Chương trình đào tạo kết hợp với hội thảo về Quyền Sở hữu Trí tuệ tại Nhật Bản
Đây là năm thứ 3 (2009 – 2012), dự án về đào tạo Quyền Sở hữu Trí tuệ, do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ và phối hợp với Trung tâm Luật so sánh Kyoto (KCLC) tổ chức tại Nhật Bản từ các ngày 24/9 – 27/10/2012.
Nội dung chủ yếu của
chương trình đào tạo là các tình huống về quản lý sở hữu trí tuệ mà các doanh
nghiệp cũng như các tác giả, chủ sở hữu Nhật Bản có các tài sản trí tuệ đã và
đang giao dịch, chuyển quyền, nhượng quyền, công bố, phổ biến tại Nhật Bản và
Việt Nam.
Các giao dịch quyền này hiện nay gặp nhiều thuận lợi hơn so với trước
đây. Việc Việt Nam đã gia nhập WTO (đề cập đến hiệp định TRIPs) hay công ước
Bern và hiệp định đối tác thương mại Việt – Nhật (VJEPA, 2009),... đã thực sự
tạo điều kiện thuận lợi cho hai nước áp dụng pháp luật để giải quyết các vụ
việc liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả, quyền liên
quan.
Chương trình cũng đưa ra các mô hình quản lý và xử phạt. Công tác giải
quyết các vụ việc tại cửa khẩu, tòa án chuyên biệt về SHTT bằng các hình thức dân
sự, hành chính, hình sự tại Nhật Bản khá đồng bộ và nghiêm khắc.
Tòa án Sở hữu Trí tuệ là mô hình
không mới, nhưng phù hợp với những nước phát triển và đang phát triển hiện nay.
Việc giải quyết các tranh chấp tại tòa này đã giúp các bên liên quan yên tâm
trong quá trình tố tụng và công tác chuyên môn tại tòa được nâng cao, chuyên
sâu,...
Trong khuôn khổ chương trình, tổ
chức JICA và KCLC đã phối hợp với các trường đại học Tokyo và Osaka tổ chức hai
chương trình hội thảo về Quyền Sở hữu Trí tuệ và Tình hình Sở hữu Trí
tuệ hiện nay.
Tại hội thảo này, đại diện Cục Bản
quyền Việt Nam đã giới thiệu về Tình hình sở hữu trí tuệ tại Việt Nam về
Quyền tác giả, quyền liên quan. Qua chuyên đề này, các bên đã hiểu hơn về
tình hình cũng như các hoạt động của Cục Bản quyền và các ban ngành liên quan
tại Việt Nam, trong thời gian qua đã nỗ lực thực thi và từng bước giảm thiểu
việc vi phạm bản quyền và đạt được các yêu cầu về bảo vệ quyền tài sản trí tuệ.
Về phía Nhật Bản, các chuyên gia
pháp luật cũng đã giới thiệu về Luật Bản quyền tác giả vừa mới sửa đổi bổ sung.
Luật mới này sửa đổi bổ sung không
nhiều, nhưng nội dung tại lần bổ sung thì chặt chẽ và đặc biệt là quy định cụ
thể hơn đối với các hành vi vi phạm, chẳng hạn người sử dụng (download) tải các
tác phẩm vi phạm bản quyền vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hơn nữa, liên quan đến các khía cạnh
giới hạn và ngoại lệ quyền, trước đây việc download được chấp nhận. Nhưng hiện
nay, người sử dụng biết tác phẩm bị vi phạm mà vẫn tải xuống cho dù sử dụng
với mục đích cá nhân vẫn có thể bị xử lý hình sự, và mức phạt cao nhất là 5
năm tù cùng 5 triệu Yên.
Quy định chi tiết về vấn đề bổ sung
các hành vi vi phạm này tại Nhật Bản đã có hiệu lực vào ngày 01/10/2012. Cũng
vào thời điểm tại Việt Nam là thông tư liên tịch quy định chi tiết đối với nhà
cung cấp dịch vụ internet, số 07/2012/TTLT/BTTTT-BVHTTDL có hiệu lực vào ngày
06/8/2012.
Ông Kinoshita, chuyên gia cao cấp về
luật SHTT của Trung tâm Luật so sánh Kyoto (KCLC) đã đánh giá cao sự tương đồng
về thời điểm và cơ chế quy định pháp luật giữa hai nước. Những nhà làm luật
Nhật Bản cũng hy vọng trong thời gian tới, thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế
Nhật Bản (JICA), hai nước sẽ tiếp tục phối hợp các dự án nhằm tăng cường cơ chế
bảo hộ quyền SHTT.