SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Hàng vi phạm sở hữu công nghiệp: Khó xử lý

[25/09/2012 10:18]

Thời gian gần đây, nhiều chủ sở hữu nhãn hiệu hàng ngoại không đến xác nhận hàng giả, hàng vi phạm sở hữu công nghiệp của DN mình khi có lô hàng bị cơ quan chức năng bắt giữ, khiến công tác xử lý gặp rất nhiều khó khăn.

Thực hiện các cam kết quốc tế, Việt Nam đã đẩy mạnh chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu công nghiệp. Tuy nhiên, công tác này chưa có sự hợp tác tốt giữa các doanh nghiệp và các cơ quan chức năng.

Công ty Thiên Dược là chủ sở hữu bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp “Hộp sản phẩm thực phẩm chức năng CRILIN” và thuốc điều trị u xơ tử cung nhãn hiệu “CRILA”. Vừa qua, trên thị trường Hà Nội đã xuất hiện nhiều sản phẩm làm nhái các sản phẩm đã được bảo hộ độc quyền này. Sau khi có khiếu nại của doanh nghiệp, cơ quan chức năng đã xử lý các vi phạm nhưng việc làm nhái sản phẩm này vẫn xảy ra.  

Bà Nguyễn Thị Ngọc Trâm, Giám đốc công ty TNHH Thiên Dược cho biết: “Có một số sản phẩm do mình khiếu nại vi phạm bản quyền họ không bán sản phẩm đó nữa, nhưng cứ vài tháng lại có 1 trường hợp. Việc làm này khiến người tiêu dùng nhầm lẫn”.

5 tháng qua, Hà Nội thực hiện kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng vi phạm sở hữu công nghiệp tại 5 tuyến phố trọng điểm trên quận Hoàn Kiếm và đã xử lý 160 vụ vi phạm về sở hữu công nghiệp. Tuy nhiên, ngoài 4 hãng có sự xác nhận hàng giả hàng nhái của doanh nghiệp, còn lại trên 20 nhãn hiệu của nước ngoài khác không có doanh nghiệp đến xác nhận.  

Ông Vương Trí Dũng, Phó chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội cho rằng: “Do kinh tế khó khăn, nhiều chủ sở hữu đã dừng xác nhận liên quan đến sở hữu công nghiệp. Đây là quy định bắt buộc của Luật là chỉ xử lý những mặt hàng giả mạo sở hữu công nghiệp khi có yêu cầu của chủ sở hữu”.

Theo qui định, những nhãn hiệu đã được bảo hộ độc quyền nếu chủ sở hữu không đến xác nhận, các cơ quan chức năng không thể xử lý đó là hàng giả để tiêu hủy, nếu xử lý là hàng lậu để tịch thu bán phát mại sung công quỹ thì lại vi phạm luật. Đối với các nhãn hiệu hàng hóa khác, khi chủ sở hữu không đến xác nhận thì các cơ quan chức năng cũng chưa đủ cơ sở pháp lý để xử lý.

Ông Hoàng Đại Nghĩa, Đội trưởng đội chống hàng giả, Chi cục QLTT Hà Nội nói: “Chúng tôi bắt về không biết xử lý thế nào vì không liên hệ được với chủ sở hữu. Nếu coi là hàng lậu bán sung công quỹ thì lại vô tình hợp thức hóa hàng giả đó”.

Theo Quản lý thị trường Hà Nội, cơ quan này đã gửi báo cáo đề nghị hướng dẫn xử lý đến Cục quản lý thị trường và các cơ quan chuyên môn của Bộ Khoa học & Công nghệ, nhưng đến nay chưa cơ quan nào trả lời. Vì vậy, việc xử lý vi phạm sở hữu công nghiệp sau khi bắt giữ hàng hóa tại Hà Nội đang gặp rất nhiều khó khăn. 

Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