Sự quang hợp của một số giống lúa chịu mặn với mức đạm bón khác nhau ở giai đoạn đẻ nhánh
Nghiên cứu do nhóm tác giả Phạm Văn Cường, Phan Thị Hồng Nhung và Tăng Thị Hạnh (Khoa Nông học, trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội) thực hiện nhằm đánh giá ảnh hưởng của các mức đạm bón khác nhau đến sinh trưởng và sự quang hợp ở giai đoạn đẻ nhánh giữa các giống lúa có kiểu gen khác nhau.
Ảnh minh họa
Đạm làm tăng khả năng hoạt động
của một số loại enzyme hoạt động ở trong cây. Ngoài ra, đạm tham gia cấu tạo
diệp lục là cơ quan chính của quá trình quang hợp, tạo vật chất của cây trồng.
Hơn nữa, những hợp chất có chứa đạm như các axit amin (prolin, betain), các
amit và protein đóng vai trò mấu chốt trong quá trình hoạt động các màng lọc
ion, bảo vệ tế bào, cân bằng pH, giải độc tế bào.
Thí nghiệm tiến hành so sánh khả
năng hấp thụ đạm và sử dụng đạm của cây lúa trong điều kiện mặn ở giai đoạn đẻ
nhánh giữa giống lúa địa phương (Cườm) và giống lúa cải tiến (A69-1). Cây lúa
được trồng trong dung dịch dinh dưỡng có xử lý mặn với nồng độ một số muối
tương tự như nồng độ muối có trong đất mặn vùng ven biển Việt Nam: 9 mM MgSO4, 18 mM
Na2SO4, 1 mM MgCl2 và 12 mM CaCl2.
Dung dịch dinh dưỡng Yoshoda với các mức đạm khác nhau: N1 (1,425 mM), N2
(2,850 mM) và N3 (4,275 mM).
Kết quả thí nghiệm đạt được như
sau:
· Ở 21 ngày sau cấy,
khi tăng lượng đạm bón từ N2 lên N3, cường độ quang hợp của giống lúa
địa phương (Cườm) tăng nhưng của giống lúa cải tiến (A69-1) không tăng.
· Độ dẫn khí khổng của giống Cườm không thay đổi
trong điều kiện đạm khác nhau, ngược lại độ dẫn khí khổng của giống A69-1 giảm
nhanh khi tăng lượng đạm lớn.
· Từ 21 đến 28 ngày sau cấy ở mức đạm cao, giống cải
tiến A69-1 có khả năng duy trì cường độ quang hợp và tích lũy prolin cao hơn
giống địa phương (Cườm).
· Ở giai đoạn từ 7 đến 14 ngày sau cấy với tất cả các
mức đạm bón, giống A69-1 có khả năng đẻ nhánh, diện tích lá và khối lượng chất
khô tích lũy cao hơn giống Cườm. Tuy nhiên, từ 21 đến 28 ngày sau cấy, khi tăng
mức đạm bón, diện tích lá và khối lượng chất khô tích lũy của giống A69-1 bị
giảm, trong khi đối với giống Cườm vẫn đạt duy trì.