Ðắc Nông đầu tư phát triển khoa học và công nghệ
Nằm ở cửa ngõ phía tây nam của Tây Nguyên, kinh tế - xã hội của tỉnh Ðác Nông thuộc nhóm chậm phát triển. Do vậy tỉnh đang tìm các giải pháp đầu tư nguồn lực cho khoa học và công nghệ (KH và CN) nhằm phục vụ đắc lực kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2015, phấn đấu đạt giá trị 45 triệu đồng/ha canh tác.
Nông dân thị xã Gia Nghĩa
(Ðác Nông) trồng hoa cúc công nghệ cao. Ảnh: NGỌC TRÂM |
Mới thành lập được tám năm, kết cấu hạ
tầng kỹ thuật còn yếu kém, công nghiệp hết sức nhỏ bé, kinh tế - xã hội của
tỉnh Ðác Nông chủ yếu dựa vào sản xuất nông - lâm nghiệp mà nguồn thu chính là
từ các sản phẩm cà-phê, điều, cao-su. Trong điều kiện nguồn nhân lực còn thiếu
cả về số lượng và hạn chế về trình độ đã ảnh hưởng đến năng lực hoạt động của
ngành khoa học và công nghệ (KH và CN) trong tỉnh. Theo Sở KH và CN Ðác Nông,
trong hai năm 2011 và 2012, toàn tỉnh triển khai, thực hiện khoảng 40 đề tài,
dự án các cấp (kể cả các công trình chuyển tiếp). Bên cạnh một số đề tài, nhiệm
vụ thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn đi vào nghiên cứu, bảo tồn và
phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trong tỉnh, phần
lớn các đề tài, dự án tập trung nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ về kỹ thuật và
công nghệ phục vụ phát triển nông - lâm nghiệp. Ở quy mô vừa và nhỏ, các đơn vị
và nhóm nghiên cứu thực hiện "Ðánh giá thực trạng phát triển cây xoài và xây
dựng mô hình trồng xoài theo hướng Việt GAP ở một số xã thuộc huyện Ðác
Min", "Nghiên cứu xây dựng mô hình phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp
bền vững tại ba xã Quảng Tâm, Ðắc Búkso, Ðắc R’tih, huyện Tuy Ðức", hay
"Sưu tầm các cây thuốc quý tại tỉnh Ðác Nông"... Ở quy mô cấp Nhà
nước, không kể một đề tài cấp thiết mới phát sinh là "Nghiên cứu, đánh giá
tình trạng hạn hán, thiếu nước và đề xuất giải pháp bảo đảm nguồn nước phục vụ
phát triển bền vững kinh tế - xã hội tỉnh Ðác Nông", tỉnh đang triển khai
bốn dự án thuộc chương trình nông thôn, miền núi do Bộ KH và CN ủy quyền cho
địa phương quản lý. Các dự án này cũng phục vụ công tác chuyển đổi cơ cấu cây
trồng, vật nuôi mà địa phương có lợi thế. Chẳng hạn "Ứng dụng đồng bộ một
số tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất, chế biến cà-phê theo hướng an
toàn bền vững tại huyện Ðác Min", "Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ
kỹ thuật trong chăn nuôi bò thịt theo hướng chất lượng cao tại tỉnh Ðác
Nông", hoặc "Sản xuất và tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn tỉnh Ðác
Nông"...
