có sự đồng hành của các cố vấn đến từ Kistartup. Chẳng hạn, khi các bạn có ý tưởng, cố vấn sẽ hỗ trợ các bạn xây dựng các phương án, chi phí của các phương án, phân tích liệu phương án nào ít tốn kém và khả thi nhất. Chị Tuấn Minh cho biết: “Nếu các bạn tự làm, các bạn sẽ mất rất nhiều, mất thời gian, công sức tìm tòi… khi có sự đồng hành thì mọi thứ sẽ đỡ đi, có thể thử nghiệm và thất bại nhưng thất bại sẽ trong quy mô chấp nhận được. Khởi nghiệp, trước tiên, là công cụ để các bạn trưởng thành hơn đã.”

www.khoahocphattrien.vn
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