Bưởi Tân Triều được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý
Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ vừa có quyết định về việc cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm bưởi Tân Triều, thuộc khu vực địa lý các xã: Bình Hòa, Tân Bình, Bình Lợi, Thiện Tân, Tân An huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai.
Bưởi Tân Triều (ảnh: Sở KH&CN Đồng Nai)
Theo bản mô tả tính
chất/chất lượng/danh tiếng của bưởi Tân Triều do Sở Khoa học và Công nghệ Đồng
Nai lập thì bưởi Tân Triều là loại trái cây có dạng quả lê thấp, cuống đầu quả
dạng lồi, vỏ quả khi chín có màu xanh vàng lá nhẵn. Các múi bưởi cân đối, các
con tép thon nhỏ, bó chặt, màu vàng ngà, vị ngọt (đối với bưởi Đường Lá Cam) và
quả dạng tròn, hơi co núm ở đầu cuống, gần giống với quả ổi, cuống đầu quả dạng
cổ thắt, quả nhỏ. Vỏ quả sần, khi chín có màu vàng nhạt, dễ bóc tách, con tép
bó chặt trung bình, thon nhỏ, có màu vàng ngà (đối với bưởi Ổi).
Theo chỉ dẫn địa lý
bưởi Tân Triều, đây là khu vực có địa hình thấp, không bị ngập, độ dốc tương
đối thấp, thoát nước tốt, địa hình không bị chia cắt mạnh, được bồi đắp phù sa.
Ngoài ra, đây còn là khu vực địa lý có nhiệt độ trung bình năm từ 26,8 đến 27,50c,
tổng số giờ nắng trung bình từ 2.150 giờ đến 2.450 giờ. Lượng mưa trung bình
năm từ 330 đến 630mm, lượng bốc hơi trung bình từ 1.190 đến 1.225mm, độ ẩm
trung bình năm từ 78% đến 80,5%.
Các loại hình đất ở
khu vực địa lý thích hợp cho sự phát triển của bưởi Đường Lá Cam bao gồm: đất
phù sa chua, kết von sâu; đất phù sa chua, đọng nước; đất phù sa điển hình, cơ
giới trung bình; đất phù sa điển hình, ít chua và đất xám cơ giới nhẹ, nghèo ba
zơ.
Các loại đất ở khu
vực địa lý thích hợp cho sự phát triển của bưởi Ổi bao gồm: đất phù sa chua,
kết von sâu; đất phù sa chua, đọng nước; đất phù sa điển hình, cơ giới trung
bình và đất phù sa điển hình, ít chua.
Khu vực trồng bưởi
Tân Triều là khu vực địa lý được chi phối bởi hệ thống sông Đồng Nai, vùng đất
luôn được bồi tụ phù sa, không bị ngập úng, nhiễm mặn, nhiễm phèn, tiêu thoát
nước tốt đồng thời đảm bảo nguồn nước tưới cho cây.
Quy trình sản xuất
bưởi Tân Triều được chia làm ba khâu chính, trong đó khâu đầu tiên là thiết kế
vườn trồng, tiếp theo là khâu kỹ thuật trồng và chăm sóc và cuối cùng là thu
hoạch và bảo quản sau thu hoạch.
Việc thiết kế vườn
trồng có thể thiết kế mương theo rãnh hoặc mương theo líp hướng Bắc – Nam hoặc
Đông – Tây. Việc trồng cây chắn gió được tiến hành bằng việc sử dụng các loại
cây như cây bình linh, xoài, mít, mận, dâm bụt…làm cây chắn gió trồng xung
quanh vườn. Theo thiết kế vườn trồng thông thường cho bưởi Tân Triều thì khoảng
cách trồng bưởi thích hợp ở vùng bưởi Tân Triều là 5m x 6m; 6m x 6m; 6m x 7m,
tương đương mật độ từ 260-300 cây/ha. Quan trọng nhất trong quy trình sản
xuất bưởi là khâu trồng và chăm sóc. Bưởi thường được trồng vào đầu mùa mưa.
Trong kỹ thuật trồng và chăm sóc bưởi, gồm nhiều công đoạn khác nhau như chuẩn
bị hố trồng, tủ giữ ẩm gốc cây và làm cỏ, tưới và tiêu nước, bón phân cho cây,
tỉa quả và bảo quản quả bưởi trên cây.
Trong khâu tỉa quả,
chỉ nên giữ lại từ 2-3 quả và bảo quản quả trên cây bằng vật liệu bao trái
chuyên dùng từ khi quả khoảng 4 tháng tuổi hoặc trồng xen cây bình linh che
bóng cho bưởi.
Ngoài ra, để bưởi
thực sự đạt chất lượng, khâu thu hoạch cũng rất được chú trọng, bưởi thường
được thu hoạch vào chiều mát, nhẹ tay, tránh lúc nắng gắt, không thu hoạch sau
mưa hoặc có sương mù nhiều.
Việc cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho bưởi
Tân Triều có ý nghĩa quan trọng trong việc gìn giữ và phát triển giá trị thương
hiệu bưởi nổi tiếng tại Đồng Nai này. Ngoài ra, cũng góp phần tăng giá trị cạnh
tranh trên thị trường cho loại nông sản quan trọng trên thị trường trong nước
và nước ngoài.