Trong buổi làm việc với Bộ KH và CN,
Viện KH và CN Việt Nam gần đây, lãnh đạo tỉnh Ðác Nông cũng đã chỉ ra các hạn
chế, bất cập trong hoạt động của lĩnh vực KH và CN trên địa bàn tỉnh. Ðó là
kinh phí dành cho KH và CN hằng năm còn hạn hẹp, bởi vậy hoạt động mới chỉ dừng
lại ở việc giải quyết những vấn đề đơn giản, nhỏ, lẻ và bức xúc trước mắt mà
chưa đề xuất và có khả năng giải quyết được những đề tài, dự án có hàm lượng KH
và CN cao. Cơ chế quản lý tổ chức, sự phối hợp giữa các ngành và huyện, thị xã
trong hoạt động KH và CN còn nhiều hạn chế, dẫn đến chưa thu hút được các nhà khoa
học đến Ðác Nông công tác và không ít nhu cầu, đòi hỏi của thực tế sản xuất,
kinh doanh chưa được đặt hàng cho các tổ chức, cá nhân nhà khoa học nghiên cứu
và góp phần giải quyết. Vì vậy KH và CN ở Ðác Nông chưa tạo được những kết quả
mang tính đột phá nhằm góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh
tranh của sản phẩm hàng hóa. Trong khi đó, giống như một số địa phương vùng Tây
Nguyên, Ðác Nông đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường, hạn hán,
xói mòn, sạt lở đất. Mặt khác hiện tượng di dân tự do lâu nay đã và đang làm
cho diện tích rừng bị thu hẹp, đa dạng sinh học bị suy kiệt...
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
giai đoạn 2011 - 2015, Ðác Nông phấn đấu tốc độ tăng GDP đạt hơn 15%/năm, thu
nhập bình quân đầu người đạt 27,03 triệu đồng/năm (gấp 1,8 lần so năm 2010 và
bằng 75,7% so bình quân cả nước). Ðể đạt được các mục tiêu nêu trên, Ðác Nông
định hướng phát triển nông nghiệp một cách toàn diện theo hướng chất lượng,
hiệu quả và bền vững. Tìm mọi giải pháp đẩy mạnh cơ giới hóa, hiện đại hóa
trong sản xuất nông nghiệp, không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm
hàng hóa. Dự kiến đến năm 2015, Ðác Nông có khoảng 160 nghìn ha cây chủ lực,
trong đó 66 nghìn ha cà-phê, 32 nghìn ha cao-su, 35 nghìn ha điều, 9.500 ha
tiêu... theo đó phấn đấu giá trị sản phẩm/ha đất canh tác đạt 45 triệu đồng/ha.
Muốn vậy, Ðác Nông đang tìm các nguồn lực đầu tư để tăng tiềm lực cho KH và CN.
Trong đó tỉnh quan tâm công tác đào tạo, nâng cao năng lực trình độ mọi mặt cho
đội ngũ làm KH và CN. Triển khai xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm của tỉnh
đạt tiêu chuẩn ISO 17025 và các trạm trại thực nghiệm; xây dựng khu nông nghiệp
công nghệ cao phục vụ hoạt động nghiên cứu và ứng dụng, trình diễn các mô hình
tiêu biểu trong chuyển giao kỹ thuật công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Là tỉnh
có thế mạnh phát triển nông - lâm nghiệp cho nên Ðác Nông coi trọng nghiên cứu
và ứng dụng rộng rãi các thành tựu công nghệ sinh học. Ðiều cần tập trung ở đây
là tuyển chọn, và nhập khẩu các giống cây, con có năng suất chất lượng cao; ứng
dụng các tiến bộ về công nghệ trong thâm canh và phát triển công nghiệp chế
biến nông sản, nhằm tạo khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn cho tiêu dùng và xuất
khẩu.
Ðồng chí Trần Quốc Huy, Ủy viên T.Ư
Ðảng, Bí thư Tỉnh ủy Ðác Nông cho rằng, một số vấn đề lớn và phức tạp, tỉnh
chưa đủ khả năng giải quyết, cho nên cần có sự hợp tác, liên kết với các nhà
khoa học T.Ư, trường đại học khu vực để triển khai. Chương trình Tây Nguyên 3,
bao gồm nhiều nhiệm vụ, đề tài nhưng Ðác Nông mong muốn các nhà khoa học (Viện
KH và CN Việt Nam) chọn những vấn đề sát hợp, phục vụ thiết thực cho sự phát
triển bền vững của địa phương.
Theo http://www.nhandan.org.vn (nthieu)