Ngộ độc vì thiếu tiêu chuẩn thực phẩm sạch
Hiện nay Việt Nam vẫn chưa có một điều luật cụ thể dành riêng cho tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cho trẻ em. Điều này dẫn đến là số trẻ bị ngộ độc thực phẩm không ngừng tăng, gây ảnh hưởng cho sự phát triển toàn diện về thể chất
Thực phẩm “bẩn” bủa vây trường
học
Các món quà vặt được
bày bán tại cổng trường từ lâu đã là món khoái khẩu của nhiều trẻ nhỏ. Tuy
nhiên, những thức ăn “ba không” này lại chính là tác nhân lớn nhất gây ra những
ca ngộ độc thực phẩm cho trẻ. Trong khi đó, đa số các bậc cha mẹ phụ huynh đều
chưa quan tâm đến vấn đề này.
Hầu
hết tại các khu vực trường tiểu học, THCS, THPT và thậm chí là các lớp học hè,
vui chơi giải trí trên địa bàn Hà Nội luôn có một lượng rất đông các hàng, quán
cóc vây quanh. Những quán “ẩm thực” vỉa hè này đều bày bán các loại ô mai, bánh
kẹo, các loại kem gia công đóng túi nilông, nem chua rán, sữa chua…
Dễ
nhận thấy các loại kẹo sặc sỡ sắc màu in trên bao bì đều là kẹo Trung Quốc. Vỏ
ngoài chỉ có tiếng Trung Quốc, không hạn sử dụng, không có thành phần, không rõ
nguồn gốc xuất xứ... nhưng loại kẹo này lại chiều lòng nhiều trẻ nhỏ bởi mẫu mã
đẹp, nổi bật với các hình ảnh siêu nhân, búp bê trong phim hoạt hình, truyện
tranh.... Màu sắc bắt mắt lại có giá cả vô cùng rẻ, chỉ từ 1.000đ –
5.000đ/món.
Có hàng chục
loại thực phẩm mang nhãn mác Trung Quốc, không có nhãn phụ tiếng Việt kiểu như
vậy được bày bán tại các hàng quán vỉa hè. Từ các loại dạng khô, dạng cô đặc
đến dạng nước đóng chai thế nhưng cả người bán cũng không biết thực chất đó là
gì, được chế biến từ những thành phần nào. Khi được hỏi nguồn hàng lấy từ đâu,
đa số người bán đều cho biết, họ có mối lấy hàng từ các khu tạp hoá tại chợ
Đồng Xuân, chợ Nghĩa Tân, chợ Hàng Bè, các quầy bán buôn bánh kẹo Hàng
Buồm.
Ngoài
hàng đóng gói, nhiều quán còn kinh doanh các loại mặt hàng chế biến như nem
chua rán, bánh khoai, bánh chuối, hoa quả dầm, xôi.... Có quầy hàng bán nem
chua rán theo kiểu “di động”, các khâu chế biến, rán nem, bốc ném đều ở trên
một chiếc khay nhỏ, người bán không đeo găng tay. Khay đựng thực phẩm không có
đồ che đậy, không có chỗ ngồi ăn, tương ớt nhoe nhoét vương vãi rất mất vệ
sinh.
Giá rẻ
lại hấp dẫn đối với trẻ nhỏ thế nên, cứ mỗi giờ tan học, đông đảo các em học
sinh lại xúm xít, bu quanh các hàng quán này. Nhiều em cho biết, buổi sáng đi
học đều được bố mẹ phát tiền ăn sáng mà sáng đi học vội chưa kịp ăn nên đợi đến
giờ tan học là tìm mua những gói ô mai, gói thịt bò khô hay các loại nước giải
khát đóng chai đóng túi để “đánh chén”.
Điều
đáng nói là có vẻ như ít phụ huynh chú ý đến chất lượng của những món quà rong
này. “Các cháu cứ đòi ăn, lại còn khóc lóc đòi mua cho mới chịu đi học. Hơn
nữa, buổi chiều tan học về cũng đói nên tôi cho tiền con thích ăn gì thì mua,
dần thành quen”, một phụ huynh phân bua. Khi được hỏi về các loại kẹo phát
sáng, "khô hổ" có chứa những chất độc hại có khả năng gây bệnh cho
trẻ, nhiều phụ huynh đều lắc đầu không biết.
