SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Xây dựng thương hiệu làng nghề Hội An

[13/11/2012 10:29]

Thành phố Hội An (Quảng Nam) vừa được bạn đọc của tạp chí du lịch hàng đầu Mỹ - Conde Nast Traveler bình chọn vào tốp 10 thành phố du lịch hàng đầu châu Á. Thêm một lần nữa, Hội An được vinh danh trong niềm tự hào của người dân phố cổ. Về Hội An, đi trong dòng di sản này, dễ cảm nhận nhiều giá trị văn hóa được kết tinh từ những tâm hồn chân chất. Và cũng nhận ra, ngoài những giá trị vốn có về phố cổ, thì những làng nghề truyền thống bao đời ở đây cũng là thế mạnh làm nên một Hội An khác trong lòng du khách.

Nghệ nhân trẻ làng mộc Kim Bồng.

Ðã từ lâu, Hội An có một làng nghề nông sản nổi tiếng là làng rau Trà Quế. Nhờ mưa thuận gió hòa mà quanh năm, cánh đồng rau này vẫn mướt xanh và cho bao vụ rau được mùa, được giá. Ðiều đáng nói, dù sống gần phố cổ, khá sầm uất, nhưng bao năm qua, người làng rau vẫn thủy chung, son sắt với nghề. Diện tích đất trồng rau nằm trên cao, lụt cũng ít khi lên tới, mưa thì nước rút nhanh. Bởi vậy, quanh năm người dân đều gắn bó trên vườn, trồng tất cả các loại rau, từ rau xanh đến rau thơm, các loại quả bốn mùa. Hằng năm, cứ vào ngày mồng bảy tháng Giêng âm lịch, người dân thôn Trà Quế lại tập trung tổ chức lễ hội cầu Bông để thể hiện tấm lòng đối với các bậc tiền nhân, người đã khai lập làng rau Trà Quế và cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Ðây cũng là dịp để những người nông dân quanh năm vất vả này có một ngày được mở hội với những phần thi tranh tài xuống luống, vẩy hạt, rồi chế biến các món ăn đặc sản từ rau. Năm 2001, TP Hội An triển khai khôi phục lại làng rau Trà Quế, đến năm 2003, Hội An chính thức đón các tua du lịch về thăm làng rau này. Ở đây, khách vừa tham quan làng rau vừa được trải nghiệm làm "nông dân". Người dân bao năm lam lũ với nghề rau, vẫn luôn nở nụ cười đôn hậu, tận tình hướng dẫn du khách các công đoạn làm nghề, cùng du khách xuống vườn xới đất, tưới rau. Họ quen với việc làm hướng dẫn viên du lịch tại chỗ mà không cần qua một lớp bồi dưỡng, đào tạo nào. Người Hội An mang lại cho du khách một sự thân thiện đặc biệt mà suốt nhiều thập kỷ qua, không ai nhắc ai, không ai bảo ai, người phố Hội An đã làm được điều đơn giản mà khó vô cùng ấy.

- Con vào đây mấy lần rồi, dì Chín thấy mặt gái quen quen?

- Dạ con đến nhiều lần rồi dì ạ. Con là khách đặc biệt của vườn rau nhà dì mà.

- À, ra thế, nhiều khách quá cho nên dì quên tên mà chỉ nhớ mặt thôi.

Lần nào về làng rau Trà Quế, tôi cũng ghé thăm dì Chín. Năm nay dì đã 70 tuổi, vẫn thủy chung với một sào đất trồng rau. "Từ đời ông bà cố nội đến giờ, bao đời rồi con ạ. Nghề nông mà con. Nhưng được cái làng rau này bây giờ đã có thương hiệu, cho nên làm ra bao nhiêu, tiêu thụ bấy nhiêu", dì Chín vừa cho rong xuống luống đất, vừa cười tâm sự. Bí quyết để rau Trà Quế luôn non xanh và sạch, làm nên sự khác biệt và thương hiệu riêng là người trồng rau nói "không" với những loại thuốc trừ sâu, thuốc kích thích rau tăng trưởng nhanh. Hằng ngày, họ dậy từ tinh sương để gánh nước, vớt rong dưới đầm Trong, đầm Ngoài của sông Ðế Võng về chăm sóc rau. Như cách lý giải của ông Mai Cử, Trưởng thôn Trà Quế: "Chỉ có loại rong tự nhiên này mới thích hợp với đất Trà Quế. Vừa tăng cường độ xốp, độ phì nhiêu, màu mỡ cho đất, vừa giảm chi phí đầu vào cho bà con. Nhờ sử dụng nguồn rong có bốn mùa này, mà rau Trà Quế có hương vị đặc biệt".

