Đặc sản lúa gạo Nàng Nhen Bảy Núi
Giống lúa Nàng Nhen thơm có từ hơn 100 năm trước được nông dân người Khmer trồng tại vùng Bảy Núi (An Giang) với quy trình sản xuất đặc biệt đã được Cục SHTT cấp Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý đang từng bước khẳng định vị thế của mình trên thị trường trong và ngoài nước.
Đặc sản lúa gạo Nàng Nhen nổi tiếng
Có một không hai
Theo PGS-TS Nguyễn
Thị Lang, Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, lúa Nàng Nhen là giống lúa thơm cổ
truyền của địa phương vùng Bảy Núi, An Giang. Vùng Bảy Núi (bao gồm huyện Tri
Tôn và Tịnh Biên) có địa hình bán sơn địa, có vùng đất không ngập lũ, kết cấu
đất pha cát bao quanh chân núi được xem là nơi duy nhất trồng được giống lúa
này nên có nhiều đặc điểm sinh học hoàn toàn khác với các giống lúa cao sản
hiện nay. Lúa Nàng nhen chịu hạn tốt, ít bị sâu bệnh, không cần phải sử dụng
nhiều phân vô cơ, sử dụng phân bò là chính, phát triển tốt dựa vào nguồn nước
mưa. “Riêng về kỹ thuật canh tác trồng lúa, người nông dân Khmer cũng có đặc
thù riêng, ít sử dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng tưới
tiêu chủ yếu từ nguồn nước mưa nên lúa gạo Nàng Nhen có giá trị đặc biệt mà
không có bất kỳ loại lúa gạo nào có được” PGS Lang cho hay.
Gạo Nàng Nhen thơm
có nhiều đặc điểm nổi bật như thân hạt gạo thon dài, bóng, trắng đều, tỉ lệ tấm
thấp, bền, không bị gãy vỡ trong quá trình xay xát. Sau khi nấu chín, cơm nở
theo chiều dài, nguyên vẹn và không bị đứt khúc, có vị ngọt dịu, mùi thơm đặc
biệt pha trộn giữa mùi hương lúa mới và hương vị ngọt ngào của hoa đồng nội. Từ
những đặc tính đặc biệt này mà giống lúa Nàng Nhen được nhiều người tiêu dùng
trong vùng, khách du lịch trong và ngoài nước biết đến, trở thành một giống lúa
đặc sản của tỉnh An Giang.
Bà Hà Thị Bích Mai,
Sở KH&CN tỉnh An Giang cho biết, lúa Nàng Nhen là đặc sản địa phương, được
các cấp chính quyền quan tâm để bảo tồn giống đặc sản. Từ năm 2008 tỉnh An
Giang đã triển khai đầu tư 3,4 tỉ đồng để thực hiện chương trình xây dựng chất
lượng thương hiệu gạo xuất khẩu theo tiêu chuẩn Global GAP (thực hành nông
nghiệp tốt toàn cầu) trên 3 dòng lúa gạo đặc sản nổi tiếng của địa phương trong
đó có lúa Nàng Nhen Bảy Núi. Cuối năm 2008, An Giang cũng đã nộp đơn đăng ký
lên Cục SHTT để yêu cầu công nhận Chỉ dẫn địa lý gạo Nàng Nhen thơm Bảy Núi.
Bảo tồn giống đặc
sản
Trước lợi thế đặc
biệt của loại lúa này, ngày10 tháng 01 năm 2011, Cục Sở hữu trí tuệ đã ra Quyết
định số 53/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00025
cho sản phẩm gạo Nàng Nhen thơm Bảy Núi nổi tiếng. UBND huyện Tịnh Biên là cơ
quan quản lý chỉ dẫn địa lý “Bảy Núi” cho sản phẩm gạo Nàng Nhen thơm. Theo bà
Mai, gạo Nàng Nhen thơm Bảy Núi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý
là bước đầu để thương hiệu gạo phát triển mạnh trên thị trường, cũng như chất
lượng được đảm bảo hơn; nâng cao sức mạnh cạnh tranh với các sản phẩm cùng
loại, tránh việc lạm dụng, giả mạo thương hiệu gây thiệt thòi cho người tiêu
dùng, giúp cho việc sản xuất của bà con vùng dân tộc của 2 huyện miền núi có cơ
hội tăng nhanh diện tích và phát triển được loại gạo đặc sản của vùng nhằm tăng
thu nhập của đồng bào dân tộc vùng Bảy Núi. Đây là cơ hội nhưng đồng thời cũng
là thách thức đối với các cấp, các ngành và mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh
doanh sản phẩm gạo Nàng Nhen thơm mang CDĐL Bảy Núi.
Mặc dù năng suất lúa
Nàng Nhen thấp hơn phân nửa so với năng suất các loại giống lúa khác nhưng lúa
nàng nhen vẫn được nông dân Bảy Núi tích cực gieo trồng. Anh Châu Bươi, nông
dân ấp Vĩnh Tây (xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên) phân tích, thị trường trong và
ngoài nước hiện nay ưa chuộng các loại lúa gạo sạch, an toàn. Mặc dù lúa Nàng
Nhen thơm cho năng suất cao lắm cũng chỉ đạt hơn 4 tấn/ha nhưng hạt gạo Nàng Nhen
thơm nức tiếng, giá luôn cao gấp đôi so với các loại gạo thường. Trong khi đó,
trồng lúa Nàng Nhen ít phải chăm sóc vì lúa ít bệnh do kháng được sâu, rầy...
nên nông dân trồng vẫn có lãi nhiều.
Để giúp nông dân Bảy
Núi có quy trình canh tác sạch cho ra sản phẩm gạo sạch Nàng Nhen thơm, Sở
KH&CN tỉnh An Giang, UBND huyện Tịnh Biên và UBND huyện Tri Tôn cùng các
nhà khoa học Viện Lúa Đồng bằng Sông Cửu Long, Viện Khoa học nông nghiệp miền
Nam thực hiện hàng loạt các công trình nghiên cứu về phục tráng giống, quy
trình canh tác, bảo quản gạo Nàng Nhen thơm đến nghiên cứu thổ nhưỡng, khí hậu
thủy văn,… vùng Bảy Núi.
Theo PGS.TS Nguyễn
Thị Lang, việc phục tráng giống Nàng Nhen thơm, khôi phục truyền thống canh tác
trồng trọt lúa Nàng Nhen cùng với sự hỗ trợ kỹ thuật nông nghiệp hiện đại và
một cơ chế quản lí phù hợp đã tạo tiền đề cho việc quy hoạch trồng lúa đặc sản
sạch trên vùng Bảy Núi, giúp đồng bào các dân tộc hai huyện miền núi Tịnh Biên
và Tri Tôn xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, đa dạng sản phẩm hàng hóa
cho ngành du lịch địa phương và quảng bá thương hiệu nàng Nhen thơm trên thị
trường trong nước và quốc tế.
http://khoahoc.baodatviet.vn (dtphong)