Ngược
lại với thái độ “thờ ơ” của nhiều bậc phụ huynh trước việc con cái mình lén lút
mua thực phẩm “bẩn” tại cổng trường, một số phụ huynh “thừa tiền lắm của” lại
đua nhau bồi bổ cho trẻ bằng các loại sâm nhung, tổ yến đắt đỏ. Kinh tế gia
đình khá giả nên chị Thanh Hà (Ngọc Lâm, Hà Nội) thường xuyên tìm đến các cửa
hàng bán đồ xách tay để mua hàng “ngoại” cho con từ sữa, váng sữa, sữa chua đến
các loại bánh kẹo, trái cây…
Nghe bạn bè
có con nhỏ mách cách chăm con bằng ăn tổ yến, mỗi tháng chị Hà cũng chịu khó bỏ
ra 15 triệu đồng nhờ người thân ở Khánh Hòa mua 1 lạng yến cho cậu quí tử bồi
bổ. Chồng chị Hà còn nhờ bạn bè mua thêm sâm Linh Chi, sâm Ngọc Linh để đun lấy
nước cho con uống. “Dùng toàn hàng “xịn” là thế, tháng nào cũng tốn bao nhiêu
tiền mua đồ bổ dưỡng nhưng thằng bé ngày càng còi cọc, da tái xanh, chiều cao
và cân nặng còn kém xa bạn bè đồng trang lứa”, chị Hà than thở.
Đưa
con đi khám bệnh ở các viện dinh dưỡng, chị mới biết hoá ra dùng nhiều hàng
“xịn” đã khiến con chị bị thừa chất, khả năng hấp thụ của cháu lại càng kém đi.
Nguy hiểm hơn, những loại sữa “ngoại” hiện đang có nguy cơ “pha trộn” với hàng
hết hạn sử dụng “tuồn” về từ nước ngoài. Các loại tổ yến, sâm nhung cũng có
nguy cơ bị làm giả, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của cháu nhỏ.
“Giờ
đang phải cho con uống thuốc điều trị triệu chứng thừa chất mà chị ân hận quá.
Đã thế còn bị hai bên nội ngoại mắng cho một trận vì tự ý bồi bổ cho con linh
tinh. Giờ chị cứ cho con ăn uống bình thường, đảm bảo đủ chất thôi. Sữa thì cứ
mua liên doanh cho chắc, mua hàng “ngoại” cũng chẳng đảm bảo chất lượng”, chị
Hà chia sẻ.
Đây
cũng là thực trạng chung của các gia đình có điều kiện đang rất sính mua thực
phẩm đắt tiền nhưng lại không hiểu rằng, việc tự ý dùng những thực phẩm này có
thể khiến con bị thừa hoặc thiếu chất. Đó là chưa kể đến những vụ buôn bán sâm
nhung, tổ yến giả và chất lượng của những loại thực phẩm “xịn” kiểu này vẫn
đang bị bỏ ngỏ, chưa qua kiểm định chất lượng của Bộ Y tế.
Báo
động về tình trạng trẻ ngộ độc thực phẩm
Hiện
nay nhu cầu về sản phẩm dinh dưỡng, thực phẩm cho trẻ em đang phát triển mạnh
mẽ với rất nhiều chủng loại đa dạng. Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển này
là không ít mối đe dọa về an toàn vệ sinh thực phẩm đối với trẻ nhỏ. Trong đó,
số lượng ngộ độc thực phẩm ở trẻ tại các thành phố lớn như TP.HCM mỗi năm lên
đến vài trăm ca.
Và
ngay tại nơi có điều kiện sống tốt hơn thì vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm
dành cho trẻ vẫn đáng báo động. Nhiều thực phẩm có lượng phẩm màu, chất bảo
quản và các chất phụ gia khác… vượt mức an toàn.