Cả làng hiện có 200 hộ trồng rau với hơn 400 lao động, trên diện tích 18 ha. Mỗi ngày, lượng rau ở đây nhập vào các siêu thị lớn ở Ðà Nẵng như Metro, BigC, Co.opMart, các chợ trong vùng khoảng 10 tạ. Rau Trà Quế đã được đăng ký thương hiệu độc quyền của một làng nghề truyền thống. Ðáng chú ý hơn, nhiều loại rau thơm của Trà Quế đã được sử dụng để làm hương liệu trong các khu nghỉ dưỡng cao cấp tại phố cổ Hội An. Từ đó, thương hiệu rau sạch của làng rau Trà Quế đã ngày càng được mở rộng. Hiện, đã có bốn hộ dân của thôn Trà Quế đang phát triển mô hình du lịch cộng đồng. "Số tiền bán vé cho khách du lịch vào thăm làng rau, xã đã trích một phần để xây dựng các công trình an sinh xã hội ở thôn, một phần để hỗ trợ giống rau cho bà con, người nông dân trồng rau không trực tiếp hưởng lợi nguồn kinh phí này, nhưng cả làng Cẩm An được "thơm lây" vì những giá trị vật chất và tinh thần mà làng rau Trà Quế mang lại", Trưởng thôn Mai Cử cho biết thêm.

Từ bến đò tại chợ Hội An, chỉ mất hai nghìn đồng mua vé đò, tôi đã về đến làng mộc Kim Bồng ở xã Cẩm Kim nằm phía bên kia sông Hoài. Ðây như một cù lao nổi tách rời của Hội An mà ai đã một lần đặt chân đến, đều không khỏi lưu luyến bởi tình đất, tình người. Ðò cập bến, chỉ mất chừng dăm phút đi bộ, chúng tôi được sống trong những âm thanh quen thuộc của làng nghề có hàng trăm năm tuổi. Bình yên! Ðó là cảm giác của những ai lần đầu đặt chân đến Kim Bồng. Ghé thăm cơ sở đầu tiên trong làng mộc, ở đây có khá nhiều thợ trẻ đang miệt mài công việc. Chưa kịp hỏi thì một nghệ nhân trẻ đã tạm ngừng tay: "Chị đi vào cuối đường, là gặp nhà chú Huỳnh Ri, đó là cái nôi của mộc Kim Bồng".

Nghệ nhân Huỳnh Ri là người cao tuổi nhất làng nghề. Ở tuổi 73, ông đã kịp truyền dạy lại cho lớp trẻ Kim Bồng tất cả bí kíp của nghề mộc - cái nghề nhìn thì đơn giản nhưng phải kiên trì, đam mê mới sống nổi với nghề. Theo nghệ nhân Huỳnh Ri, ngày xưa, trai Cẩm Kim có hai nghề là thợ nề và thợ mộc. Ðối với dòng họ Huỳnh thì ông là đời thứ 12 làm nghề mộc. Các nghệ nhân làng mộc Kim Bồng đã vào nam ra bắc để dựng xây không biết bao công trình và cũng đã kịp lan tỏa cái độc đáo, đặc sắc của nghề mộc ở nhiều nơi. Là người con của phố cổ, ông và anh em làng mộc Kim Bồng đã đóng góp nhiều công sức và tâm huyết trong việc phục dựng, tu bổ lại các di tích của phố cổ Hội An.

