'Cứu' thương hiệu đặc sản Atisô, hồng và dâu tây Đà Lạt
Theo thông báo của Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam, atiso, hồng và dâu tây Đà Lạt nằm trong Top đặc sản nổi tiếng Việt Nam năm 2012. Thế nhưng, ít người trồng ba loại cây này, thậm chí đang chặt bỏ hàng loạt.
Hồng
rớt giá thảm hại
Đang là mùa thu hoạch quả hồng chính vụ nhưng chủ vườn nào cũng trĩu nặng
ưu tư vì giá rớt tận đáy.
Tại thị trấn Dran (huyện Đơn Dương), vùng đất nổi tiếng nhất Việt Nam về
cây hồng, chị Nguyễn Thị Lan kể khổ: Giá hồng trứng không đến 3.000 đồng/kg:
các loại hồng vuông, hồng trứng láng chất lượng cao cũng chỉ có giá 6.000-7.000
đồng/kg, không bù được giá phân bón, công thu hái, vận chuyển... Hồng chín đầy
vườn mà chẳng thấy ai hỏi thăm, trong khi trước kia thương lái từ Hà Nội, TP
HCM,... tìm đến đặt cọc tiền mua hồng trước cả tháng.
Giá hồng giảm dần suốt nhiều năm, so với thập kỷ trước đã mất giá đến 3
lần, trong khi giá phân bón, thuốc trừ sâu, công chăm bón không ngừng tăng, do
đó nhiều nhà vườn chặt bỏ hồng để trồng chè, cà phê,... Diện tích hồng ở Đà Lạt giảm từ 600 ha xuống
còn chưa tới 100 ha.
Những vùng chuyên canh hồng tại các huyện Đơn Dương, Lạc Dương cũng xảy ra
tình trạng chặt bỏ hồng hàng loạt, bởi việc tiêu thụ quả tươi quá phập phù,
trong khi cả tỉnh không có nổi một nhà máy sấy khô hoặc chế biến các sản phẩm
khác từ hồng.
Dâu
tây lay lắt vì dịch bệnh
Hơn 80 năm trước, dâu tây được người Pháp mang sang trồng thử nghiệm một số
nơi ở Việt Nam, nhưng chỉ sinh trưởng tốt ở vùng khí hậu ôn đới Đà Lạt.
Bởi có mùi thơm đặc trưng, vị chua pha
lẫn vị ngọt thanh hấp dẫn, lượng sinh tố C cao giúp chống nhiễm trùng, lão hóa
và hỗ trợ tăng sức đề kháng, nên loại trái cây này được người tiêu dùng ưa
chuộng.
Giá dâu tây khá cao (30.000 – 40.000
đồng/kg), lúc khan hàng lên tới 80.000 – 90.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, cây dâu tây rất dễ nhiễm bệnh: Quả và rễ bị nấm tấn công gây thối,
nhũn; lá vàng và nổ đốm, thân khô dần rồi chết,... Các nhà khoa học đã nhập và
lai tạo không ít giống dâu mới nhằm nâng cao sức đề kháng, nhưng cùng với thời
gian, đa số đều nhiễm bệnh.
Người trồng cũng đã tự nghiên cứu, thử
nghiệm nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh, nhưng không cứu nổi vườn dâu vì
dịch bệnh lây lan quá nhanh khiến dâu chết hàng loạt.
Diện tích dâu tây đã giảm từ 100 ha
xuống chỉ còn chưa đến một nửa; năng suất cũng giảm từ 40kg/sào/2 ngày (một chu
kỳ thu hoạch quả) xuống 15 - 20kg/sào.
Bất đắc dĩ mới trồng atiso
Cùng với quế, tràm, đại hồi, sâm ngọc
linh, trinh nữ hoàng cung, atiso được Bộ Y tế ghi tên vào Top đầu trong số 40
dược liệu có tiềm năng khai thác và phát triển của quốc gia.
Trung ương cũng đã chỉ đạo ưu tiên đầu
tư phát triển 6 loại dược liệu này. Tuy nhiên sự trù liệu mang tầm quốc gia nói
trên dường như không mấy tác động đến nông dân TP Đà lạt – nơi duy nhất sản
xuất atiso qui mô hàng hóa tại Việt Nam.
“Nửa cuối thập niên 90 của thế kỷ
trước là thời kỳ hoàng kim của atiso; không ít người xây được biệt thự và sắm
cả xe hơi từ việc trồng loài cây này. Thế nhưng gần đây hầu như chỉ những gia
đình không có khả năng làm nhà kính trồng hoa hoặc đất không đủ tốt để trồng
hoa mới trồng atiso”, Chủ tịch Hội Nông dân Phường 12 Hồ Ngọc Dinh nói.
Hàng trăm héc ta atiso bị chuyển đổi
sang trồng hoa cúc, lyly,... bởi trồng atiso lãi ít, đầu ra khó khăn.
Thương hiệu atiso còn bị ảnh hưởng xấu bởi các đối tượng sản xuất, mua bán phấn
hoa atiso giả. Nhiều nơi rao bán phấn hoa atiso Đà Lạt với giá 180.000 -
500.000 đồng/kg, trong khi thực tế không thể sản xuất sản phẩm này bởi khi hoa
chưa kịp nở thì nhà vườn đã thu hoạch để làm thuốc hoặc chế biến món atiso hầm
giò heo nổi tiếng.