- Cục trưởng có thể
cho biết những mong muốn và sự quan tâm đặc biệt của Việt Nam trong phiên họp
lần thứ 50 của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) tại Geneva lần này?
Cục
trưởng Tạ Quang Minh: Đại hội đồng WIPO là cơ quan quyền lực nhất của
WIPO, có nhiệm vụ xem xét và quyết định các vấn đề do các liên minh và ủy ban
kiến nghị. Năm nay, các nội dung mà Việt Nam quan tâm gồm rà soát lại kết quả
làm việc của các Ủy ban trong năm qua và đưa ra định hướng trong năm tới. Đặc
biệt, Việt Nam quan tâm đến vấn đề đàm phán về bảo hộ nguồn gen, tri thức truyền
thống và văn hóa dân gian và triển khai Chương trình phát triển WIPO - chương
trình hỗ trợ các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam.
Việt Nam đang được
hưởng lợi từ việc triển khai các Dự án thuộc Chương trình phát triển, cụ thể:
đang nhận được sự hỗ trợ của WIPO trong việc tiếp cận với các nguồn thông tin
sáng chế và phi sáng chế, tiếp cận với Chương trình Tiếp cận với cơ sở dữ liệu
phục vụ việc nghiên cứu và phát triển của WIPO trong khuôn khổ Dự án Tiếp cận
với cơ sở dữ liệu; đang phối hợp với WIPO nghiên cứu, hỗ trợ ba sản phẩm được
lựa chọn gồm Chè Ba Vì, nước mắm Phú Yên và Hoa Đà Lạt để xây dựng thương hiệu.
Ngoài những mong
muốn, Việt Nam cũng có những kế hoạch triển khai hợp tác song phương với các cơ
quan Sở hữu trí tuệ của các nước như là Mỹ, Pháp, Nga, Australia và chúng ta
cũng là một trong những thành viên của ASEAN mà tổ chức này có các mối quan hệ
hợp tác với các cơ quan sở hữu trí tuệ thế giới WIPO và Cơ quan Sáng chế châu
Âu (EPO) và với Nhật Bản. Đây cũng là dịp để chúng ta học tập kinh nghiệm, tham
gia đánh giá các xu hướng bảo hộ sở hữu trí tuệ trên thế giới để có định hướng
phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam cho phù hợp, đồng thời đẩy mạnh hợp
tác kỹ thuật của Việt Nam với WIPO và chủ động tìm kiếm các cơ hội hợp tác.
- Vấn đề bảo hộ
nguồn gen, tri thức truyền thống và văn hóa dân gian ở phạm vi toàn cầu đang là
một trong những vấn đề được quan tâm của WIPO, Cục trưởng có thể điểm qua tình
hình đàm phán vấn đề này trong khuôn khổ WIPO và lập trường và sự tham gia của Việt
Nam trong thời gian qua?
Cục trưởng Tạ Quang
Minh:
Là một nước giàu nguồn gen, giàu tri thức truyền thống, chúng ta rất quan tâm
đến vấn đề bảo hộ nguồn gen. Theo quyết định của Đại hội đồng, các cuộc đàm
phán đã được thực hiện về các vấn đề bảo hộ nguồn gen, tri thức truyền thống và
văn hóa dân gian dựa trên dự thảo văn kiện do Ban thư ký đưa ra. Hiện nay, Ủy
ban liên chính phủ về Sở hữu trí tuệ và nguồn gen, tri thức truyền thống và văn
hóa dân gian (IGC) đã họp rất nhiều phiên và đạt được một số kết quả nhất định.
