Tương quan giữa yếu tố môi trường và sức khỏe nghêu (Meretrix lyrata) nuôi tại Bến Tre và Cần Giờ.
Nhóm tác giả Ngô Thị Ngọc Thủy (Phân Viện Nghiên cứu Thủy sản Minh Hải) và Phạm Minh Đức (Khoa Thủy sản, trường Đại học Cần Thơ) tiến hành nghiên cứu từ tháng 11/2009 đến tháng 11/2010 (tại Bến Tre) và từ tháng 10/2009 đến tháng 10/2010 (tại Cần Giờ) nhằm xác định mối tương quan giữa một số yếu tố chất lượng nước với hiện trạng nghêu chết tại hai vùng.
Ảnh minh họa
Nhuyễn thể được xem là nhóm sinh vật khá phổ biến, có giá
trị kinh tế cao và đóng vai trò cung cấp thực phẩm quan trọng. Nghêu cũng như
các nhóm nhuyễn thể khác thường sống ở vùng cửa sông và có nền đáy cát bùn,
điều kiện môi trường sống biến động đã tác động đến đặc điểm sinh lý, sinh hóa
của nhóm sinh vật này và đây cũng được xem là nhóm sinh vật chỉ thị trong môi
trường nước. Ở Việt Nam, nghêu Bến Tre (Meretrix lyrata) được đánh giá là đối
tượng có giá trị kinh tế cao và chất lượng thịt thơm ngon với thành phần protein
đến 56% tính theo khối lượng khô; nghêu Bến Tre phân bố từ huyện Cần Giờ (thành
phố Hồ Chí Minh) tới Cà Mau, và tập trung nhất vùng ven biển thuộc tỉnh Tiền
Giang, Bến Tre và Trà Vinh.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, tại Bến Tre giá trị pH, nhiệt
độ và độ mặn trong thời gian nghiên cứu trung bình lần lượt là 8, 30,2±1,49oC
và 27,7±6,43‰. Các yếu tố thủy lý hóa trong môi trường nước tại các vùng nuôi
nghêu ở Bến Tre không tác động đến tình trạng sức khỏe trên nghêu nuôi, khi độ
mặn cao và mật độ vi khuẩn Vibrio trong bùn và trong nước cao sẽ tác động đến
sức khỏe nghêu nuôi ở Bến Tre. Tại Cần Thạnh-Cần Giờ, giá trị nhiệt độ 28,1±1,4oC
và giá trị trung bình độ mặn 20,1±4,9‰, kết quả phân tích các yếu tố môi trường
nước cho thấy độ mặn ảnh hưởng đến sức khỏe nghêu nuôi, khi độ mặn xuống thấp
và mật độ vi nấm trong nước cao thì ảnh hưởng đến nghêu nuôi.