SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Xây dựng thương hiệu cho cà phê Khe Sanh

[30/10/2012 08:01]

Tổ chức Cà phê Quốc tế vừa xác nhận Việt Nam đã vượt Brazil trở thành nước xuất khẩu cà phê số một thế giới. Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu cà phê ở một số địa phương vẫn còn rất loay hoay.

Thu hoạch cà phê ở Khe Sanh (Ảnh: Báo Tây Nguyên)

Trong số các hàng nông sản Việt Nam, cà phê Khe Sanh, tại huyện Hương Hóa, tỉnh Quảng Trị được xem là hội tụ đầy đủ nhất những đặc trưng để có thể xây dựng một thương hiệu nổi tiếng. Diện tích cà phê tại đây gần 5.000 héc ta, với giống chủ lực là cà phê chè catimo, sản lượng một năm thu hoạch đạt khoảng 40 nghìn tấn. Tuy nhiên, dù đã được trồng và xuất khẩu từ hơn 100 năm nay nhưng cho đến bây giờ, cà phê Khe Sanh vẫn chưa có một thương hiệu riêng cho mình.

Chưa có thương hiệu, người thiệt thòi nhất vẫn là bà con nông dân. Anh Võ Thanh Khiết là một trong những hộ gia đình trồng cà phê tại thị trấn Khe Sanh. Vụ cà phê năm nay anh Khiết trồng 1,5 héc ta. Khi đến kì thu hoạch anh bán với giá thu mua khoảng 6.000 đồng một kg quả tươi, so với năm ngoái thu nhập của anh đã giảm mất gần một nửa.

“Mong muốn có thương hiệu cà phê Khe Sanh, người dân sẽ yên tâm làm ăn, yên tâm trồng cà phê. Nếu được đầu tư, chăm bón đúng quy cách sẽ mang lại hiệu quả lớn vì đất Khe Sanh trồng cà phê rất thuận lợi”, anh Võ Thanh Khiết nói.

Câu chuyện xây dựng thương hiệu cà phê Khe Sanh đã được các doanh nghiệp và ngành chức năng tỉnh Quảng Trị nêu vấn đề, nhằm bảo vệ tên tuổi và nâng cao giá trị nông sản trong thời kỳ hội nhập, nhưng cho đến giờ vẫn chưa có kết quả.

Xuất khẩu mỗi năm 4.000 tấn cà phê nhân sang thị trường châu Âu, nhưng cà phê Đại Lộc chỉ mang tên của của doanh nghiệp. Trong khi đó, nếu có bảo hộ chỉ dẫn địa lý và tên gọi xuất xứ cho cà phê Khe Sanh, giá trị xuất khẩu sẽ cao hơn.

Ông Ngô Đình Phương, Phó Giám đốc công ty Xuất nhập khẩu cà phê Đại Lộc, cho biết: “Sau khi cà phê Khe Sanh có thương hiệu thì sẽ được đưa vào thị trường thế giới, lúc đó các doanh nghiệp sẽ được hưởng quyền lợi chung”.

Tuy nhiên, xây dựng thương hiệu cà phê thành công hay không, một phần cũng phụ thuộc vào quá trình trồng và chăm sóc để cà phê có chất lượng. Trong số 5.000 héc ta cà phê hiện có ở Quảng Trị, có đến 40% diện tích già cỗi, đòi hỏi nông dân và ngành chức năng cần phải thay đổi.

“Cần phải tái canh tác để tổ chức trồng lại, có chính sách hỗ trợ nông dân. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp cần đồng hành cùng nông dân để thu mua, chế biến và sử dụng các công nghệ tiên tiến để xây dựng thương hiệu, để giúp cà phê Khe Sanh đững vững, vì đây là thế mạnh của tỉnh Quảng Trị”. Ông Nguyễn Văn Bài, Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị cho biết.

Trong tương lai, nếu xây dựng thương hiệu cho cà phê Khe Sanh, sản phẩm này sẽ được giá. Có nguồn gốc, khách hàng sẽ yên tâm khi mua sản phẩm hoặc khi thương lượng, thỏa thuận với bạn hàng cũng dễ bán được giá tốt hơn.

Hơn 100 năm trước khi đến đô hộ Đông Dương, người Pháp đã lựa chọn Khe Sanh để hình thành nên những đồn điền cà phê rộng lớn. Đến mùa hái quả, cà phê ở đây mang nhãn hiệu chung Việt Nam, đem về Pháp như một món quà đặc hữu của xứ thuộc địa nhiệt đới.

Cũng trong chiến tranh, địa danh Khe Sanh từng được nhiều nước trên thế giới biết đến. Đây chính là những lợi thế để người dân Quảng Trị xây dựng thương hiệu cho cà phê Khe Sanh xuất khẩu ra nước ngoài. 

www.vtv.vn (dtphong)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