Nghiên cứu sản xuất và ứng dụng kháng thể đơn dòng trong chẩn đoán và điều trị bệnh ở người. Mã số KC - 10.09/06 - 10
Do tác động của điều kiện sống, tỷ lệ mắc bệnh ung thư ngày một tăng. Những năm gần đây, mỗi năm Việt Nam phát hiện khoảng 150.000 bệnh nhân ung thư mới, nhiều nhất là ung thư phổi, ung thư vú và bạch cầu.
Ung thư - vốn được
xem là bệnh khó trị, nhưng gần đây các nhà khoa học đã đưa ra nhiều liệu pháp
chống ung thư, chẳng hạn liệu pháp gen, điều trị miễn dịch với việc sử dụng các
kháng thể đơn dòng, các vaccine, đã mang lại những thành công đáng khích lệ, do
đó, tỉ lệ tử vong do mắc bệnh ung thư ngày một giảm. Bệnh ung thư nếu được phát
hiện sớm thì tỷ lệ điều trị thành công rất cao. Vì vậy, việc nghiên cứu và sản
xuất các kháng thể đơn dòng đặc hiệu kháng nguyên đích sẽ góp phần kiểm soát
bệnh, chẩn đoán, và điều trị ung thư ngày một hiệu quả hơn, góp phần chăm sóc
và bảo vệ sức khỏe cộng đồng ngày một tốt hơn.
Xuất phát từ những thực tế
nêu trên trên, PGS Lê Quang Huấn,
Viện Công nghệ Sinh học, cùng một số cán bộ đã tham gia nghiên cứu và thực hiện
đề tài “Nghiên cứu sản xuất và ứng dụng
kháng thể đơn dòng trong chẩn đoán và điều trị bệnh ở người. Mã số KC -
10.09/06 - 10” nhằm mục đích xây dựng được quy trình sản xuất kháng thể đơn
dòng nhằm tạo KIT chẩn đoán các bệnh ung thư ở người (ung thư máu, ung thư
phổi, ung thư vú), nghiên cứu quy trình tạo chế phẩm định hướng điều trị bệnh ở
người.
Đề tài sau một thời gian
tiến hành các nội dung nghiên cứu đã thu được một số kết quả nổi bật sau:
+ Đã tạo được ba bộ Kit
định lượng kháng nguyên HER2, Cyfra 21-1 và CD33 với tính đặc hiệu và độ nhạy
cao;
+ Đã thu nhận được 1gram
kháng thể/1 loại kháng thể và đã xác định cấu trúc bậc nhất của kháng thể
bằng khối phổ; xác định hoạt tính của các kháng thể bằng các phản ứng ELISA,
phản ứng làm tan tế bào nuôi cấy của các kháng thể đơn chuỗi dạng scFv-melittin;
+ Đã xây dựng được 3 tiêu
chuẩn cơ sở sử dụng Kit định lượng kháng nguyên: HER2 trong ung thư vú, Cyfra
trong ung thư phổi và CD33 trong ung thư máu;
+ Đã xây dựng được quy
trình thu nhận kháng nguyên tái tổ hợp bằng công nghệ gen;
+ Đã xây dựng được quy
trình thu nhận kháng thể tái tổ hợp dạng đơn chuỗi scFv trên cơ sở tạo thư viện
scFv của các kháng thể có nguồn gốc từ gà, tạo được gen mã hóa các kháng thể
đặc hiệu kháng nguyên đích dạng ghép và dạng Immunotoxin;
+ Đã xây dựng được quy
trình định lượng kháng nguyên đặc hiệu ung thư trên cơ sở sử dụng các scFv của
kháng thể biểu lộ trên phage đặc hiệu kháng nguyên đích và các kỹ thuật phage
display, real-time PCR.
Có thể tìm đọc toàn bộ Báo cáo KQNC Đề tài (số lưu trữ: 7713/2010) tại
Cục Thông tin KH&CN Quốc gia (http://db.vista.gov.vn).