Hạt dẻ Trùng Khánh: Mất thương hiệu ngay tại Trùng Khánh
10 năm trước, người ở bên kia biên giới sang lấy giống hạt dẻ về canh tác. 10 năm sau, họ đưa hạt dẻ sang bán tràn lan ở Trùng Khánh dưới tên gọi hạt dẻ Trùng Khánh (HDTK). HDTK mất thương hiệu ngay tại Trùng Khánh bởi thứ hạt dẻ ngoại lai bở như khoai có tên gọi dân dã là “hạt dẻ Tàu”!
Ở thị trấn “thủ phủ hạt dẻ” Trùng Khánh, chỉ có duy nhất tấm bảng quảng cáo
hạt dẻ này và nó đang bị quên lãng bởi thời gian. Ảnh:
D.Th.Tùng
Nổi tiếng nhờ địa lý
Nông dân trồng hạt
dẻ ở Trùng Khánh
khẳng định: Mùa HDTK chỉ rộ lên vào tháng 9 Dương lịch. Các tháng sau đó, nếu
nơi nào bán HDTK thì đấy là HDTK giả!
Kỹ sư nông nghiệp Nông Thị Niệm, nhà ở
thị trấn Trùng Khánh, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, cho biết, mùa hạt dẻ
2012, HDTK được bán với giá 120.000 đồng/100 hạt. HDTK mua tại chợ Trùng Khánh
ít khi có giá dưới 100.000 đồng/100 hạt. Nếu mua hạt dẻ dưới giá này thì không
phải là hạt dẻ được trồng trên đất của Trùng Khánh.
Theo website chỉ dẫn địa lý HDTK: Chất
lượng đặc biệt của HDTK có được là nhờ điều kiện tự nhiên đặc thù của khu vực
địa lý được phân bố ở các sườn đồi có độ cao khoảng 450 - 600m, xung quanh bao
bọc bởi núi đá vôi tạo nên khí hậu mát mẻ quanh năm thích hợp cho sự phát
triển và sinh trưởng của cây dẻ. Khu vực địa lý Trùng Khánh (gồm các xã: Đình
Minh, Chí Viễn, Khâm Thành, Phong Châu) có nhiều sông, suối lớn chảy qua cung
cấp phù sa và nước tưới. Về mặt khí hậu, khu vực địa lý này có nền nhiệt độ
thấp, khí hậu quanh năm mát mẻ khô ráo, nhiệt độ trung bình năm dao động từ 20
- 21oC, diễn biến nhiệt độ rất phù hợp với các thời kỳ sinh trưởng
và phát triển của cây dẻ, đặc biệt là thời kỳ ra hoa,…
Ngoài yếu tố tự nhiên, phương pháp sản
xuất, canh tác, kỹ thuật thu hái, bảo quản hạt dẻ của người dân địa phương cũng
góp phần tạo nên chất lượng của HDTK. Ngày 21/3/2011, Cục Sở hữu Trí tuệ đã cấp
Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00026 cho sản phẩm HDTK nổi tiếng.
Theo chỉ dẫn địa lý, HDTK to gấp 5 - 6 lần hạt dẻ rừng. Hình dáng hơi tròn
(kích thước 3 chiều gần bằng nhau). Vỏ hạt màu nâu sẫm, rất bóng. Trên vỏ có
lớp lông tơ màu trắng nhạt. Vỏ lụa mỏng, dễ bóc, nhân hạt có màu vàng tơ, bùi
và thơm ngậy. HDTK khác biệt với hạt dẻ Trung Quốc, hạt dẻ Lạng Sơn, hạt dẻ
Quảng Uyên,… bởi các tính chất và chất lượng đặc trưng của nó.
Về chất lượng, HDTK có sự khác biệt rõ
ràng so với các loại dẻ trồng ở các vùng khác thông qua các chỉ tiêu như: Hàm
lượng nước trong nhân hạt dẻ (48,72 - 52,89%); hàm lượng gluxit trong nhân hạt
dẻ (36,63 - 43,41%); hàm lượng glucoza trong nhân hạt dẻ (0,73 - 1,41%); hàm
lượng lipit trong nhân hạt dẻ (1,51 - 2,16%); hàm lượng protein trong nhân hạt
dẻ (3,09 - 3,94%).
Mất thương hiệu tại nơi
ra đời
Mùa dẻ chín cũng chính là mùa vui của
người dân các dân tộc huyện Trùng Khánh. Mùa vui không kéo dài và HDTK đang bị
chiếm đoạt thương hiệu ngay tại nơi nó ra đời.
Tỉnh lộ 206 chạy dọc thị trấn Trùng
Khánh. Đầu con đường tỉnh dẫn vào thị trấn có tấm biển quảng cáo hạt dẻ rang
nóng. Cả thị trấn thủ phủ vùng hạt dẻ, chỉ có duy nhất tấm biển quảng cáo
này. Tấm biển được treo từ lâu và đang bị quên lãng bởi bụi bặm và mớ dây leo
lòng thòng.
Cuối tháng 11, không nơi nào ở Trùng
Khánh thu hoạch hạt dẻ nhưng tại khu chợ trung tâm Trùng Khánh, những người bán
hạt dẻ luôn chào mời mua “HDTK”. Thứ hạt dẻ to gần bằng ngón chân cái được nông
dân địa phương khẳng định 100% là “hạt dẻ Tàu”. Kỹ sư Nông Thị Niệm cho biết,
HDTK là sản phẩm rất khó bảo quản. Nếu không được sơ chế cẩn thận thì chỉ
vài ngày sau khi hái xuống, quả dẻ đã bị ủng nát, xuống màu, mất hương vị và
màu sắc vốn có. Phân tích này cho thấy, hạt dẻ không nhãn mác bán tràn lan ở
chợ Trùng Khánh không thể là HDTK mà là hạt dẻ Trung Quốc.
Là người sinh ra, lớn lên ở vùng HDTK,
đi học thành kỹ sư nông nghiệp rồi trở về quê hương, bà Niệm không khỏi chua
xót cho biết: 10 năm trước, người ở bên kia biên giới sang lấy giống hạt dẻ về
canh tác. 10 năm sau, họ đưa hạt dẻ sang bán tràn lan ở Trùng Khánh dưới tên
gọi “HDTK”.
HDTK mất thương hiệu ngay tại Trùng Khánh bởi thứ hạt dẻ ngoại lai bở như khoai
có tên gọi dân dã là “hạt dẻ Tàu”!