Sở hữu trí tuệ thúc đẩy hoạt động nghiên cứu triển khai
Đó là khẳng định của các chuyên gia tại Hội thảo “Sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ và tiêu chuẩn, đo lường chất lượng” do Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Cục Sở hữu trí tuệ, Vụ Đánh giá, thẩm định và Giám định công nghệ, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp tổ chức mới đây tại Hà Nội trong khuôn khổ Techmart 2012.
Nhiều cái lợi từ
SHTT
Theo ông Nguyễn Văn
Bảy, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo (Cục SHTT), bảo hộ quyền SHTT tạo
môi trường và thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy hoạt động thương mại, thu
hút đầu tư cả trong nước và nước ngoài. SHTT đã và đang thực sự trở thành một
loại tài sản vô hình, với tỷ lệ ngày càng cao trong tổng tài sản của các doanh
nghiệp Việt Nam. Thương mại hóa tài sản trí tuệ giúp doanh nghiệp thu hồi vốn
đầu tư, lợi nhuận để tái đầu tư cho hoạt động sáng tạo.
Một trong những ví
dụ điển hình là Công ty Phân lân Văn Điển (Hà Nội), được đánh giá là một trong
số ít doanh nghiệp sớm quan tâm tới SHTT. Từ năm 1986, công ty đã nghiên cứu
những giải pháp khoa học mang tính mới, kết quả 7 giải pháp khoa học gửi lên
Cục Sáng chế (nay là Cục SHTT) công ty đã nhận được 6 Bằng độc quyền sáng chế
và Bằng độc quyền giải pháp hữu ích. Nhờ hệ thống giải pháp này, từ chỗ là một
doanh nghiệp nhỏ chỉ sản xuất khoảng 20 tấn sản phẩm mỗi năm, công ty đã tăng
năng lực sản xuất lên 2000 lần, hàng hóa sản xuất ra tới đâu, tiêu thụ hết tới
đó và còn xuất khẩu ra nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan,… Chỉ tính
riêng giải pháp hữu ích “Phối liệu đóng bánh quặng phốt phát” và giải pháp hữu
ích “Lò cao sản xuất phân lân nung chảy” từ năm 1990 đến 1996 đã làm lợi cho
công ty trên 125 tỷ đồng. Hay việc áp dụng sáng chế “Thiết bị và phương pháp
sàng rửa phân loại nguyên liệu” từ năm 2001 đến 2007 cũng làm lợi cho công ty
gần 15 tỷ đồng.
Giữa năm 2008,
PGS-TS Nguyễn Thị Trâm, Viện Sinh học nông nghiệp (Trường Đại học Nông nghiệp
Hà Nội) đã gây chấn động giới khoa học trong nước bởi cái tên TH3-3, một giống
lúa lai hai dòng 100% "made in VN" được chuyển nhượng cho một công ty
tư nhân với giá kỷ lục 10 tỷ đồng. Trước đó vài tháng, PGS.TS Trâm cũng đã
chuyển giao giống lúa lai "cùng mẹ khác cha" TH3-4 cho Công ty Giống
cây trồng Trung ương với giá 700 triệu đồng.
Cách đây gần chục năm, công ty Phương Đông ở TPHCM bán thương hiệu kem đánh
răng PS cho tập đoàn Unilever với giá 5 triệu USD, trong khi toàn bộ đất đai,
nhà xưởng, máy móc thiết bị chỉ được 3 triệu USD. Hay cuối năm 2011 UBND tỉnh
Thừa Thiên Huế bán toàn bộ 50% phần vốn tại Công ty Bia Huế (Huda)với giá 1.875
tỷ đồng cho Tập đoàn Carlsberg (Đan Mạch). Trong đó, “giá trị hữu hình” (chủ
yếu cơ sở vật chất hai nhà máy) chỉ được 700 tỷ đồng còn hơn 1.100 tỷ đồng là
“giá trị vô hình” (chủ yếu thương hiệu Huda).
