Phát triển mô hình nuôi cá lóc trên bể lót bạt bằng thức ăn công nghiệp và bán công nghiệp
Cá lóc là loài cá có giá trị dinh dưỡng cao, được dùng làm thực phẩm chính trong bữa ăn hàng ngày như cá lóc nấu canh chua, cá lóc kho tộ, cá lóc nấu cháo,… và chế biến thành các món ăn đặc sản như khô, mắm. Đây là loại cá dễ nuôi, mau lớn. Tùy theo khả năng đầu tư, người nuôi có thể nuôi với nhiều hình thức khác nhau như nuôi trong ao đất, bể lót bạt, bể xi măng, giai đặt trong ao hay trên sông.
Nhằm giới thiệu rộng rãi mô hình
nuôi cá lóc trong bể lót bạt trên diện rộng, hạn chế việc khai thác quá mức nguồn
lợi cá tự nhiên làm thức ăn cho cá nuôi, hạn chế gây ô nhiễm môi trường, cung
cấp nguyên liệu các sạch cho người tiêu dùng,
Trung tâm Giống thủy sản An Giang đã triển khai dự án “Phát triển mô
hình nuôi cá lóc trên bể lót bạt bằng thức ăn công nghiệp và bán công nghiệp”. Nghiên cứu được thực hiện từ
tháng 10/2011 đến tháng 10/2012.
Sau 12 tháng triển khai, nhóm thực
hiện dự án đã xây dựng 20 mô hình nuôi cá lóc trên bể lót bạt bằng thức ăn công
nghiệp ở 4 huyện Châu Thành, Thoại Sơn, Phú Tân và Tịnh Biên. Dự án triển khai
10 mô hình nuôi cá lóc bằng thức ăn công nghiệp và 10 mô hình nuôi bằng thức ăn
bán công nghiệp. Sau 5 tháng thả nuôi với diện tích 15m2, mật độ 100
con/m2, chi phí đầu tư khoảng 10-12 triệu đồng, lợi nhuận từ 3-10
triệu đồng tùy theo thời điểm thu hoạch cá, các mô hình đã thu hoạch với kết quả như sau:
- Đối với cá lóc đầu vuông: tỷ lệ
sống đạt từ 60-85%; sản lượng 450-900 (kg/15m2); trọng lượng trung
bình 450-750 (g/con); năng suất 30-60 (kg/m2), FCR: 1.15 -1.2; tỷ suất
lợi nhuận 19,7 – 34%.
- Đối với mô hình nuôi cá lóc đầu nhím: tỷ lệ sống đạt từ
57-74%; sản lượng 310-450 (kg/15m2); trọng lượng trung bình 350-400
(g/con); năng suất 20-30 (kg/m2), FCR: 1.2 -1.3; tỷ suất lợi nhuận
23,7 – 45,3%.
Hiện nay, Trung tâm Giống thủy sản
An Giang phối hợp với các đơn vị trong ngành nông nghiệp, công thương tiến hành
xúc tiến thương mại và đã tìm được thị trường tương đối ổn định với khả năng tiêu thụ khoảng 40-50 tấn/tháng.
Mô hình nuôi cá lóc trên bể lót bạt cho sản phẩm với chất lượng thịt thơm, ngon
rất phù hợp và đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Chính vì vậy, đây là mô
hình giúp cho hộ nghèo, hộ gia đình ít vốn và ít diện sản xuất có điều kiện
vươn lên thoát nghèo.
Tạp chí KH&CN An Giang số 05/2012