Qua hai năm đàm
phán, những vấn đề trên đã đạt được một số tiến bộ về hình thức, nghĩa là các
nước đã chấp nhận đàm phán và có ý kiến về lời văn của các dự thảo. Tuy nhiên,
vấn đề mấu chốt là phương thức bảo hộ (bộc lộ bắt buộc, thiết lập các cơ sở dữ
liệu hay điều chỉnh thông qua hợp đồng) thì chưa đạt được sự tiến triển vì có
nhiều quan điểm khác nhau. Một số nước đang phát triển muốn bảo hộ nguồn gen,
tri thức truyền thống rất là mạnh, trong khuôn khổ của pháp luật sở hữu trí tuệ
và có chế tài để chống lại sự xâm phạm. Một số nước phát triển lại không muốn
bảo hộ theo cơ chế như vậy, mà bảo hộ dưới dạng hợp đồng riêng lẻ, có thể sử
dụng hệ thống tòa án dân sự hoặc hành chính để xử lý những trường hợp vi phạm.
Quan điểm của Việt
Nam là ủng hộ việc bộc lộ bắt buộc nguồn gen, tri thức truyền thống liên quan
trong đơn sáng chế, có cơ chế xin phép trước và chia sẻ lợi ích và có chế tài
cho các hành vi không tuân thủ. Việt Nam cho rằng việc đạt được các Văn kiện
quốc tế có tính ràng buộc về bảo hộ nguồn gen, tri thức truyền thống và văn hóa
dân gian là rất quan trọng nhằm cung cấp công cụ hiệu quả chống lại việc ăn cắp
tài nguyên sinh học và sử dụng trái phép nguồn gen, tri thức truyền thống và
văn hóa dân gian. Tuy nhiên, việc bảo hộ và sử dụng bền vững nguồn gen, tri
thức truyền thống và văn hóa dân gian chỉ có thể đạt được thông qua việc thiết
lập các quy tắc và nghĩa vụ phù hợp với các mục tiêu và nguyên tắc của Công ước
về Đa dạng sinh học và Nghị định thư Nagoya về tiếp cận nguồn gen và chia sẻ
lợi ích thu được từ việc sử dụng chúng. Do đó, Việt Nam ủng hộ việc tổ chức các
phiên họp, nếu cần thiết, trong IGC để hoàn tất các nội dung còn khác biệt,
cũng như việc triệu tập Hội nghị ngoại giao để thông qua các Dự thảo văn kiện
này.
- Trong Chiến lược
Phát triển Kinh tế Xã hội hướng tới năm 2020 của Việt Nam có nhấn mạnh đến việc
tập trung phát triển và khai thác các tài sản sở hữu trí tuệ, Cục trưởng có thể
nêu rõ vai trò của sở hữu trí tuệ đối với việc thúc đẩy đổi mới và sáng tạo
trong sự nghiệp phát triển kinh tế và xã hội của đất nước?
Cục trưởng Tạ Quang
Minh:
Trước tiên cũng cần phải hiểu sở hữu trí tuệ là gì? Sở hữu trí tuệ là quyền đối
với các đối tượng sở hữu trí tuệ. Sở hữu trí tuệ gồm ba bộ phận cấu thành là
Quyền sở hữu công nghiệp; Quyền tác giả và quyền liên quan; Quyền đối với giống
cây trồng mới. Các đối tượng sở hữu công nghiệp là sáng chế, kiểu dáng công
nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, thiết kế, tên thương mại, quyền chống cạnh
tranh không lành mạnh.
Cơ chế bảo hộ sở hữu
trí tuệ đó là bảo hộ độc quyền sử dụng và ngăn người khác sử dụng cho chủ sở
hữu quyền trong một thời gian nhất định. Đổi lại, chủ sở hữu quyền phải bộc lộ
các thông tin. Nhờ việc bộc lộ thông tin đó mà xã hội biết đến những công nghệ
mới, sáng chế mới để không có những đầu tư sáng chế trùng lặp, tránh chi phí vô
ích. Từ việc tiết kiệm chi phí, họ sẽ khả năng đầu tư để phát triển công nghệ
đó lên. Bằng cơ chế đó, việc bảo hộ sở hữu trí tuệ sẽ khuyến khích các nhà sáng
tạo, các doanh nghiệp trong nước đầu tư vào nghiên cứu và triển khai các công
nghệ mới, từ đó nâng cao giá trị gia tăng trong các sản phẩm, nâng cao sức cạnh
tranh của nền kinh tế.