Ðến thăm cơ sở của ông, tận mắt nhìn ngắm những sản phẩm mộc Kim Bồng độc đáo mang thương hiệu Huỳnh Ri như hoành phi câu đối, hương án, bàn ghế, giường tủ đều hiện diện với tính mỹ thuật cao, vừa bền, đẹp. Du khách như lạc vào một thế giới khác và cảm nhận được nét tài hoa mà người thợ đã gửi gắm vào từng sản phẩm. Ðó là những nét khắc chạm tinh xảo, đến những hoa văn cầu kỳ mà phải tỉ mẩn, kỳ công mới làm được. Năm 1997, được sự hỗ trợ của tổ chức UNESCO và UBND thành phố Hội An, nghệ nhân Huỳnh Ri đã khôi phục làng mộc Kim Bồng trên cơ sở đào tạo, dạy nghề mộc thanh niên trẻ của làng. Ðến nay, có hơn 100 nghệ nhân trẻ của làng mộc Kim Bồng đã "ra lò" và đang là những người gánh trọng trách gìn giữ và phát triển thương hiệu mộc Kim Bồng. Cả làng hiện có khoảng 200 người làm mộc. Từ khi khôi phục đến nay, hằng ngày có khá nhiều du khách trong và ngoài nước đến thăm làng nghề. Nhờ đó, làng mộc Kim Bồng nhận được nhiều đơn đặt hàng, sản phẩm làng nghề xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, thu nhập của lao động làng mộc từng bước ổn định. "Cha ông ngàn đời xưa đã phải truyền giữ nghề này, thì không cớ gì ngày nay chúng ta lại bỏ được. Trai làng Kim Bồng sinh ra đã biết làm nghề, tôi không giàu về của cải vật chất mà tôi giàu vì mình đã làm nhịp cầu nối cho thế hệ trẻ hôm nay họ yêu và gắn bó với nghề. Chính vì thế, khi bao làng nghề truyền thống khác bị mai một, thì mộc Kim Bồng vẫn ngày ngày vang lên âm thanh của sự sống", nghệ nhân Huỳnh Ri nói lời tâm huyết.

Kế nghiệp cha, nuôi giấc mơ đưa thương hiệu làng nghề đi xa, anh Huỳnh Sướng, con trai nghệ nhân Huỳnh Ri là chủ nhân của tác phẩm "Cội nguồn" nổi tiếng được giải ba trong cuộc thi Sản phẩm thủ công Việt Nam lần thứ VII năm 2010 cùng nhiều tác phẩm nghệ thuật làng quê Việt Nam độc đáo khác. Ðiều anh và nhiều trai làng mộc tâm huyết là bây giờ nhà nào cũng gõ, đó là âm thanh "sống" của làng nghề. Mộc Kim Bồng là nghề thủ công, nhưng để có sản phẩm cạnh tranh được với sự phát triển của nhiều mặt hàng khác thì người thợ Kim Bồng phải thật sự đam mê, phải có lòng nhiệt huyết. Ðể giữ lửa cho nghề, người thợ Kim Bồng luôn phải sáng tạo, nâng cao tay nghề. Ðặt toàn bộ tâm hồn, trí tuệ của mình vào tác phẩm. "Về lâu dài, để làng nghề thịnh hơn, thì Nhà nước cần có những chính sách riêng để hỗ trợ cho việc đào tạo nghề và bảo vệ thương hiệu mộc Kim Bồng", anh Huỳnh Sướng nhắn gửi.

Ngoài rau Trà Quế, mộc Kim Bồng, gốm Thanh Hà, hiện Hội An đã có thêm một sản phẩm mới là Làng lụa Hội An. Ðây là sự trải nghiệm đầy lý tưởng trong chuỗi hành trình khám phá di sản Hội An để hiểu thêm về văn hóa và con người nơi đây. Chủ nhân của dự án này - doanh nhân Lê Thái Vũ đã vượt qua khá nhiều khó khăn để vực dậy làng nghề tơ tằm xứ Quảng trên cơ sở khoa học, kết hợp phát triển du lịch, tạo nên một bảo tàng sống về tơ lụa Việt Nam với tất cả các công đoạn từ trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa.

Ðể tận dụng hết những giá trị về văn hóa trong phát triển du lịch, Hội An đã chọn con đường riêng bằng cách đưa làng nghề truyền thống vào các tua du lịch để biến làng nghề thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách. Nhớ một lần trong câu chuyện về người Hội An, văn hóa Hội An, Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự tâm sự: Văn hóa theo cách người Hội An tạo được trong mấy trăm năm qua, đó chính là sự chân thành, mộc mạc. Hội An nhờ vào chính chiều sâu văn hóa và con người để phát triển. Các làng nghề truyền thống còn giữ hầu như nguyên vẹn nét đơn sơ, mộc mạc là điểm đến hấp dẫn mà Hội An chúng tôi đã giữ gìn và phát triển. Cuối cùng là làm sao mọi người dân Hội An đều là sứ giả của du lịch, đó mới là thành công kỳ diệu nhất.

Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