Biến hình tinh bột bằng phương pháp acid
Tinh bột chủ yếu có trong hạt, củ, thân và lá cây. Tinh bột có vai trò dinh dưỡng đặc biệt lớn vì trong quá trình tiêu hóa chúng bị thủy phân thành đường glucose là chất tạo nên nguồn calo chính của thực phẩm cho con người. Tinh bột thường được dùng làm chất tạo độ nhớt, sánh cho thực phẩm dạng lỏng, là tác nhân làm bền cho thực phẩm dạng keo, là các yếu tố kết dính và làm đặc tạo độ và độ đàn hồi cho nhiều thực phẩm.
Nghiên cứu do tác giả Nguyễn Nhật Minh Phương,
Bộ môn CNTP, Khoa NN&SHƯD, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện nhằm nghiên cứu
sự ảnh hưởng của hàm lượng acid HCl 0,5N và thời gian biến hình đến một số tính
chất của tinh bột theo phương pháp của Ali và Kempf (1986).
Vật liệu thí nghiệm là tinh bột sắn tự nhiên
được mua một lần bên ngoài thị trường dành cho các thí nghiệm.
Kết quả thu được sau thời gian nghiên cứu cho
thấy, tinh bột sắn tự nhiên có thể được xử lý với acid HCl 0,5N để thu về tinh
bột có những tính chất hoàn toàn mới. Khi gia tăng việc sử dụng hàm lượng acid
HCl 0,5N từ 0-200 ml và kéo dài thời gian biến hình lên đến 120 phút thì mức độ
trùng hợp và độ nhớt của tinh bột biến hình càng giảm rõ rệt. Trong khi đó, độ
hòa tan của tinh bột biến hình gia tăng đáng kể. Tùy theo mục đích và yêu cầu
của từng loại thực phẩm, đề tài đã đưa ra các mức biến hình khác nhau để tạo ra
các loại tinh bột biến hình có mức độ trùng hợp, độ nhớt hay độ hòa tan khác
nhau. Do đó, đây chính là cơ sở cho việc sử dụng tinh bột biến hình phù hợp
trong công nghiệp thực phẩm.
Kỷ yếu Hội nghị Khoa học CAAB năm 2012.