Bên
cạnh mối nguy hiểm tiềm tàng như di chứng “mãn tính” ảnh hưởng đến sự phát
triển, các chất này còn trực tiếp tác động lên cả hệ thần kinh của trẻ. Qua
điều tra, trong các loại ngộ độc ở trẻ em thì ngộ độc thực phẩm phổ biến nhất,
tiếp theo là ngộ độc hóa chất, ngộ độc thuốc. Đáng chú ý, những trẻ dưới 2 tuổi
bị ngộ độc chủ yếu do thực phẩm được chuẩn bị tại nhà, trẻ từ 2-5 tuổi ngộ độc
do nhiều yếu tố hơn, như: ở nhà, môi trường, lớp học. Ecoli và Salmonella là 2
tác nhân gây ngộ độc phổ biến nhất.
TS Lê
Thị Hồng Hảo, Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc
gia - Bộ Y tế cho biết, sự lạm dụng các loại hóa chất trong sản xuất thực phẩm
ngày càng phổ biến. Từ năm 2008 đến nay liên tục xảy ra các vấn đề về an toàn
thực phẩm, trong đó có cả thực phẩm dành cho trẻ nhỏ. Điển hình nhất trong năm
2008 là cơn bão melamin (protein giả) trong sữa, sang năm 2009 là việc sữa có
hàm lượng protein thấp, năm 2010 là vấn đề Biphenol-A trong bình uống sữa có
nguy cơ gây ung thư và kẹo phát sáng có PAH.
Năm
2011 với sự việc cốm có chứa phẩm màu ngoài danh mục, thạch rau câu chứa chất
tạo đục DEHP độc hại, lạp xưởng làm từ “mỡ thối”. Còn ngay trong 4 tháng đầu
năm 2012 dư luận rất bức xúc và lo ngại trước nhiều vấn đề về an toàn vệ sinh
thực phẩm như: Thuốc cam có độc tố chì, thịt chứa chất tăng trưởng, ô mai không
đảm bảo chất lượng...
Năm
2011, thống kê của cục cho thấy có gần 200 vụ ngộ độc thực phẩm trên cả nước
với 4.700 trường hợp mắc. Tỉ lệ trẻ em từ dưới 4 tuổi bị ngộ độc thực phẩm
trong 10 năm qua chiếm 4,1% số mắc, chiếm 3,9% số đi viện và 4,7% số chết trong
tổng số các vụ ngộ độc thực phẩm.
Theo
TS Nguyễn Hùng Long, Phó cục trưởng Cục ATVSTP - Bộ Y tế, sự vi phạm về an toàn
vệ sinh thực phẩm dành cho trẻ nhỏ ngày càng tăng mạnh. Nếu như năm 2010 có 99
sản phẩm được công bố thì năm 2011 tăng lên 135 và riêng 4 tháng đầu năm 2012
đã có tới 31 sản phẩm.
Trong
khi đó, vẫn còn nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm vi phạm về điều kiện
vệ sinh cơ sở, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP, vi phạm ghi nhãn,
vi phạm về hàm lượng thành phần so với công bố. Đại diện ngành y tế, TS Nguyễn
Hùng Long cho biết, tới đây, các cơ sở sản xuất thức ăn cho trẻ nhỏ sẽ buộc
phải áp dụng hệ thống quản lí chất lượng theo GMP hoặc HACCP.
Ngoài
ra, các cơ sở này không chỉ phải đảm bảo vấn đề an toàn thực phẩm mà còn phải
đảm bảo chất lượng dinh dưỡng, đáp ứng đủ số lượng và hàm lượng vitamin, chất
khoáng, vi chất và một số chất bổ sung dinh dưỡng: DHA, taurin, cholin… để cung
cấp đầy đủ các dưỡng chất cho từng giai đoạn phát triển của trẻ.
Bộ Y
tế cũng sẽ chỉ định các tổ chức có đầy đủ năng lực kiểm nghiệm phù hợp với Luật
Tiêu chuẩn và qui chuẩn kĩ thuật để đánh giá và chứng nhận hợp qui. Phương thức
đánh giá phù hợp sẽ chặt chẽ hơn so với công bố tiêu chuẩn sản phẩm chỉ dựa vào
kết quả thử nghiệm trên mẫu thử hay mẫu thử do doanh nghiệp tự gửi.