Không những đem lại
giá trị thiết thực cho doanh nghiệp, tài sản trí tuệ còn được pháp luật bảo hộ
chặt chẽ, xử lý nghiêm minh các hành vi xâm phạm quyền SHTT. Năm 2011, các cơ
quan chức năng đã bắt quả tang hàng loạt các sản phẩm xâm phạm nhãn hiệu, kiểu
dáng công nghiệp đã được bảo hộ đối với sản phẩm cửa cuốn của Công ty Cổ phần
xuất nhập khẩu và xây dựng Tân Trường Sơn, phạt hành chính, cảnh cáo và tịch
thu tang vật. Gần đây, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã kiểm tra và xử
lý hàng loạt công ty kinh doanh xăng dầu không phải là đại lý của Tập đoàn
Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) nhưng lại sử dụng nhãn hiệu Petrolimex trên
biển hiệu và trên cột bơm xăng mà không được phép vì nhãn hiệu và
biển hiệu này đã được Petrolimex đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Tuy nhiên, thực tế
hiện nay cho thấy nhận thức của xã hội chưa cao về vấn đề sở hữu trí tuệ, chưa
quan tâm đúng mức đến tài sản trí tuệ. Tại các viện nghiên cứu và trường đại
học, mặc dù số lượng đăng ký bảo hộ và khai thác tài sản trí tuệ đã được tăng
lên trong những năm qua nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu. Các chuyên gia cho
rằng, phần lớn các hoạt động sáng tạo của các nhà khoa học tại các viện, trường
chủ yếu phục vụ công tác nghiên cứu chứ không hướng tới mục tiêu bảo vệ và khai
thác quyền SHTT cũng như chuyển giao công nghệ.
Cần quan tâm hơn đến
SHTT
Tại Hội thảo, nhiều
đại biểu cũng cho rằng công tác xử lý đơn đăng ký xác lập quyền SHTT còn kéo
dài; Bằng độc quyền sáng chế, Bằng độc quyền giải pháp hữu ích do ngân sách nhà
nước cần phải được sở hữu toàn dân và đặc biệt là vấn đề mô tả sáng chế, giải
pháp đến mức người có trình độ trung bình trong cùng lĩnh vực cũng có thể hiểu
và áp dụng được khiến nhiều đại biểu e ngại, sợ khi đăng ký xác lập quyền sẽ bị
mất.
Đánh giá về thực
trạng xử lý đơn đăng ký xác lập quyền SHTT còn chậm, ông Bảy cho rằng có nguyên
nhân chủ quan từ phía Cục SHTT do đội ngũ thẩm định viên còn mỏng trong khi số
lượng đơn nhiều. Tuy nhiên, Cục SHTT đang áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt
động xử lý đơn để đạt hiệu quả cao hơn, thủ tục đăng ký quyền sở hữu trí tuệ
không quá phức tạp và chi phí rất nhỏ so với lợi ích mang lại.
Chia sẻ những lo
lắng của đại biểu về vấn đề bản mô tả sáng chế, theo ông Bảy để được bảo hộ
SHTT, chủ sở phải có sự đánh đổi là tạo nguồn tin khổng lồ cho xã hội và sau
khi kết thúc bảo hộ trở thành tài sản chung của xã hội. Tuy nhiên, điều đó
không có nghĩa là chủ sở hữu sẽ bị đánh cắp quyền SHTT vì chủ sở hữu có quyền
giữ lại bí quyết công nghệ và việc mô tả còn giúp những người nghiên cứu sau
tránh nghiên cứu trùng lắp, tránh lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc của cá
nhân và xã hội. Trong khi đó, tài sản trí tuệ được bảo hộ chủ sở hữu có quyền
cho phép hoặc ngăn cấm người khác sử dụng và định đoạt nó (chuyển nhượng,
chuyển quyền sử dụng, tặng cho, thừa kế,…). Nếu bị xâm phạm, có quyền yêu cầu
người xâm phạm chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi
thường thiệt hại; yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm
hoặc khởi kiện ra tòa án nhân dân các cấp.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Tạ Quang Minh, Cục trưởng
Cục SHTT cho rằng, việc bị xâm phạm quyền SHTT xuất phát từ việc các doanh
nghiệp, tổ chức, cá nhân chưa có nhận thức đầy đủ và sâu sắc về giá trị của tài
sản trí tuệ, chưa thực hiện các biện pháp hữu hiệu để tự bảo vệ mình trong đó
có việc xác lập quyền và bảo hộ SHTT. “Xác lập quyền và bảo hộ SHTT không chỉ
giúp các doanh nghiệp thành công trong sản xuất kinh doanh mà còn là cơ sở pháp
lý quan trọng để các cơ quan chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho doanh
nghiệp trước pháp luật” ông Minh khẳng định.